Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chuyện nghề đằng sau những con chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 17-8, Liên chi hội Nhà báo phối hợp cùng Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Đài truyền hình TP.HCM (HTV) đã tổ chức chương trình giao lưu “Tâm tình chuyện nghề đằng sau những con chữ”.


Nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài (Phó Trưởng phòng Chính trị Văn xã, Trung tâm tin tức HTV) chia sẻ tại chương trình

Chương trình có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các cơ quan báo chí thuộc công đoàn trong Cụm hoạt động số 3 (Công đoàn Viên chức TP.HCM) và các em sinh viên đến từ Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Diễn giả trong chương trình gồm: Nhà văn, nhà báo, thượng tá Nguyễn Hồng Lam (Phó Trưởng Cơ quan đại diện Cục truyền thông Công an nhân dân tại TP.HCM); đạo diễn điện ảnh – truyền hình Nguyễn Quốc Hưng; nhà báo Nguyễn Thanh Mai (Phó Trưởng ban Thể dục – Thể thao HTV; nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài (Phó Trưởng phòng Chính trị Văn xã, Trung tâm tin tức HTV).

Chia sẻ về tố chất của một đạo diễn truyền hình, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng cho biết, người làm nghệ thuật dù là nghề sáng tạo hay đạo diễn thì tố chất đầu tiên phải có đó là sự sáng tạo. Đây là yếu tố quan trọng bởi sự sáng tạo mới giúp cho người xem cảm thấy sản phẩm của mình hay và theo dõi.

Tố chất thứ hai đó là phải làm chủ hình ảnh. Đây là ngôn ngữ quốc tế do đó người đạo diễn phải làm sao để mọi quốc gia, dân tộc khi xem hình ảnh của mình họ hiểu nội dung, thông điệp mà mình muốn gửi gắm mà không cần phiên dịch.

Tố chất cuối cùng là kiến thức nền. Người làm đạo diễn phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, chính trị, xã hội… “Để có đủ ba tố chất này người đạo diễn phải không ngừng học hỏi, trau dồi, rèn luyện qua năm tháng, thậm chí cả đời mới thành công. Những bạn trẻ muốn dấn thân vào nghề làm nghệ thuật hay đạo diễn phải nỗ lực rất nhiều. Các em không chỉ học ở trường mà còn phải học ở những người đi trước, học ngoài xã hội…”, đạo diễn Quốc Hưng chia sẻ.


Sinh viên đặt câu hỏi với diễn giả

Bên cạnh đó, nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài (Phó Trưởng phòng Chính trị Văn xã, Trung tâm tin tức HTV) cũng chia sẻ về những kỹ năng không thể thiếu của một phóng viên tin tức truyền hình.

Theo nhà báo Tấn Tài, dù giỏi đến đâu thì phóng viên cũng đừng bao giờ tin vào bộ não của mình bởi vì đôi lúc vẫn có những sai sót mà bản thân không hề mong muốn. Đối với phóng viên tin tức, kỹ năng nắm thông tin nhanh, kịp xu thế và chính xác là điều quan trọng. Ngày nay, mạng xã hội phát triển, nhiều nền tảng như youtube, facebook, zalo, tiktok… ra đời khiến báo chí chậm hơn một bước. Nhưng là một phóng viên, nhà báo chúng ta không thể thua mạng xã hội. Chúng ta phải tận dụng những công nghệ đó để làm sao đưa sản phẩm của mình tiếp cận với khán giả nhanh chóng, chính xác.

“Tôi không nghĩ một ngày nào đó mình có kênh tiktok triệu view. Tiktok tìm đến tôi như một cái duyên. Từ nền tảng này tôi đã đưa sản phẩm truyền hình của tôi đến với khán giả. Nhiều vị lãnh đạo TP.HCM, các ban ngành gặp tôi đều bảo rằng khi họ xem kênh tiktok của tôi giống như xem truyền hình”, nhà báo Tấn Tài chia sẻ.

Nhà báo Tấn tài cũng lưu ý, khi chia sẻ bất cứ thông tin gì trên mạng xã hội chúng ta cũng phải hết sức cân nhắc vì tốc độ chia sẻ, câu like, câu view diễn ra rất nhanh. Một câu nói được chia sẻ trên mạng xã hội có tác động khủng khiếp nhưng cũng có thể làm cho một con người đang đứng bên bờ vực thẳm có thể vượt qua để tiếp tục với cuộc sống.

Giải đáp cho câu hỏi ChatGPT ảnh hưởng như thế nào đối với báo chí hiện nay, nhà báo Tấn Tài khẳng định, công nghệ chỉ là phương tiện, người tạo ra nội dung mới mang tính quyết định. Mạng xã hội có vô vàng dữ liệu nhưng điều khác biệt là trái tim của người tạo ra sản phẩm. Công nghệ nhanh, tiện nhưng không thể nào tạo ra cảm xúc như giọng của một MC truyền hình. Cảm xúc là thứ mà không công nghệ nào có thể đáp ứng.

“Chúng ta cần sử dụng công nghệ nhưng đừng quá phụ thuộc vào nó mà hãy giữ cho mình tinh thần luôn học hỏi, luôn tiếp thu và sáng tạo”, nhà báo Tấn Tài gửi gắm.

Nhà văn, nhà báo, thượng tá Nguyễn Hồng Lam (Phó Trưởng Cơ quan đại diện Cục truyền thông Công an nhân dân tại TP.HCM) cho rằng, thế hệ phóng viên, nhà báo trẻ đừng quá quan tâm đến các nền tảng công nghệ bởi vì cái gì càng thời thượng, càng nổi tiếng sẽ nhanh chóng trở thành quá khứ. Việc nuôi dưỡng cảm xúc để tạo ra sản phẩm báo chí hay, hấp dẫn mới đáng quan tâm.

Hồ Trinh

Bình luận (0)