Từ năm 2010 đến 2013, Chính phủ và UBND TPHCM đã ban hành 4 văn bản có nội dung cấm xe ba gác, ba bánh thô sơ – tự chế lưu thông. Thực tế đến nay các loại xe này vẫn cứ chạy, vì sao?
Áp lực kiếm sống
Trưa 12-6, bất chấp cái nắng chang chang, anh Nguyễn Văn Hà (47 tuổi, ngụ ở phường 11, quận 5, TPHCM) hì hục vác những bao xi măng trong cửa hàng nội thất Thiên Tường ra chất lên xe ba gác đậu dưới lòng đường Tô Hiến Thành, quận 10. Thấy phóng viên đưa máy chụp hình, anh Hà bỏ vội bao xi măng xuống đất chạy đến năn nỉ: “Chú đừng đưa hình lên báo, tội tui. Tui biết nhà nước đã cấm xe ba gác lưu thông, mình bất chấp chạy là vi phạm. Nhưng nói thiệt, không lén chạy ba gác thuê, tui chẳng biết làm gì sống”.
Xe ba gác vẫn chạy trên đường Lê Văn Việt, quận 9, TPHCM (ảnh chụp sáng 14-6).
Anh Nguyễn Văn Hà cho biết, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, có 5 nhân khẩu (hai vợ chồng, hai con đang đi học và mẹ già 72 tuổi). Tất cả các khoản chi: sách vở cho con, đau bệnh, xăng cộ đi lại… hàng ngày đều trông nhờ vào chiếc xe ba gác, vợ anh làm tạp vụ ở quán ăn, tiền lương chỉ đủ mắm muối qua ngày.
“Đầu năm 2012, cán bộ phường xuống nhà vận động giao xe ba gác, tôi chấp hành và được nhận 7 triệu đồng tiền hỗ trợ. Sau đó làm hồ sơ học lái taxi theo hướng dẫn nhưng khổ nỗi tôi chỉ học đến lớp 3, đọc chữ được chữ mất, thi hoài không đậu nên bỏ cuộc. Xoay xở được 2 tháng, 7 triệu đồng hết toi. Bí quá, tôi vay nóng 3 triệu đồng, làm liều qua quận 8 mua lại chiếc ba gác mới chạy lén. Tháng rồi bị giao thông “tuýt” 3 lần, may là nghe kể về hoàn cảnh mấy anh CSGT thương tình tha cho”, anh Nguyễn Văn Hà trần tình.
Còn anh Nguyễn Mười, 39 tuổi, tạm trú ở phường 5, quận 8, than thở: “Từ Quảng Ngãi vô TP mưu sinh, không trình độ, bằng cấp, nhà cửa, khi giao xe ba gác cho phường, tôi coi như mất việc. Đem 5 triệu đồng hỗ trợ đóng xe hủ tiếu gõ, tính ra bán tạm trên vỉa hè nhưng phường không cho đành để không. Vợ chồng tôi đang tính vay tiền mua xe ba gác chạy lén buôn phế liệu trở lại…”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc đường Võ Văn Kiệt (đoạn qua các quận 1, 5, 6), hiện nay mỗi ngày có hơn 30 xe ba gác máy đậu trước các cửa hàng vật liệu xây dựng, chất hàng chở đến các công trình xây dựng. Còn trên các tuyến đường cấm chạy xe thô sơ trong nội thành như Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng 8, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, xe ba gác, ba bánh thô sơ – tự chế vẫn công khai chở hàng cồng kềnh bon bon trên đường.
Dù thực tế là vậy nhưng tiếp xúc với phóng viên, lãnh đạo hầu hết các quận, huyện ở TPHCM đều khẳng định địa bàn không còn người hành nghề xe ba gác, xe ba bánh thô sơ!
Chưa có lối ra
Giải thích điều này, Trưởng phòng LĐTB-XH của một quận cho rằng, nguyên nhân là công tác chuyển đổi nghề của chính quyền cho những người hành nghề xe ba gác, ba bánh tự chế thời gian qua chưa hiệu quả. Một phần do kinh phí hỗ trợ còn thấp, chủ yếu do Mặt trận Tổ quốc vận động mà có. Phần nữa, những công việc mới, nghề mới mà địa phương giới thiệu chưa thực sự phù hợp với khả năng, trình độ của người lao động. Ngoài ra, việc giám sát, theo dõi, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm của lực lượng CSGT, thanh tra giao thông chưa thực sự mạnh mẽ, quyết liệt.
Được biết, toàn TPHCM hiện có hơn 24.000 xe ba – bốn bánh tự chế thuộc diện cấm lưu thông trên đường phố. Để hỗ trợ chủ phương tiện chuyển nghề, thời gian qua TP đã chi hơn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, các trường hợp được hỗ trợ hầu hết thuộc diện hộ nghèo, số còn lại chiếm hơn 50% chỉ được hỗ trợ một ít hoặc không được hỗ trợ nên việc chuyển nghề rất khó khăn.
Bà Lou Hàn Cánh, Trưởng phòng LĐTB-XH quận 5 TPHCM, kiến nghị, để quy định cấm xe ba gác, ba bánh tự chế lưu thông đi vào thực tế, các quận huyện cần rà soát lại danh sách, kiến nghị TP có biện pháp căn cơ, hợp lý hơn. Thay vì đưa ra các tuyến đường cấm xe ba gác lưu thông, TP nên quy hoạch khu vực cho xe ba gác lưu thông ở những nơi cần thiết như chợ vật liệu xây dựng, nơi có nhiều nhà máy, kho xưởng. Như vậy sẽ dễ quản lý hơn.
PHẠM MINH (SGGP)
Bình luận (0)