Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyện nhỏ cũng thành… bạo lực học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Một học sinh lớp 6 (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) nằm điều trị tại TP.HCM sau khi bị một nam sinh lớp 9 cùng trường chém 2 nhát vào vùng mặt và xẹt ngang tai cách đây ít lâu, Báo Giáo dục TP.HCM từng đưa tin
Bạo lực học đường ngày càng xuất hiện với những lý do đơn giản, nhỏ nhặt không ngờ tới như: Vô tình giẫm chân bạn, thấy ghét thì đánh hay thậm chí đánh vì bạn dùng đồ… xịn hơn mình.
Việc đặt nặng dạy chữ hơn dạy người đến nay vẫn còn được xem là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng bạo lực học đường đầy chua xót. Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 24-12, nhiều nhà giáo dục bày tỏ lo ngại thực trạng bạo lực học đường ngày càng nguy hiểm, gia tăng.
Học sinh tiểu học đã… “bạo lực”
Không đem đến hội thảo bản báo cáo tham luận, bà Lê Thị Thảo – Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Sở GD-ĐT Đắk Lắk – lại khiến mọi người bàng hoàng bằng dẫn chứng hai trường hợp học sinh mới đâm chết bạn tại địa phương. Đáng nói, một trong 2 trường hợp cầm dao đâm bạn chỉ mới là học sinh tiểu học và nạn nhân cũng chỉ mới học lớp 6.
TS. Phạm Văn Khanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang – cũng đơn cử, mâu thuẫn trong một cuộc tình học trò “tay ba” tại địa phương vừa khiến một trong 3 học sinh nhảy sông tự tử chết. Theo TS. Khanh, vụ việc có thể được ngăn chặn kịp thời nếu trước đó gia đình, nhà trường đồng thời can thiệp.
Thực tế, số đông ý kiến cùng lo ngại bạo lực học đường ngày càng mất kiểm soát và tính phức tạp, độ nguy hiểm gia tăng. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho thấy trên 50% học sinh tham gia khảo sát từng là nạn nhân của bạo lực học đường và hơn 80% từng chứng kiến cảnh bạo lực học đường. Trong khi đó, lý do dẫn đến các vụ bạo lực học đường lại ngày càng đơn giản và nhỏ nhặt nhưvô tình giẫm chân bạn, thấy ghét thì đánh, bạn dùng đồ… xịn hơn mình. Thậm chí có những trường hợp học sinh “thích là đánh” bất chấp lý do.
Không chỉ dừng lại ở những vụ xích mích, bắt nạt đơn thuần của học trò mà theo ThS. Nguyễn Phan Minh Trung (Trường ĐH Đồng Tháp), bạo lực học đường ngày càng biến tướng muôn hình vạn trạng với cách hành xử bạo lực, đậm chất… giang hồ. Nghiêm trọng hơn còn xảy ra trường hợp trò tấn công cả thầy giáo…
Nhiều chữ, ít nghĩa
Hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra để lý giải cho tính chất nguy hiểm, “đáng sợ” của bạo lực học đường, từ việc học sinh thiếu kỹ năng sống, thiếu sự quan tâm của gia đình, ảnh hưởng của thông tin phim ảnh trên internet đến công tác giáo dục trong nhà trường. Nhưng một trong các lý do được nhấn mạnh nhiều nhất chính là việc đặt nặng dạy chữ hơn dạy người ở môi trường giáo dục thời gian qua. Bà Lê Thị Thảo nêu thực tế, nhiều giáo viên chỉ đến trường dạy rồi về, phó mặc nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh cho người khác, chấp nhận cả việc bị trừ thi đua.
Chưa kể, môn giáo dục công dân bấy lâu nay hay được xem là môn phụ nên theo ông Dương Văn Khánh (Trường ĐH Đồng Tháp), những bài học đạo đức sâu sắc không thực sự đến được với học sinh. “Giáo viên chủ nhiệm, thầy cô bộ môn ít quan tâm, theo sát nắm bắt tâm tư tình cảm học sinh. Dễ thấy nhất như chuyện học sinh đánh nhau, sau khi các em quay và phát tán các clip đó lên mạng thì nhà trường mới biết và xử lý”, ông Khánh nói.
Sự thờ ơ, vô cảm của những người chứng kiến cũng chính là nguyên nhân khiến nạn bạo lực học đường gia tăng.
Đổi cách “đo” chất lượng giáo dục
Trong điều kiện hiện nay, đổi cách “đo” chất lượng giáo dục là điều ông Phạm Hữu Khương (Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Ninh Thuận) thiết tha đề nghị đối với vấn đề kiểm soát bạo lực học đường. Bởi theo ông Khương, cách “đo lường” giáo dục hiện nay chưa phủ rộng, mới chỉ đơn thuần dừng lại ở đánh giá học lực, hạnh kiểm của học sinh trong trường học. Trong khi đó, vượt ra khỏi cánh cổng trường, học sinh lại có nhiều biểu hiện đáng lo ngại về đạo đức như văng tục, chửi thề, tham gia băng nhóm bạo lực, vô cảm, tìm cách né tránh khi thấy điều trái ngang, nhiều chữ ít nghĩa… Ông Khương cho rằng, cần có sự xoay chuyển thực sự về “chất” trong giáo dục toàn diện học sinh, chú trọng cả dạy chữ lẫn dạy người.
Vấn đề đầu tư cho đội ngũ tham vấn tâm lý tại các trường phổ thông cũng được nhiều đại biểu đặt ra. Hiện nay, lực lượng này còn mỏng ở nhiều tỉnh thành. Đơn cử như Đắk Lắk, thống kê của bà Thảo, cả tỉnh chỉ có 10 trong khoảng 1.000 trường phổ thông có nhân viên tư vấn chuyên nghiệp, bài bản. Mặc dù số nhân viên này hoạt động hiệu quả, chất lượng nhưng so với thực tiễn hoạt động, con số này chưa thấm tháp.
Ông Nguyễn Minh (Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM) cũng kiến nghị cần có chính sách định biên chính thức cho đội ngũ tư vấn tâm lý ở trường học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Cho rằng thông tư 08 về đánh giá, xếp loại học sinh ban hành từ năm 1988 đã quá cũ và không còn phù hợp tình hình thực tế, ông Nguyễn Minh còn kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành một thông tư mới thay thế.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Khảo sát của ThS. Đinh Anh Tuấn (Trường ĐH Quy Nhơn) cho thấy, khi chứng kiến bạo lực học đường, hơn 30% học sinh “bỏ đi nơi khác” để đảm bảo an toàn. Khoảng 36% học sinh báo với giáo viên. Chỉ gần 18% học sinh tìm cách can ngăn trong khi đó đến 23% học sinh bàng quan đứng xem và khoảng 13% học sinh quay phim, chụp hình, hô hào, cổ vũ…
 

Bình luận (0)