Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chuyển “nghề”, đổi đời

Tạp Chí Giáo Dục

TPHCM đang chuyển đổi công tác quản lý, giáo dục, hỗ trợ người bán dâm từ cơ sở chữa bệnh xã hội sang quản lý tại cộng đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhiều biện pháp thí điểm giúp đỡ người bán dâm hoàn lương bước đầu mang lại “niềm tin mới” cho những phụ nữ từng một thời bán phấn buôn son.

Vén mây mù thấy trời xanh
Chồng vừa mất vì “H” (HIV), chị L.N.T. (34 tuổi), chỉ còn biết quay về bám víu người mẹ già hơn 60 tuổi và đứa em trai không được minh mẫn và khỏe mạnh do lúc sinh bị thiếu tháng. Ba mẹ con sinh sống trong một căn nhà thuê tạm bợ, nền đất, mái vách bằng tôn dựng trên vùng đồng trũng ở huyện Bình Chánh, chỉ cần một trận mưa thì nước dâng lên đầu gối. 3 ngày qua không có hạt cơm trong bụng, lại không thích uống nước nên người chị T. khô khốc, đen sạm. Từng câu nói rụt rè, ngắc ngứ.

Cần sự hỗ trợ của cộng đồng để người phụ nữ lầm lỡ có điều kiện hoàn lương. Trong ảnh: chị T.T.K.O. và cháu ngoại.

Không thể trách ai được, T. chỉ tự trách mình không vượt qua những giây phút yếu lòng, sa vào tệ nạn ma túy rồi như con cá bống vô bờ, vô thì dễ mà khó thoát ra được. Cả sau khi ở cơ sở chữa bệnh về, biết mình có “H”, T. vẫn đêm đêm “đi làm”. Tự ti lỗi lầm, cả tháng, thậm chí nhiều tháng, T. mới dám đến thăm con trai, 17 tuổi, đang ở quận 2 với ông bà nội. Đối mặt với đứa con không biết chữ, không siêng lao động, nhưng T. cũng không dám la mắng “vì mình đâu có tốt đẹp gì đâu”.

Thời gian gần gũi, chăm sóc và tình thương yêu con, T. đều không thể hiện được trọn vẹn vốn đã là “bằng chứng” chống lại mong muốn tốt đẹp của T. với con. Những lời khuyên nhủ bâng quơ hay nài nỉ van xin của T. không đủ sức thuyết phục làm thay đổi tính bướng bỉnh của đứa con trai đang lớn. Bất lực, T. lại ra đi, nén lòng với “mong muốn được phụng dưỡng mẹ già, được ở bên con dại”. Và có thể T. vẫn sẽ đi gieo rắc căn bệnh thế kỷ cho đến khi không còn sức lực để tiếp tục bán “vốn tự có”, nhằm kiếm cái ăn qua ngày…

May mắn, trong cảnh cất đầu không nổi, trỗi đầu không dậy ấy, “Niềm tin mới” – mô hình thí điểm do Sở LĐTB-XH, Hội LHPN và Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM xây dựng đã đến với T. bằng việc hỗ trợ học phí (2 triệu đồng), cho khóa học làm móng và bảo lãnh, giúp T. làm các giấy tờ tùy thân.

Xót xa trước hoàn cảnh và nguyện vọng hoàn lương của chị T., bà Nguyễn Thị Huệ Mỹ (quận Bình Thạnh) và chị Ngô Thị Thanh Tuyền (quận 4) – hai bạn đọc của Báo SGGP – đã tặng T. chiếc xe đạp mới, giúp chị có điều kiện (thay vì phải đi bộ) đi học nghề ở quận 8, đi điều trị thuốc ARV ở quận 10 và sắp tới tham gia nhóm đồng đẳng… “Nhiều người đã giúp con như thế, con đừng phụ người ta. Có nghề nghiệp, có phương tiện đi lại, con sẽ sống tốt và sẽ xứng đáng làm mẹ” – T. nhắc lại lời người mẹ già nhắn nhủ mình.

Bàn tay nắm lấy bàn tay

Cùng chung “Niềm tin mới”, chị T.T.K.O. (41 tuổi), vừa được chị Phan Thị Hồng Thúy (31 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), nhận kèm cặp học cắt tóc và làm móng. Toàn bộ khóa học 6 tháng, trị giá 5 triệu đồng được chị Thúy lấy “giá hữu nghị”: 2 triệu đồng – bằng mức hỗ trợ học nghề của nhà nước đối với người bán dâm hoàn lương. Chị O. chia sẻ, gia đình tan vỡ, chị dắt con gái 7 tuổi vào TPHCM làm nghề.

Trong khi chị O. mải mê ong bướm qua lại thì người con gái đến tuổi dậy thì cũng tự nhiên giẫm theo vết chân của mẹ. Đầu năm 2012, chị O. còn ở cơ sở chữa bệnh thì K. – con gái chị O. ở nhà sinh cháu gái. Không biết cha đứa bé là ai, chưa đầy 17 tuổi, K. vay 10 triệu đồng của đám ma cô, tú bà rồi một mình vượt cạn. Con đầy tháng, hai bầu ngực còn căng sữa, K. lại tiếp tục “đi làm” lấy tiền trả nợ 400.000 đồng/ngày, bữa nào ế khách, đành đóng chết 100.000 đồng/ngày (đóng tiền để hoãn ngày trả nợ, số tiền này không được tính trừ vào tiền gốc).

Kiệt sức, K. bỏ lại con thơ cho chị O. rồi chạy trốn khỏi chủ nợ cho vay nặng lãi. Thương mẹ con, bà cháu lầm lỗi, chủ nhà trọ tạm hoãn tiền phòng trọ. Bà con lối xóm thay nhau giữ giúp cháu bé để chị O. có thời gian học việc. “Sau khi lành nghề, chị Thúy sẵn sàng nhận tôi ở lại làm việc. Qua bao sóng gió, giờ chỉ mong mỏi kiếm được đồng tiền lương thiện và nhờ bà con lối xóm đùm bọc để tìm kiếm K. về, mẹ con đói khổ có nhau, công nợ trả dần” – chị O. giãi bày.

Con số trên rất khiêm tốn so với 3.500 chị em đang hoạt động bán dâm ở TPHCM rất cần được sự hỗ trợ và đồng cảm của cộng đồng để làm lại cuộc đời.

ĐƯỜNG LOAN (SGGP)

Bình luận (0)