Sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến ông mồ côi mẹ từ lúc mới lọt lòng. May mắn được một gia đình tốt bụng sống cùng xã nhận làm con nuôi. Lớn lên trong tình yêu thương, ông mang hai họ, hai tên và làm tròn đạo nghĩa với cả hai gia đình. Với ông, công sinh thành cũng như dưỡng dục, chữ hiếu vì thế phải luôn tròn đầy…
Tròn 57 tuổi, ông Lương Thanh An lần đầu tiên gặp cha (liệt sĩ Lương Chinh) tại Nghĩa trang Hàm Rồng
Nỗi đau chiến tranh
Tôi biết đến ông với tên gọi Lương Thanh An sau cơ duyên chung xóm trọ ở thành phố Đà Nẵng 5 năm về trước. Khi vô tình đọc được câu chuyện về ông với tên Võ Văn Chín khiến tôi khá bất ngờ. Tranh thủ thời gian vãng khách đi Grab, bên quán cà phê nhỏ dọc biển An Bàng (Hội An), ông kể cho tôi nghe về cuộc đời và hai tên gọi của mình. Ông bảo, mang cả hai họ, hai tên và với họ tên nào ông cũng thấy yêu thích, tự hào. “Quê tôi ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Năm 1967, thời kỳ chiến tranh ác liệt, cha tôi đi bộ đội, mẹ tôi mang thai tôi sắp đến kỳ sinh nở thì bị địch buộc phải tản cư vào vùng kiểm soát của chúng. Vì chồng làm cách mạng nên ngày vượt cạn, chúng bắt mẹ con tôi nằm dưới nắng. Vừa sinh con, sức khỏe yếu nên mẹ tôi mất khi tôi mới được vài ngày tuổi”, giọng ông An trầm buồn kể lại.
Mất mẹ khi còn đỏ hỏn, ông An sau đó được vợ chồng ông Võ Thiệp và bà Nguyễn Thị Xoa, ở thôn Hà Tân, cùng xã Đại Lãnh nhận làm con nuôi. Ông An nói, đó là điều may mắn nhất của cuộc đời ông. “Tôi nghe kể lại, thời điểm ấy ngoài ba mẹ nuôi hiện tại, có một gia đình khác cũng xin tôi làm con nuôi. Gia đình đó sau này không may gặp hỏa hoạn, nhà cháy, người mất. Ba mẹ nuôi rất thương tôi, quan tâm đến tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Lớn lên, hễ tôi đi chơi về muộn là mẹ ngồi đợi cửa. Khi nào thấy tôi về đến nhà, lên giường ngủ thì bà mới chịu tắt đèn. Bữa cơm có gì ngon mẹ cũng để dành phần tôi. Dù là ba mẹ nuôi nhưng đã chăm bẵm tôi bằng tình yêu thương ruột thịt”, ông An chia sẻ.
Ông An luôn nhắc nhở con cháu về bổn phận đạo hiếu với các bậc dưỡng dục và sinh thành
Đi qua một đoạn đời ngậm ngùi vì mang nỗi đau chiến tranh chia cắt, ông luôn sống và dạy các con hướng về một cuộc đời thiện lương, lấy đạo hiếu làm đầu. Ông bảo, cuộc đời ông có chút thiệt thòi nhưng chính điều đó cho ông thấm hơn ý nghĩa yêu thương của hai chữ gia đình. “Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, khi mình xây dựng một gia đình với đầy đủ yêu thương, làm tròn bổn phận đạo hiếu thì sẽ góp phần tạo nên xã hội tốt đẹp”, ông Lương Thanh An trải lòng. |
Kể từ ngày mẹ đẻ mất, các anh chị của ông vì hoàn cảnh chiến tranh đã ly tán. Ba ông là liệt sĩ Lương Chinh tham gia kháng chiến và hy sinh trên chiến trường. Ông An cùng các anh chị em của mình từng lặn lội tìm cha khắp nơi nhưng suốt 50 năm vẫn bặt tin. Chưa một lần được gặp cha, ông An vẫn đau đáu với cái tên Lương Thanh An của mình do cha đặt từ chiến khu nhắn về nên nỗi khát khao được một lần gặp cha càng lớn. Ông An nói: “Cuộc tìm kiếm đôi khi rơi vào tuyệt vọng vì không biết tìm cha ở đâu thì một lần tình cờ đến làm giấy tờ ở UBND xã Đại Lãnh, cô cán bộ phụ trách lĩnh vực chính sách hỏi tôi và bảo: “Chú cứ đưa thông tin cho cháu. Cháu sẽ tìm giúp chú”. Rồi cô ấy tìm thấy thật. Vài tháng trước, cô ấy gọi thông báo cha tôi đang yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (Sầm Sơn, Thanh Hóa). Tôi liền thông báo cho các anh chị và bắt xe đi Thanh Hóa thăm cha ngay trong đêm”.
