Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyện nhỏ mà không nhỏ!

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã chia sẻ một clip ghi lại cảnh HS Nhật Bản dọn dẹp phòng học, tự phục vụ bữa trưa, đổ rác… Theo đó, không ít phụ huynh đã bày tỏ sự ngưỡng mộ nền giáo dục của đất nước mặt trời mọc.

Đoạn phim cho thấy HS Nhật phân công nhau dọn dẹp những chồng sách vở, xếp lại ngay ngắn, lau chùi bàn ghế, sàn lớp. Hình ảnh cận cảnh cho thấy các em làm việc với niềm đam mê thật sự. Tới giờ ăn, các em đóng vai bảo mẫu múc từng khẩu phần ăn cho các bạn. Các em còn lại tự mang khay nhận khẩu phần ăn của mình, ăn xong tự dọn dẹp. Mọi việc diễn ra trong trật tự, ngăn nắp, tự giác.

Đoạn phim cũng cho thấy, các em chỉ mới ở độ tuổi lớp 2, 3. Các giáo viên được phỏng vấn cho biết, được tự tay làm các việc trên sẽ giúp HS hiểu rõ thêm về đặc thù của mỗi loại công việc. Từ đó xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh, tập sự ngăn nắp, gọn gàng và chia sẻ trách nhiệm với mọi người. Một khi những việc nhỏ ấy trở thành thói quen thì khi về nhà hay đến những nơi khác hoặc sau này lớn lên các em cũng có một lối sống tích cực như thế. Đó là những công dân biết sống tự lập và chia sẻ với cộng đồng.

Các nhà giáo dục ngày nay đều thống nhất rằng, hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm hai bộ phận không thể tách rời: Hoạt động dạy học trên lớp và hoạt động trải nghiệm sáng tạo ngoài cửa lớp.

Còn ở Việt Nam thì sao? Trong các lần dự họp phụ huynh, chúng tôi đã từng nghe một số phụ huynh phàn nàn khi con em họ phải trực nhật quét dọn vệ sinh lớp học. Có trường hợp đến ngày con trực nhật, phụ huynh đến trường làm thay. Thậm chí, ở không ít trường học tại TP.HCM cha mẹ đề nghị đóng góp tiền vệ sinh để nhà trường thuê người làm việc này thay HS. Nhận thức của một bộ phận phụ huynh về ý nghĩa giáo dục của những việc làm nói trên còn hạn chế là điều có thể hiểu được, còn phía nhà trường cũng chiều theo thì thật đáng trách. Điều đáng buồn là xu thế này đang có chiều hướng lan rộng ra ở nhiều trường.

Hậu quả của việc này như thế nào? Một nhân viên làm vệ sinh cho biết, từ khi có người làm vệ sinh, HS xả rác càng nhiều hơn. Một khi HS thiếu ý thức trong việc giữ vệ sinh thì việc xả rác từ trong trường sẽ ra ngoài đường là lẽ đương nhiên. Đường phố ngập rác nhưng không ai thấy mắc cỡ, đó chính là mối nguy. Vì một khi con người sống không có trách nhiệm, không vì cộng đồng thì xã hội sẽ như thế nào?

Chuyện nhỏ mà không nhỏ là vậy!

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)