Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện người tự học văn hóa trong Chùa Vàng

Tạp Chí Giáo Dục

“Người giữ Chùa Vàng” (phải) cùng tác giả năm 1984. Ảnh: L.C.Đ

Chúng tôi đợi đến giờ Chùa Vàng – ngôi chùa huyền thoại trong kho tàng văn học dân gian của Vương quốc Campuchia – mở cửa. Sau 20 năm, tôi mới có dịp về thăm lại ngôi chùa này.
1. Sau khi trình giấy tờ, người coi cổng biết chúng tôi trong đoàn nhà văn Việt Nam và mấy nhà báo nước ngoài nên xếp lịch cho vào trước. Vừa vào cửa, tôi bỗng nghe hai bàn chân tê lạnh như chạm phải điện. Lúc này, có một bàn tay đặt lên vai tôi, nhìn lại thì thấy anh Lê Công Định, một người bạn trong Đoàn nghệ thuật Quân khu 5. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa, Định sang nước bạn công tác. Gặp tôi, Định hỏi ngay có biết tin tức gì về “người giữ Chùa Vàng” không. Lấy trong túi ra tấm ảnh, tôi nói “Nó đây, người giữ Chùa Vàng đúng không?”. Tấm ảnh này Định chụp tôi với “người giữ Chùa Vàng” năm 1984. Biết có đoàn nhà văn tham quan Chùa Vàng, Định đến thuyết minh, bất ngờ gặp tôi. Định cho biết có hai lần “người giữ Chùa Vàng” đưa học sinh lên Phnôm Pênh tham quan Chùa Vàng. Còn vì sao không gọi cụ thể tên họ người mà gọi bằng “người giữ Chùa Vàng” đó là vấn đề thuộc về tổ chức. Lê Công Định hẹn tôi sau buổi thuyết minh sẽ nói rõ chuyện “người giữ Chùa Vàng”.
Mặc dù cách đây 20 năm (1990), trong đợt các chiến sĩ Việt Nam hết nhiệm vụ rút quân về nước, tôi đã có mặt tại Phnôm Pênh và một lần được “ưu tiên” vào tham quan Chùa Vàng. Vậy mà lần tham quan này, tôi vẫn đi thật nhẹ, thật chậm để cảm nhận lại cái lạnh dưới bàn chân mình. Đến khi đi qua điện thờ, bất ngờ nhìn lên thấy một màu vàng sáng lấp loáng, tôi sững sờ nhớ đến cảm giác lần đầu tiên đến ngôi chùa này. Trong điện thờ, mỗi tượng Phật có chiều cao 0,5 mét ngồi với tư thế lưỡng diện nặng 20kg vàng. 20 tượng Phật đứng choàng áo cà sa, đội mũ trái bí, tay bắt ấn cao 1,5 mét, nặng 50kg vàng. Bên các pho tượng Phật vàng là 20 tượng Phật đồng đen cao 1,5 mét, nặng 700kg. Thuyết minh xong, chờ mấy nhà văn ra ngồi nghỉ ở nhà khách, Định dẫn tôi vào phía hậu liêu nhìn toàn bộ khuôn viên trong ngoài Chùa Vàng rồi kể chuyện về “người giữ Chùa Vàng”.
2. Năm 1979, Campuchia giải phóng. Khơme đỏ tháo chạy để lại nhiều hố chôn và sọ người. Điều mà “lũ giặc đỏ” nuối tiếc là những năm đặt thủ đô Phnôm Pênh dưới chế độ diệt chủng, nhưng chúng lại không “diệt chủng” được Chùa Vàng. Một tuần sau, một anh bộ đội Việt Nam, dáng người tầm tầm, tuổi khoảng 24 – 25, hai ve áo đính hàm thượng sĩ đến nhận nhiệm vụ giữ Chùa Vàng. Trên giấy quyết định, tên anh viết tắt để đảm bảo bí mật của tổ chức.
Mấy tuần đầu, anh tập làm quen với một thế giới im lặng. Cả ngày lẫn đêm, lúc nào anh cũng lắng nghe tiếng động trên mái, trên tường, trên cửa. Khi tiếng súng nổ bên ngoài, trong chùa anh nắm chặt khẩu súng. Tiếng súng im, anh nằm nhớ đồng đội, nhớ gia đình, nhớ lớp học xa đã 5 năm. Nhớ nhất là những cuốn sách giáo khoa anh đang học dở. Mấy tháng sau, anh nhận thư đơn vị và một hai cuốn sách giáo khoa của mấy cậu bạn mua gửi theo đường bưu điện.
Việc học các môn tự nhiên một mình đối với anh thật sự khó khăn. Học mệt, nằm vắt óc nghĩ, có khi cả tháng mới tìm ra cách giải một bài toán, bài lý. Mỗi lần học thấm mệt, anh lại đi hết mấy dãy điện thờ lau tượng Phật vàng. Lúc đầu anh rất sợ ngửi mùi màu vàng Phật ướt lạnh, rồi sau cũng quen dần như quen ngày hai bữa cơm. Bữa ăn đôi khi có thêm rau dưa, nhưng thường là chao, tương của người tu hành. Có nhiều lúc anh nghĩ mình đã thành người tu hành cầm súng giữ vàng của Phật, tài sản quý báu của nước bạn… Anh ngồi xuống chỗ học, mở trang sách giáo khoa, học để ngày trở về thi vào đại học ngành sư phạm. Với anh lúc này, khắp trong chùa không phải màu vàng mà là màu mặt trời mọc của buổi bình minh.
3. Vào một sáng, bỗng có tiếng gõ cửa Chùa Vàng, tiếng đồng chí chỉ huy đơn vị gọi tên anh. Anh kéo chốt, cánh cửa sắt mở ra. Ban lãnh đạo quân quản, Ban chỉ huy đơn vị bắt tay anh thật chặt. Anh nghe đọc quyết định “người giữ Chùa Vàng” bàn giao nhiệm vụ. Một tuần kiểm kê tài sản Chùa Vàng, công bố kết quả tài sản không bị hao hụt, 500 tượng Phật lớn nhỏ sạch sẽ, an toàn. Anh bước ra khỏi cửa Chùa Vàng, hai mắt bắt gặp ánh nắng tháng sáu choáng ngợp. Một bên vai anh vẫn mang khẩu súng, vai kia vẫn chiếc ba lô con cóc trong đó vỏn vẹn hai bộ quần áo màu xanh đã cũ.
Vừa giải ngũ, anh thi đậu đại học ngay. Sau 10 năm công tác chủ nhiệm lớp và giảng dạy, bây giờ anh là hiệu trưởng trường THCS chất lượng của một quận thành phố miền Trung. Dưới vòm cong rực rỡ khuôn Chùa Vàng, tôi như thấy có anh, người đã bảo tồn, gìn giữ vàng của ngôi chùa huyền thoại…
Ghi chép của Trúc Chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)