Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện những người giữ rừng ở Cần Giờ: Kỳ 1: Hồi sinh nơi “vùng đất chết”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ giữ rừng mà kinh tế gia đình ông Sáu Cúm ổn định hơn.

Cách đây khoảng 20 năm, những ai bỏ nhà lên rừng dựng chòi canh, “làm bạn” với muông thú thường bị coi là “lập dị”. Thế nhưng, vì lá phổi xanh của thành phố, những người “lập dị” này đã trồng và canh giữ hàng chục ngàn hecta rừng đước tại Cần Giờ.
Để vào được các phân khu, tiểu khu và các hộ giữ rừng ở Cần Giờ, người ta phải đi bằng xuồng hoặc ca nô (loại dành cho kiểm lâm, bộ đội… đi tuần – PV). Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng chuyến đi rừng của tôi lại gặp khá nhiều trắc trở. Biết chúng tôi có ý định vào rừng, các cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ lắc đầu vì con nước lên chậm. Tôi phải mất ba giờ đồng hồ ngồi ở bìa rừng đợi con nước.
Những đôi chân không biết mỏi
Bom đạn và chất độc hóa học của quân đội Mỹ đã biến rừng ngập mặn Cần Giờ trở thành “vùng đất chết”. Sau năm 1975, rừng Cần Giờ xác xơ, chỉ còn lác đác vài cây bần, cây mắm… gượng gạo vươn chồi. Làm thế nào để phục hồi lại rừng đước đó là trăn trở của những người làm công tác nông – lâm nghiệp lúc bấy giờ. Trồng và bảo vệ rừng… là việc làm cấp thiết được đặt ra.
Trung bình mỗi hộ nhận bảo vệ trên dưới 70 ha rừng với tiền công 700 ngàn/ ha/ năm. Thu nhập từ công việc giữ rừng không đáng là bao so với công sức bỏ ra nhưng những hộ dân nơi đây rất vui khi ngày qua ngày được làm công việc có ý nghĩa này. Có được lá phổi xanh cho huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung là nhờ công sức rất lớn của các ban ngành. Song sự hy sinh, đóng góp của người dân trong huyện là không hề nhỏ. Những câu chuyện cảm động mà chúng tôi đã ghi lại được xem như một minh chứng cho sự hồi sinh của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Anh Nguyễn Văn Tây, một nông dân trong huyện, bỏ nửa buổi sáng tình nguyện đưa tôi vào rừng mà không nhận bất kỳ khoản thù lao nào. Đã vậy anh còn cẩn thận đưa cho tôi cái giỏ nhựa đựng cơm, nước uống và mấy củ khoai mì để chuẩn bị cho ngày đi rừng. Anh nông dân hiền lành ấy cố xua tan vẻ ái ngại hiện rõ trên mặt tôi: “Anh cứ mang theo, lỡ nước ròng không ra được thì có cái mà lót dạ”. “Thế còn anh ăn gì?”, tôi hỏi. Anh Tây cười nhẹ, nói: “Lo gì, ăn trái bần, trái cóc cũng xong bữa, “thổ địa” ở đây mà”.
Chòi canh nằm cách đường Rừng Sác khoảng 15 phút đi xuồng là chòi gần nhất. Chòi này thuộc chốt bảo vệ rừng tiểu khu 10C do bà Nguyễn Thị Thảnh làm chủ. Dù nhà có ít lao động nhưng ông Sáu Cúm, chồng bà Thảnh vẫn cố gắng nhận giữ gần 50 ha rừng trồng và rừng sưu tập do Chi cục Kiểm lâm TP.HCM quản lý để có điều kiện nuôi các con ăn học. Một ngày, ông Sáu Cúm dành khoảng 18 giờ để đi lại trong rừng. Hôm nào nước lên đỡ cực, bởi nước xuống thì phải lội bộ cả ngày lẫn đêm.
Sau hơn 2 giờ chèo, anh Tây cho xuồng cập vào bờ đắp rồi quay xuồng đi canh rừng. Căn chòi trước mặt tôi là của hộ gia đình ông Trần Văn Ba (xã Tam Thôn Hiệp), đã có thâm niên giữ rừng trên 10 năm. Căn chòi lá nát bươm, xiêu vẹo như chực chờ đổ xuống, chòi rộng chừng 8m2, nhà bếp được bố trí ngay trong chòi cạnh chiếc giường kê tạm bợ.
Người “lập dị”
Mở đầu câu chuyện, ông Ba đề cập ngay đến nguyên do vì sao phải lên rừng? Lúc bấy giờ, UBND TP.HCM có chính sách cho phép các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng nhưng ít ai dám nhận, dù cái nghèo đang bủa vây. Không dám nhận vì sợ nghèo túng, không làm chủ được mình, đánh liều phá rừng dẫn đến tù tội. Ông Ba cũng không ngoại lệ. Ông Ba bảo, tôi lên đây là vì bà xã cứ nói hoài, thậm chí đã xảy ra “chiến tranh lạnh” giữa hai vợ chồng suốt một thời gian dài. Khi nhận được tiền công giữ rừng lần đầu, hai vợ chồng ông bàn tính đưa con về ở hai bên nội ngoại để tiếp tục đi học.
Rời căn chòi của ông Ba, chúng tôi tìm đến chòi bà Ba Hồng. Bà Hồng là một trong số 10 hộ dân đầu tiên thí điểm nhận khoán trồng và giữ rừng ở Cần Giờ. Ngày cùng 6 đứa con nheo nhóc vào rừng, tuổi của bà chỉ ngoài 30. Lúc ấy, cơm ngày chỉ một bữa nhưng bà vẫn đều đặn đẩy xuồng chở trái đước đi trồng. Chỉ tay về hướng rừng đước bạt ngàn, xanh um, bà Hồng hồ hởi: “Ngày trước rừng đước xơ xác, trọc lóc mà giờ như thế đấy”. Để có được màu xanh rừng đước như hôm nay bà Hồng và nhiều người khác đã trải qua biết bao tủi cực.
Quãng ấy, không ít người bảo bà Hồng “tưng tưng”, “lập dị” nên mới bỏ vào rừng sống với… khỉ. Bà Hồng cười tít mắt, kể: “Hồi đó, mỗi lần tôi về xuôi đi chợ, nhiều người chỉ trỏ, bàn tán rằng “người rừng” về phố… nhưng tôi mặc kệ, chỉ biết rằng mình đã nhận việc là phải hết lòng”. Nhắc đến cái tên Ba Hồng, các cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ nhớ lại ngày bà lên rừng dựng chòi như một bài học quý. Nhiều người khuyên nên chặt lá cây đước để lợp mái nhưng bà quyết không chịu nghe vì “Ai đời mình đi trồng rừng mà lại chặt lá rừng”. Dù chỉ là lá nhưng lương tâm không cho phép bà Hồng làm thế.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Những tháng ngày ăn rau rừng, sống chung với muỗi mòng và chim, thú… để bảo vệ hơn 10 ha rừng, ông Ba cảm thấy mình làm chưa hết sức. Ngay lập tức ông về Ban quản lý đăng ký nhận thêm 50 ha nữa. Nhắc lại chuyện bỏ nhà lên rừng của vợ, ông Ba nói: “Cũng may bà xã tôi cứng rắn nên cuộc sống mới được ổn định như ngày hôm nay”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)