Đối thoại trực tiếp phụ huynh, HS chưa ngoan tại hội trường phường, đến nhà vận động HS bỏ học đến lớp… phường Hòa Hiệp Nam (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang tạo ra một mô hình mới trong việc chấn chỉnh tình hình HS vi phạm, bỏ học trên địa bàn.
Em Trần Văn L. – một trong số học sinh chưa ngoan đã thay đổi tích cực sau buổi gặp đối thoại tại UBND phường. Ảnh: Nguyễn Huy |
Có gặp mới biết con chưa ngoan
Mới đây nhất, UBND phường Hòa Hiệp Nam tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với 39 học sinh chưa ngoan cùng phụ huynh, trước sự chủ tọa của phó chủ tịch UBND phường, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn.
Buổi tối nhưng không khí hội trường phường khá tấp nập phụ huynh và học sinh đến tham dự. Nhiều bậc cha mẹ không khỏi bất ngờ được phường mời với lý do bàn biện pháp khắc phục… con chưa ngoan. Tới nơi, họ mới té ngửa ra con mình lâu nay thường bỏ học, đánh lộn, vô kỷ luật…
Anh Lê Ph. (ở tổ 35 – Nam Ô 2 – Hòa Hiệp Nam) vừa bước vào hội trường cứ một mực khẳng định: Con gái mình dù học hành không khá nhưng không đến nỗi phải bị liệt vào danh sách chưa ngoan. “Gia đình chúng tôi cũng bận túi bụi, không có thời gian quan tâm nhiều đến cháu… nhưng những lúc tiếp xúc thấy cháu tỏ ra rất ngoan ngoãn, đi học đều đặn, không thấy có dấu hiệu bỏ học”.
Chỉ đến khi thầy Trần Văn Đệ, Hiệu trưởng trường THCS Lê Anh Xuân (Hòa Hiệp Nam) đứng lên thông báo, anh Ph. mới giật mình nhận thấy cô con gái Lê Thị L.O. thường xuyên nói leo trong lớp, không học bài cũ, thậm chí có thái độ vô lễ với thầy cô…
Cá biệt như trường hợp nữ sinh Tống Thị D.K. (học sinh lớp 9, trường THCS Lê Anh Xuân). Ngồi bên cạnh K., ông nội Tống Viết Minh (tổ 16, phường Hòa Hiệp Nam) ngơ ngác chưa hiểu hết sự tình. Ông cứ đinh ninh đứa cháu nội rất xinh xắn của mình chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, vâng lời, ngờ đâu ông phải nghe một loạt thành tích đen từ những lời nhận xét của thầy hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm.
Không khí hội trường nóng lên từng giờ. Anh Phạm Trí D., phụ huynh em Phạm Trí H. cứ xuýt xoa từng hồi khi nghe trường thông báo. “Không ngờ thằng con tôi lại như thế. Giờ mới rõ nó hay nói dối bố mẹ đi học nhưng thực chất là bỏ học đi chơi điện tử, rồi đánh nhau, hút thuốc, mất trật tự trong lớp học. Ở nhà nó nào đâu dám thế”.
Thầy Trần Văn Đệ cho biết: Đây là lần thứ hai từ đầu năm học 2008 – 2009 đến nay, lãnh đạo phường tổ chức gặp mặt trực tiếp phụ huynh, học sinh các em bỏ học, chưa ngoan để ba nhà: nhà trường – nhà quản lý – gia đình cùng tìm biện pháp chấn chỉnh.
Phụ huynh nêu ý kiến, ký cam kết tại buổi đối thoại với học sinh chưa ngoan phường Hòa Hiệp Nam |
Mỗi nhà mỗi cảnh
Cậu học sinh Nguyễn Văn B. lẳng lặng ngồi nép mình bên cạnh bà nội Nguyễn Thị Nh. (80 tuổi), chẳng giống điệu bộ hay ăn chơi, quậy phá, và chuồn tiết ra quán điện tử của cậu mỗi lúc đến trường. Giọng bà Nh. nghẹn lại:
“Mệ sống đến cái tuổi ni, chỉ mong một lần vinh dự được cùng cháu đến chỗ người ta mời họp mặt để nhận bằng khen về thành tích học tập, ai ngờ mệ phải chịu tủi hổ như rứa! Giận cháu nhưng cũng thương nó”.
