Rất thành công với vai “Ông Ba bắt rắn” trong phim “Đất phương Nam” thì ở ngoài đời, nhắc đến gia đình nhà giáo ưu tú (NGƯT) Đoàn Mạnh Dung, tất cả các đồng nghiệp, học trò lẫn khán giả hâm mộ đều nể trọng bởi đây là một bức tranh hoàn hảo của người làm nghệ thuật: hết mình cho nghề nghiệp và hết lòng cho gia đình. NGƯT Đoàn Mạnh Dung khẳng định: “Tôi yêu nghệ thuật và yêu nghề dạy học. Mỗi lĩnh vực đều làm cho cuộc sống đẹp hơn và tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
NGƯT Đoàn Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu
56 năm hạnh phúc viên mãn
Năm 2023 này là đúng 56 năm đôi vợ chồng NGƯT Đoàn Mạnh Dung (84 tuổi) và NSƯT Thanh Dậu (79 tuổi) hạnh phúc, mặn nồng bên nhau và vẫn xưng hô anh – em với nhau như thuở ban đầu…
Nhắc lại chuyện tình yêu thời trẻ, NGƯT Đoàn Mạnh Dung bật mí: “Tôi và bà ấy yêu nhau bởi sự đồng điệu với nghệ thuật. Nhưng không phải là tình yêu “sét đánh” như giới trẻ bây giờ mà đó là kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Từ khi quen rồi yêu nhau, cưới nhau, chúng tôi mất 13 năm dài…”.
NGƯT Đoàn Mạnh Dung xuất thân là một kép hát cải lương ở miền Bắc. Năm 1957, ông về hát ở đoàn Chuông Vàng (Hà Nội), nhờ thế mà ông mới có cơ duyên gặp nữ nghệ sĩ Thanh Dậu, là con nhà nòi cải lương. Một thời gian sau, Trường Sân khấu Việt Nam thành lập, Đoàn Mạnh Dung – Thanh Dậu được đoàn Chuông Vàng cử đi học chính quy do các bậc thầy nổi tiếng của miền Nam ra tập kết đã đào tạo như Tám Danh, Ba Du, Ngọc Bạch, Chi Lăng. Sau khi tốt nghiệp, cả hai tiếp tục về làm đào kép chánh của đoàn Chuông Vàng…
NGƯT Đoàn Mạnh Dung
NSƯT Thanh Dậu kể: “Kể từ lúc làm đồng môn của nhau trong lớp học diễn viên cho đến khi cưới nhau năm 1967 và cô con gái duy nhất ra đời, chúng tôi đã trải qua khoảng thời gian 13 năm tròn. Ngày con còn nhỏ, phải mang theo trong những chuyến lưu diễn xa xôi, ông luôn giành phần giặt tã và bế ru con cho tôi ngủ, nghỉ để lấy sức diễn. Anh sống tâm lý và yêu thương tôi hết mực. Tính cách ấy của anh gần như không hề thay đổi trong cuộc sống vợ chồng suốt 56 năm qua…”.
Năm 1984, NGƯT Đoàn Mạnh Dung vào Nam dạy ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II, môn kỹ thuật biểu diễn (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM). Để có thể gần chồng, tiện chăm sóc cho chồng, bà cũng đưa con vào theo.
NGƯT Đoàn Mạnh Dung vừa giảng dạy vừa dựng vở, tính đến nay, ông đã dựng trên 100 tác phẩm cho sân khấu và truyền hình. Hơn 40 năm gắn bó với bục giảng, với vai trò một người thầy chủ nhiệm truyền dạy kinh nghiệm diễn xuất cho các diễn viên tương lai. Nhiều lớp học trò của ông đã khẳng định được vị trí của mình và trở thành những tên tuổi quen thuộc của khán giả cả nước như: Hữu Châu, Ngọc Trinh, Quyền Linh, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Kiều Oanh, Cát Phượng, Thái Hòa, Lê Khánh, Đoàn Minh Tài…
Sống với nhiều nhân vật trên màn ảnh, NGƯT Đoàn Mạnh Dung đã gửi trọn tình yêu nghề của mình vào từng vai diễn. Có lẽ nhờ tư duy của một nhà giáo, đạo diễn đã giúp ông khắc họa được nhiều tính cách nhân vật, nảy ra nhiều chi tiết sống động trong cách thể hiện. Khán giả xem phim thường thấy một ông già Nam bộ thật đẹp lão, khi thì nhập vai ông Ba bắt rắn trong phim “Đất phương Nam”, khi lại là cha vợ của Bác Tôn trong “Tổ quốc tiếng gà trưa”, hoặc ông già người Chăm yêu cách mạng trong “Những đứa con thành phố”, ông Nam Sơn trong “Bình minh châu thổ”, ông Ngừ trong “Hải Nguyệt”, ông Ba Trắc trong “Bão U Minh”, ông Năm chống Tây trong “Người Bình Xuyên”, ông Cảnh trong “Cá rô em yêu anh”, ông Tư trong “Chuyện tình làng hoa”… được khán giả miền Tây rất yêu mến. Chính vì cái nghiệp “phấn trắng” mà NGƯT Đoàn Mạnh Dung luôn cân nhắc khi nhận vai đóng phim. Mặc dù được mời liên tục nhưng phim nào có nội dung không phù hợp là ông dứt khoát rút lui.
