GV các trường THPT trên địa bàn TP.HCM tham gia lớp tập huấn hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Quốc tế RMIT tổ chức ngày 30-11. Ảnh: Q.Huy
|
“Hiện nay, đội ngũ giáo viên (GV) hướng nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp cho HS. Vì vậy, cần phải nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho cán bộ quản lý và GV qua các buổi tập huấn, hội thảo”. Đó là phát biểu của ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tại chương trình “Tập huấn hướng nghiệp cho GV trung học” đợt 1 do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Quốc tế RMIT tổ chức ngày 30-11.
Làm hướng nghiệp phải dựa vào nhiều yếu tố
Ngay tại phần mở đầu, nhiều GV đã chia sẻ việc cần làm để HS lớp 10, 11, 12 quyết định nghề nghiệp cho mình. Cô Trần Thị Thùy Linh (GV Trường THPT Trần Khai Nguyên) cho biết: “Ở lớp 10 và 11 chúng tôi chủ yếu giúp các em lựa chọn học khối nào, ngành nào phù hợp với bản thân các em, sang lớp 12 sẽ đẩy mạnh vào khâu tư vấn chọn trường phù hợp với năng lực của từng em”. Trong khi đó, thầy Nguyễn Anh Tuấn (Phó hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng) chia sẻ những khó khăn: “Muốn hướng nghiệp sâu thì phải đưa HS đến các nơi đào tạo ngành nghề thực tế như các trường ĐH, CĐ hay các cơ sở sản xuất. Đồng thời phải có nhiều tư liệu về ngành nghề vì hiện nay có nhiều ngành nghề mới ra đời, nếu không có tài liệu cập nhật kịp thời sẽ khó mà đáp ứng thông tin cho HS”.
Từ những chia sẻ này, báo cáo viên đưa ra những mô hình lý thuyết nghề nghiệp để GV tham khảo khi hướng nghiệp cho HS, trong đó có 4 mô hình mà GV tâm đắc là mô hình lập kế hoạch nghề nghiệp, lý thuyết về cây nghề nghiệp, lý thuyết hệ thống và lý thuyết vị trí điều khiển. Theo ThS. Hồ Phụng Hoàng Phoenix (Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, Trung tâm Hướng nghiệp, ĐH Quốc tế RMIT), ở mô hình lập kế hoạch nghề nghiệp thì GV hướng nghiệp cần giúp HS hiểu bản thân, nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng như những tác động, ảnh hưởng mà các em phải chịu khi lựa chọn nghề nghiệp. Từ đó, các em sẽ biết được mình muốn làm gì, sẽ làm gì, thực hiện như thế nào và đánh giá kết quả ra sao. ThS. Hồ Phụng Hoàng Phoenix nhấn mạnh: “Mục tiêu hướng nghiệp không phải là làm đúng với công việc mình yêu thích bởi xã hội luôn thay đổi, nhiều công việc mới xuất hiện với những thách thức mới. Hướng nghiệp cần giúp các em hiểu con đường mình đã chọn sẽ dẫn đến những điều gì và phải biết chịu trách nhiệm với những gì mà mình đã chọn”.
Lý thuyết về “cây nghề nghiệp” cho rằng, GV hướng nghiệp cho HS có thể dựa vào 4 “gốc rễ” là sở thích, khả năng, giá trị nghề nghiệp và tính cách. Tuy nhiên, ThS. Phạm Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai bổ sung: “Một cây phát triển không thể chỉ dựa vào gốc rễ mà còn có sự tác động của mảnh đất xung quanh, mảnh đất đó chính là nhu cầu xã hội có phù hợp hay không? Sở thích, khả năng và cá tính từng người sẽ bị thay đổi khi nhu cầu xã hội thay đổi. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để HS thích ứng với nghề”.
