18 ngoại binh có trình độ chuyên môn khác nhau thi đấu tại vòng 1 giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc 2009 (vừa kết thúc) đã thu hút lượng khán giả đến sân đông hơn, chất lượng chuyên môn được nâng lên. Tuy nhiên, xung quanh sự góp mặt của các ngoại binh có nhiều chuyện dở khóc, dở mếu mà nhiều CLB đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi chẳng biết kêu ai…
MỖI NHÀ, MỘT CẢNH
Thể Công, một trong những đội bóng ít ỏi của bóng chuyền Việt Nam chỉ thi đấu toàn bằng nội binh. |
Trước mỗi mùa giải, việc có tiền và việc thuê được cầu thủ ngoại có chất lượng như ý muốn nhằm “nâng cấp” đội hình của mỗi CLB là 2 vấn đề hoàn toàn… không giống nhau. Thực tế cho thấy, rất nhiều CLB phải lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” mà PV Oil Thái Bình hay VietsovPetro (nữ) là một ví dụ điển hình.
Sự có mặt quá muộn màng (từ ngày 5-3) của chủ công Pijamask (PV Oil Thái Bình) với chiều cao 1m78 và độ tuổi cũng khá cao (30 tuổi), nên thi đấu không hiệu quả chỉ là bề nổi của vấn đề. Bởi chính sự có mặt của VĐV này đã nảy sinh nhiều bất ổn nội bộ quanh chuyện lương – thưởng, dẫn đến những trận thua đáng tiếc, mà theo như lời của HLV Thái Thanh Tùng thì “ lỗi không thuộc về vấn đề chuyên môn”.
Hay trường hợp Tapaphaipun Chaisri (9) trong vai trò phụ công của đội Vietsovpetro, nhưng chỉ ngồi dự bị đã làm cho mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa VĐV người Thái này và Ira Merliakova (12, người Nga) ngày càng căng thẳng, mà còn gây nên sự bất đồng quan điểm trong việc chỉ đạo chiến thuật ở một vài trận đấu giữa HLV trưởng Aleksey Geogievic và Ban huấn luyện.
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp dở khóc dở mếu khác khiến lãnh đạo các đội đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Ví như “công thần” Supachai Ritjoom (17) đùng đùng bỏ đội Tràng An Ninh Bình về nước khi vòng 1 vừa kết thúc chỉ vì… nhớ vợ, hay một ngôi sao người Thái khác cũng của Ninh Bình là Supachai Sriphum (11), trước trận chung kết gặp Thể Công tại Cúp Hùng Vương đã nằng nặc đòi gặp lãnh đạo đội bóng để xin… tăng lương, buộc Ban huấn luyện Tràng An Ninh Bình phải cắn răng chìu theo đề nghị của anh này.
BIẾT RỒI, KHỔ LẮM, NÓI MÃI
Sáng nắng, chiều mưa là thế, nhưng không phải chất lượng chuyên môn của ngoại binh nào cũng được như mong đợi của các CLB. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Để tự cứu mình, các CLB chấp nhận tìm cầu thủ ngoại bằng cách nhờ vả một số người có mối quan hệ quen biết với Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan, Trung Quốc… để môi giới, và đương nhiên các CLB không kiểm tra được trình độ chuyên môn của “món hàng” họ định mua, vì thời gian quá ngắn, nên khi bước vào giải họ mới biết thực chất “hàng” xịn hay dỏm. Thậm chí, chất lượng ngoại binh được “nhập” về tùy thuộc vào “độ ấm – lạnh” trong mối quan hệ giữa CLB và người môi giới.
Ở góc độ khác, ngoài số ít các CLB thuộc loại “đại gia” sẵn sàng vung tiền thuê ngoại binh có chất lượng cao để đạt chỉ tiêu của đơn vị chủ quản và với nhà tài trợ, thì đa số các CLB còn lại đều thuê ngoại binh theo kiểu “liệu cơm, gắp mắm” nhằm không thua chị, kém em và xem đó là con đường ngắn nhất và mất tiền rẻ nhất (chi phí tổng cộng khoảng 70 – 80 triệu đồng cho một cầu thủ ngoại/vòng đấu) nhằm thực hiện mục đích chính cho mỗi mùa giải.
Thế nhưng, mặt trái của vấn đề này thật đáng lo khi hiện nay những tài năng bóng chuyền trẻ của Việt Nam ngày càng hiếm dần, do nhiều CLB buộc phải nhắm mắt chọn giải pháp “mì ăn liền”: thuê cầu thủ ngoại, hoặc tìm cách chiêu dụ, lôi kéo cầu thủ nội tốt ở các nơi vốn có thu nhập thấp hơn mà không còn chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng tại chỗ.
Đồng thời, số cầu thủ trẻ lại có quá ít cơ hội được vào sân để thử sức và nâng cao trình độ, vì chẳng CLB nào dám mạo hiểm để thử. Vì vậy, cái “được” chỉ là trước mắt, còn cái “mất” chắc chắn là lâu dài và đó cũng là nỗi lo của bóng chuyền Việt Nam.
VÕ HÙNG (theo SGGP)
Bình luận (0)