NGƯT Đoàn Mạnh Dung – NSƯT Thanh Dậu cùng các học trò là sinh viên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang
Hiện, dù đã về hưu nhưng ông vẫn tiếp tục công việc giảng dạy vì niềm say nghề giáo vẫn như thuở nào. Khi trường sân khấu cần giảng viên đi tỉnh dạy là ông xung phong đi ngay. Trong mỗi giờ lên lớp cũng như các buổi tập với sinh viên, NGƯT Đoàn Mạnh Dung luôn cố gắng truyền cho học trò cách diễn, cách dàn dựng chân thực, không lạm dụng kỹ thuật. Có lẽ vì vậy mà giờ học của thầy Đoàn Mạnh Dung thường khiến sinh viên rất hào hứng. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý NGƯT cùng nhiều Bằng khen, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục… Đó chính là niềm vui của “người gieo trồng”…
Hiểu nhau qua từng hơi thở…
Trên bước đường nghệ thuật của ông, đều có bà bên cạnh và ngược lại. Dù họ ở đâu, trong Nam hay ngoài Bắc, làm gì cũng có nhau. 56 năm tình nghĩa vợ chồng, họ chưa một lần lớn tiếng với nhau vì theo bà: “Chúng tôi hiểu nhau qua từng hơi thở thì cớ gì để xảy ra những chuyện không hay ấy. Nếu cả hai có cáu bực, ông ấy đi ra ngoài chờ tôi nguôi giận rồi quay về nói chuyện phải trái. Là đàn bà ai chẳng nói nhiều, nói dai, ông ấy cũng không hay chấp nhặt”.
Khi ông đi đóng phim xa, không có điều kiện theo cùng, bao giờ bà cũng gói theo “cả đống thuốc” vì biết chồng hay “trở trời là ho”. Ở nhà, lúc trời mưa to hay nắng quá gắt, bà lại đứng ngồi không yên vì lo cho ông.
Mấy chục năm trước, trên sân khấu cải lương, họ đã từng đóng cặp với nhau. Mấy chục năm sau, trong phim “Cá rô, em yêu anh”, lần đầu tiên hai vợ chồng đóng phim chung với nhau. Nhưng đạo diễn Phương Điền “cắc cớ” khi cho NGƯT Đoàn Mạnh Dung làm bố chồng (ông Cảnh) còn NSƯT Thanh Dậu vào vai cô Vân – con dâu ông Cảnh. Trong phim, Đoàn Mạnh Dung là ông bố chồng khó tính, hay lớn giọng quát mắng, còn Thanh Dậu là nàng dâu rất ngoan, một “thưa ông”, hai “thưa bố” rất ngọt.
Cô con gái duy nhất của ông bà bây giờ đã là một giám đốc kinh doanh thành đạt. “Biết chúng tôi đóng phim vì đam mê nghề chứ không phải vì tiền bạc nên con gái không bao giờ ngăn cản. Bởi lẽ, con gái tôi rất hiếu thảo, không bao giờ để cho chúng tôi thiếu thốn về vật chất” – ông chia sẻ!
NSƯT Thanh Dậu cho biết: “Trong gia đình, tôi và ông ấy không ai là người nổi tiếng nữa, khi đó chúng tôi chỉ là vợ hoặc chồng. Chúng tôi giữ gìn hạnh phúc không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn là giữ đạo đức, giữ hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ, một NGƯT của rất nhiều thế hệ học trò…”.
Anh Khôi
Bình luận (0)