Ngoài ra, bộ tài liệu còn rất nhiều yếu tố khác như hoàn cảnh gia đình, cơ may trong xã hội, làm chủ vận mệnh của mình… Trong đó, yếu tố làm chủ vận mệnh của mình được các GV đánh giá khá cao bởi trên thực tế chúng ta không thể biết trước cuộc đời, xã hội sẽ thay đổi như thế nào mà GV hướng nghiệp phải là người chỉ cho các em những kiến thức để vững tin, tự chủ theo con đường mà mình lựa chọn.
GV làm hướng nghiệp phải tâm huyết
Ngay sau khi kết thúc buổi tập huấn, nhiều GV đánh giá là tài liệu khá hay, nhưng áp dụng được hay không còn phụ thuộc vào điều kiện của từng trường.
Thầy Lê Hoàng Long (GV Trường THPT Nguyễn Du) đánh giá: “Bộ tài liệu có nội dung rất hay, không chỉ cung cấp các kiến thức về hướng nghiệp mà chúng tôi còn tích lũy được nhiều kỹ năng trong quá trình làm công tác này. Tuy nhiên, đây chỉ là tài liệu tham khảo nên GV có áp dụng hay không còn tùy thuộc vào lòng nhiệt huyết của mỗi người. Ở trường chúng tôi, hướng nghiệp không chỉ dạy các tiết theo chương trình của Bộ GD-ĐT mà còn có các chương trình ngoại khóa, phòng tư vấn tâm lý riêng cũng lồng ghép hoạt động này nên có thể ứng dụng”.
Còn thầy Trần Tuấn Hải (GV Trường THPT Châu Á Thái Bình Dương) cho hay: “Tôi cho rằng hướng nghiệp cho HS không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian. Đây sẽ là một tài liệu bổ sung thiết thực giúp chúng tôi có cách tiếp cận với những ngành nghề mới, yêu cầu mới cũng như những kiến thức cơ bản để làm tốt công tác này”.
Thực tế bộ tài liệu này đã được tập huấn cho GV và cán bộ quản lý ở tỉnh Quảng Nam và TP.Vinh (Nghệ An). ThS. Nguyễn Thị Châu (Điều phối viên chương trình hướng nghiệp, Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng, vương quốc Bỉ) – một trong những thành viên biên soạn cuốn tài liệu – chia sẻ: “Bộ tài liệu vẫn bám sát vào chương trình khung của Bộ GD-ĐT nhưng thay vì chia theo chủ đề thì lại bám sát vào 3 năng lực hướng nghiệp là nhận thức bản thân, thể hiện thế giới nghề nghiệp và lập kế hoạch nghề nghiệp để sách giáo khoa có những bài nào phù hợp với 3 năng lực này thì GV sẽ đưa vào. Chúng tôi đã tập huấn cho GV ở Quảng Nam, TP.Vinh (Nghệ An) và họ đã áp dụng thực hành cho HS. Theo đánh giá, HS khá thích thú khi đưa tài liệu này vào. Tuy nhiên, vấn đề là Ban giám hiệu có hối thúc hay không và chủ yếu là GV nào được tập huấn mới áp dụng cho HS của mình. Vì vậy, chúng tôi rất mong sau buổi tập huấn này, cán bộ quản lý và GV các trường sẽ chia sẻ, hướng dẫn thêm cho các GV chủ nhiệm khác để họ có thêm những kỹ năng mới trong hướng nghiệp”.
Dương Bình
TS. Matthew Sukumaran (Giám đốc điều hành kế hoạch nghiệp vụ và Phó tổng giám đốc ĐH Quốc tế RMIT tạiViệt Nam) chia sẻ: “Định hướng nghề nghiệp là một quá trình bắt đầu từ những năm học phổ thông và kéo dài xuyên suốt những năm học ĐH. Không phải trường trung học nào cũng có GV tư vấn hướng nghiệp hoặc dịch vụ hướng nghiệp, vì vậy trọng trách đó thường được giao cho GV có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm”. |
Bình luận (0)