Một chương trình truyền hình đã phỏng vấn 7 học sinh bậc THCS thì có đến 6 em không biết hoặc nhầm lẫn giữa Nguyễn Huệ và Quang Trung, thậm chí có em cho rằng đây là hai anh em hoặc hai cha con!
Dư luận phản ứng khá mạnh mẽ về vấn đề này, từ đó lên tiếng buộc tội cả các em và những người làm giáo dục, đồng thời tỏ ra quá căng thẳng về khả năng lạc mất truyền thống… Dù có những ý kiến trái chiều nhau, nhưng phải chăng ở vụ việc này, người lớn đã trầm trọng hóa vấn đề của trẻ?
1. Trước hết, không rõ liệu 7 học sinh mà chương trình thực hiện có phải là hoàn toàn ngẫu nhiên hay không, nhưng dù có ngẫu nhiên thì 7 em kia cũng không thể đại diện cho tất cả học sinh của cả nước, kể cả đại diện cho học sinh cùng độ tuổi, bậc học. (Bởi sau thông tin này, tôi đã hỏi thử vài học sinh lớp 5, thì các em đều biết Quang Trung với Nguyễn Huệ là một). Không chỉ vậy, giả sử có một chương trình phỏng vấn toàn người lớn thì liệu có bao nhiêu người không bị nhầm lẫn? Giả sử số người nhầm lẫn rất nhiều thì có thể đưa đến kết luận gì đây và từ đó liệu có những đánh giá hoang mang khác? Đó là chưa kể cách đặt câu hỏi của người làm chương trình có gì đó không được ổn lắm, khi chúng ta thử so sánh các câu hỏi sau: Bạn có biết ông Nguyễn Huệ/Quang Trung là ai không? Bạn có biết hai ông Quang Trung và Nguyễn Huệ có quan hệ gì với nhau? Bạn có biết ông Nguyễn Huệ là anh ông Quang Trung không? Có phải ông Nguyễn Huệ là cha ông Quang Trung không? Ông Nguyễn Huệ có phải là tên khác của ông Nguyễn Du không?… Trừ câu hỏi đầu phải trả lời “có, không”, các câu hỏi sau dù cũng có thể trả lời “có, không” nhưng đều ít nhiều “mớm” cho người tiếp nhận một thông tin nào đó sai lệch, để rồi họ dễ bị mắc bẫy. Với kiểu câu hỏi đó, thì người lớn cũng bị nhầm, đừng nói chi đến trẻ nhỏ!
2. Thôi thì đó là chuyện của chương trình. Trở lại câu chuyện chính là việc học sử, ta lại thấy người lớn – những người quản lý, giảng dạy, nghiên cứu – vẫn có những “vấn đề” về lịch sử. Thí dụ, trong việc đặt tên đường, ở TP.HCM, tại sao đã có đường Lê Lợi mà không thấy đường Lê Thái Tổ, có đường Lê Thánh Tông mà không có đường Lê Tư Thành? Tức là, ta còn dùng chưa nhất quán về tên thật (tên húy, tên tục) và miếu hiệu. Chỗ khác, có đường Thành Thái nhưng gần như không có đường Hồng Đức. Như vậy, có sự chưa nhất quán khi dùng niên hiệu, với Nguyễn Phúc Bửu Lân thì dùng niên hiệu Thành Thái, nhưng với Lê Tư Thành thì hiếm khi dùng niên hiệu Hồng Đức. Ta vẫn quen gọi vua Gia Long, hoặc gọi luôn tên húy Nguyễn (Phúc) Ánh, nhưng ít ai gọi là Nguyễn Thế Tổ, trong khi ít người gọi vua Kiến Trung hoặc Thiên Ứng Chính Bình hoặc Nguyên Phong, hoặc tên húy là Trần Cảnh của vua Trần Thái Tông. Hay trường hợp khác, ta vẫn quen gọi danh tướng Trần Hưng Đạo mà ít gọi Trần Quốc Tuấn, có người nói rằng vì kiêng húy (cữ tên thật), nên gọi từ danh xưng (tước) Hưng Đạo (đại) vương, thế sao ta lại gọi Trần Quang Khải mà không gọi là Trần Chiêu Minh theo danh xưng (tước) Chiêu Minh (đại) vương? Như vậy, cách gọi, cách dùng đã tạo nên sự không nhất quán, từ đó gây ra nhầm lẫn hoặc khó nhớ đối với người học, người đọc.
Những hoạt động ngoại khóa như thế này sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà. Ảnh: N.TRinh |
3. Có người nói, trẻ bây giờ biết nhiều về sử Trung Quốc hơn là sử Việt, thậm chí còn nói sử Trung Quốc dễ thuộc hơn sử Việt… Đó là một nhận định rất võ đoán, thậm chí tùy tiện. Dù phim Trung Quốc nhiều năm qua vẫn được chiếu tràn ngập trên màn ảnh nhỏ trong nước nhưng chắc chắn không thể khẳng định rằng học sinh biết nhiều về lịch sử, rành tên vua chúa, võ tướng Trung Quốc hơn lịch sử, các triều đại, các danh tướng, các văn thần của Việt Nam. Một đất nước rộng lớn có hơn 5.000 năm lịch sử, trải qua rất nhiều biến cố quan trọng, dù có xem đủ hàng trăm bộ phim truyện cũng không thể nắm được tiến trình cơ bản của chiều dài lịch sử nước này. Còn các phim cổ trang, kiếm hiệp chỉ cắt khúc các giai đoạn lịch sử, hư cấu câu chuyện và nhân vật, sao lại bảo đó là lịch sử và cho rằng trẻ Việt thuộc sử Tàu? Dẫu trẻ có nhầm lẫn một số nhân vật thì cũng không có nghĩa rằng trẻ không nắm bắt được những nét chính của lịch sử nước nhà cũng như truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Nêu lên một số chi tiết không phải để phủ nhận “vấn đề” của việc dạy – học, nắm bắt môn sử mà để minh định rằng, đây là một câu chuyện lớn, phức tạp, không thể chỉ dựa vào số thí sinh dự thi ở kỳ thi quốc gia, vào kiến thức ở vài game show hay một chương trình truyền hình là có những đánh giá vội vã, dễ dẫn đến phiến diện, thiếu khách quan!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Không thể chỉ dựa vào số thí sinh dự thi ở kỳ thi quốc gia, vào kiến thức ở vài game show hay một chương trình truyền hình là có những đánh giá vội vã, dễ dẫn đến phiến diện, thiếu khách quan. |
Bình luận (0)