Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện người 2 lần được truy điệu sống

Tạp Chí Giáo Dục

Đã 2 lần ông tưởng mình 1 đi không trở lại nhưng số phận vẫn mỉm cười với ông.
Hai lần truy điệu sống
Lại Đăng Thiện (bên phải) đang trò chuyện hai lần truy điệu sống
Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, bom đạn quân thù dội xuống cả dọc dài miền Trung. Ngày nhập ngũ, Lại Đăng Thiện thuộc quân số Tiểu đoàn 27 công binh Quân khu 4, được đào tạo lớp lái canô cấp tốc để làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở những bến sông huyết mạch.
Suốt tám năm ròng rã (1965 – 1973), anh đã cùng đồng đội vào sinh ra tử ở những trọng điểm ác liệt như cầu Hoàng Mai, cầu Bùng, cầu Cấm, cầu Phương Tích, phà Nam Đàn, Bến Thủy (Nghệ An); phà Linh Cảm, cầu Nghèn (Hà Tĩnh), cầu Ròn, phà sông Gianh, phà Long Đại (Quảng Bình)… Là chiến sĩ thuộc phiên đội lái canô rà phá bom mìn, Thiện luôn xác định đã cầm vô lăng là đi vào cửa tử. Dù biết trước cái chết cận kề trong gang tấc, nhưng anh không bao giờ nản chí, tất cả vì những chuyến hàng chiến lược mà chiến trường đang cần để đánh Mỹ.
Cuối năm 1967, tại bến phà Long Đại (Hiền Ninh – Quảng Bình) đã nhiều ngày xe ta không qua được vì Mỹ thả bom từ trường quá dày. Tiểu đoàn 27 (đơn vị hai lần được phong Anh hùng chống Mỹ) được cấp trên lệnh “bằng mọi giá phải mở đường máu thông phà”. Tiểu đoàn trưởng Phạm Ngưng quyết định dùng canô cảm tử quân kích hoạt bom từ trường nổ. Cảnh xe tắc đọng dài hàng kilômét, chiến trường miền Nam “đói” đạn dược, thuốc men, Lại Đăng Thiện đã viết quyết tâm thư bằng máu, cùng đồng đội đều ở tuổi 20 là Hà Huy Ty, Đậu Anh Côi, Nguyễn Văn Hương xung phong mở huyết mạch giao thông trên sông. Các anh được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Khi chính trị viên tiểu đoàn đọc điếu văn, không ai cầm nổi nước mắt. Trên bầu trời, máy bay Mỹ vẫn thả pháo sáng, dội bom liên tục xuống bến phà. Sau khi pháo sáng tắt, lệnh “xuất kích” phát ra, bốn cảm tử quân lao nhanh xuống canô, rú máy chạy về phía bờ Nam với tốc độ chóng mặt. Trong giây lát, hàng loạt quả bom từ trường phát nổ, cột nước vút cao. Đêm đó, 16 quả bom từ trường do Lại Đăng Thiện làm tổ trưởng chỉ huy phát nổ, ba chiến sĩ Hương, Ty, Côi bị thương nặng.
Ngày 24-6-1968, khi đang thực hiện nhiệm vụ ở phà Bến Thủy, tổ phá bom gồm Lại Đăng Thiện, Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình (Đại đội 1) được điều về Linh Cảm (Hà Tĩnh) cùng Vũ Ngọc Chương của Đại đội 2. Phà Linh Cảm là địa điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt, nằm giữa ngã ba hai con sông Ngàn Sâu – Ngàn Phố, đường vào Nam hoặc sang Lào đều phải qua đây.
“Thủa ấy
Mẹ cúng cơm con hai lần
Khi đài Hà Nội trần thuật
Trận phá bom thứ nhất
Tay mẹ chưa kịp thắp nhang
Đã gục dưới chân bàn
Tóc mẹ bạc thêm một lần
chúng con ra trận
Thân mỏi mòn mắt chống
cửa trông con…”
Những câu thơ là nỗi niềm xúc cảm của dũng sĩ phá bom cảm tử Lại Đăng Thiện ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).
Phòng Công binh Quân khu 4 lại tổ chức truy điệu sống cho Lại Đăng Thiện cùng đồng đội trước khi làm nhiệm vụ. Sau lệnh “xuất kích”, đúng 4 giờ chiều, cả đội cầm chắc tay lái lao nhanh sang phía bến bờ bên kia. “Cấp trên quy định mỗi cảm tử quân chỉ được lái canô ba vòng, nhưng trong trận này tôi đã lái tới 19 vòng, làm nổ 12 quả bom từ trường. Đến quả cuối cùng thì mình bị thương rồi ngất đi. Tỉnh dậy thấy đầu choáng váng, tai điếc đặc chẳng nghe được gì. Chỉ biết Tổ trưởng Chương đã hy sinh, các đồng đội còn lại bị thương nặng…” – Lại Đăng Thiện nhớ lại.
Chiều hôm đó, phà thông, từng đoàn ôtô nối đuôi nhau qua sông an toàn. Thoát chết sau hai lần truy điệu sống, dũng cảm trong chiến đấu, Lại Đăng Thiện được Tiểu đoàn 27 và Quân khu 4 đề nghị trên phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
"Bà đỡ" 400 đứa trẻ
Sau ngày đất nước thống nhất, Lại Đăng Thiện về quê. Mẹ anh đã vui mừng, hạnh phúc đến cạn nước mắt khi ôm đứa con của mình trong ngày đoàn tụ. Tuy vết thương luôn hành hạ lúc trái gió trở trời, nhưng Thiện vẫn ngày đêm ôn luyện để tiếp tục được đi học. Cuối năm 1975, Thiện trúng tuyển vào lớp Y16 trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh.
Năm 1980, chàng y sĩ trẻ Lại Đăng Thiện được điều về quê làm Trưởng trạm y tế xã Nghĩa Bình. Hai năm sau, anh được cấp trên phân công vào xã miền núi Tiên Kỳ, cách xa trung tâm huyện hàng chục kilômét, để cùng lãnh đạo địa phương chống dịch sốt rét. Bốn năm cùng ăn, cùng ở với bà con dân tộc Thanh, Thái, Thổ, anh Thiện nhiều lần trèo đèo, lội suối vào tận bản làng giải thích, vận động bà con hiểu bệnh tật của mình là không phải do ma xui quỷ khiến. Ngày đêm Thiện lại mày mò, học tiếng bản xứ để nói cho bà con hiểu, làm “dân vận” cho bà con tin tưởng vào cách chữa bệnh của mình.
Nghỉ hưu năm 1991, có lẽ, ấn tượng nhất với anh là những lần làm “bà đỡ” cho không ít phụ nữ được mẹ tròn con vuông. Hơn 400 em bé được anh cắt rốn, chôn nhau nay đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… mỗi lần có dịp đều ghé qua thăm “bà mụ” của mình. Chàng cảm tử quân rà phá bom mìn năm xưa sau hai lần từ cõi chết trở về nay đã có cháu nội, cháu ngoại. Các con anh đều tự hào về người cha của mình.

Theo Báo Công An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)