Đứng trước mộ cha, giọt nước mắt mừng tủi của người đàn ông gần 60 tuổi lăn dài. “Dù chưa một lần được gặp cha nhưng tôi biết cha luôn yêu thương và đau đáu về tôi. Gặp cha, không được ôm cha nhưng ngồi bên cha lòng tôi thấy nhẹ nhõm, mọi tủi hờn như được trút xuống. Chiến tranh đã khiến gia đình chúng tôi xa nhau hơn nửa thế kỷ rồi, cuộc đoàn tụ này dù cha mẹ đã đi xa nhưng tôi tin lúc nào cha mẹ cũng ở bên anh em chúng tôi”.
Làm tròn đạo hiếu
Ở cùng xã nên chuyện con đẻ, con nuôi ông An biết từ nhỏ. Ông bảo, tuy nhỏ nhưng các anh chị vẫn thường ghé qua nhà để cùng chơi với em. Ban đầu ông có ý tránh các anh chị mình vì sợ ba mẹ nuôi buồn. Lớn hơn chút nữa, ông hiểu rằng chỉ có sự bất hiếu mới đem lại nỗi buồn lớn nhất. “Ba mẹ nuôi tôi đôi lần lo lắng vì sợ mất con, thâm tâm ba mẹ rất thương tôi và coi tôi như con đẻ của mình. Hiểu được điều đó, tôi bảo: “Ba mẹ thương con như ruột thịt thì con cũng thương yêu ba mẹ như thế. Chuyện nhận ruột rà và hiếu đạo đều xuất phát từ tấm lòng của con. Với con, chỉ có thêm tình thân chứ không phải vì một điều gì đó mà quên đi người đã nuôi dưỡng mình. Nghe tôi nói, ba mẹ nuôi tôi cũng yên tâm. Từ đó, tôi cùng lúc có hai họ, hai tên, hai gia đình thân thuộc trong cùng một xã để đi về, thăm nom và yêu thương”, ông An bộc bạch.
Ông An cùng các con mang cùng lúc hai dòng họ Võ và Lương
Những năm tháng đến trường và sau này, trên giấy tờ, hộ khẩu, ông mang tên Lương Thanh An. Ở quê, nhiều người biết đến ông với tên Võ Văn Chín. Tuổi thành niên, ông lập gia đình và sinh con. Tuy nhận gia đình ruột rà nhưng ông vẫn tiếp tục ở lại cùng gia đình cha mẹ nuôi phụng dưỡng ông bà cho đến cuối đời và sinh sống trên chính mảnh vườn ông bà để lại. Các con ông sinh ra cũng đều mang hai dòng họ Võ và Lương. “Trong hộ tịch, tôi và các con mang họ Lương còn trên bia mộ cha mẹ nuôi thì tôi và các con mang họ Võ. Tôi luôn nhắc nhở các con về đạo hiếu, lòng biết ơn ông bà đã dưỡng dục tôi, trao cho tôi hạnh phúc và sẻ chia bớt bất hạnh vì chiến tranh. Công dưỡng dục cũng như công sinh thành. Điều đó, các con không được quên”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)