B mất cha khi mới đầy một tuổi, chỉ một thời gian ngắn sau, mẹ em cũng bỏ lại đứa con cho bà nội rồi ra đi tha phương cầu thực. Sớm mồ côi, cậu bé lớn lên, theo chúng bạn rồi sinh hư.
Ông Trần Văn Th. sau khi nghe thông báo về học lực, hạnh kiểm, thái độ bất trị hay quậy phá trường lớp của cậu con trai cưng cũng tâm sự: “Đúng là trong lỗi của bọn trẻ có phần lớn lỗi từ gia đình. Tôi đã quá nuông chiều nó vì nó là thằng con trai duy nhất, lại không thường xuyên quan tâm, giao phó hoàn toàn việc dạy dỗ cho nhà trường nên mới ra cơ sự này…”.
Đây mới chỉ là hai trong hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, hư hỏng như hiện nay trên địa bàn.
Ông Lê Duy Du, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, nhận định: “Trăm đường con hư nếu không được sự giáo dục, quan tâm, chỉ dạy từ những phía liên đới. Qua khảo sát 39 đối tượng học sinh này, các em đều có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật, phần lớn là do cha mẹ lơ là, không làm tròn trách nhiệm; gia cảnh phức tạp, bố mẹ ly hôn hay bất đồng… chứ không phải do vấn đề kinh tế quá khó khăn.
Theo tôi còn có tác động của vấn nạn internet, các loại trò chơi điện tử đang bủa vây tại những điểm trường khiến các em bị thu hút, rủ rê lơ là trong việc học hành và sinh ra quậy phá”.
Có chuyển biến
Theo ông Phạm Trưng, Cán bộ văn hóa – xã hội phường, qua hai buổi đối thoại trực tiếp và hàng chục lần đến từng gia đình vận động các em từ đầu năm 2009 đến nay, tình hình học tập của các em đã chuyển biến khá rõ rệt.
Hiện 11 trong tổng số 14 học sinh bỏ học đã đến trường lại, số em học sinh chưa ngoan đã có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành nội quy học tập, giảm tình trạng gây rối trật tự, quậy phá trong trường học.
Có được kết quả ban đầu này, ông Lê Duy Du lý giải: Sau các buổi đối thoại trực tiếp với học sinh, phường tổ chức ký cam kết không tái phạm giữa học sinh, phụ huynh với nhà trường, UBND phường.
Đồng thời, phường phân công từng cơ quan đoàn thể trên địa bàn như: Đoàn xã, Hội Phụ nữ, Nông dân… mỗi đơn vị nhận quản lý, giám sát trực tiếp một số học sinh trong diện này, thường xuyên đến gia đình thăm hỏi và kiểm tra thực trạng tiến bộ của các em để tránh bệnh báo cáo thành tích.
Ông Du nhấn mạnh: “Vận động các em học sinh bỏ học được đến trường, học sinh chưa ngoan biết chỉnh đốn khắc phục là một trong những tiêu chí bình xét thi đua của các đơn vị, đoàn thể trên địa bàn phường”.
Riêng với những trường hợp học lực kém, phường trực tiếp mời học sinh đến hội trường phường để học các lớp phụ đạo do chính các đoàn viên thanh niên, thầy cô phụ trách trước mỗi đợt thi cử. Trong trường hợp không thể đến trường, phường ký văn bản với các đơn vị dạy nghề để các em được học nghề nhất định mà mình phù hợp.
Nguyễn Huy/TPO
Bình luận (0)