Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuyện những tấm bằng và việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

SV tìm việc làm tại Ngày hội việc làm do Trường ĐH SPKT TP.HCM tổ chức. Ảnh: Q.Huy

Vừa qua, cư dân mạng xôn xao trước việc tân cử nhân Huỳnh Ngọc Thành đạp xe rong ruổi trên các đường phố Sài Gòn để “tự tiếp thị” mình thông qua việc treo bảng “quảng cáo” mình nhằm tìm việc làm. Việc làm naỳ của Thành đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
Bản lĩnh hay lập dị?
Thật ra, việc tự giới thiệu mình đến với các nhà tuyển dụng bằng cách đăng các mẩu tin về bản thân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phát tờ rơi… là sự lựa chọn hết sức bình thường của nhiều lao động. Tuy nhiên việc lựa chọn phương pháp “đạp xe, đeo thêm biển các tông” để tự giới thiệu mình của tân cử nhân Huỳnh Ngọc Thành đã để lại nhiều “dấu ấn” trái ngược nhau. Có người bảo Thành là người “lập dị”, người mạnh miệng hơn thì nói cậu ta “tửng tửng”, còn những người tỏ ra thông cảm thì bảo Thành là người có bản lĩnh, dám lựa chọn phương thức “độc nhất vô nhị” để nói lên nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của mình với hy vọng tìm kiếm được một công việc để phục vụ cho cuộc sống. Chúng ta phải nhận thấy rằng: Có rất nhiều tân cử nhân không tìm kiếm được việc làm nhưng cũng chưa ai dám làm cái việc đạp xe để “quảng cáo” tìm việc làm như Thành.
Phía sau sự kiện này là gì?
Hình ảnh chàng trai đội mũ tai bèo đạp xe rong ruổi trên đường phố và thông điệp muốn gửi đến mọi người cũng rất rõ ràng: “Tôi cần một công việc. Tôi có bằng ĐH ngành tài chính ngân hàng, có các chứng chỉ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; biết lập trình MATLAB, C++, VBA for EXCEL…”. “Sự kiện” chàng trai đạp xe để tự “quảng cáo” tìm việc cho thấy nhiều vấn đề đang tồn tại trong xã hội hiện nay.
Trước hết, đó là những khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm của rất nhiều trí thức trẻ. Thành chỉ là một trong nhiều trí thức trẻ “bất lực”, không tìm được việc làm sau khi ra trường. Khi nền giáo dục nước nhà tạo ra nhiều cơ hội cho người học thì nguồn lao động chất lượng cao (ít nhất là họ cũng có đầy đủ bằng cấp) cũng dồi dào. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, dường như nguồn “cung” – lực lượng lao động có bằng cấp tăng mạnh thì nhu cầu sử dụng lao động lại không tăng hoặc tăng rất ít. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo ở một số trường còn hạn chế, kỹ năng nghề nghiệp của các tân cử nhân chưa được trang bị đầy đủ, thậm chí là yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc nhiều sinh viên gặp khó khăn trong vấn đề tìm kiếm việc làm cũng là điều dễ hiểu.
Có người lập luận: Sinh viên học xong sao không về quê mà làm, mà phục vụ quê hương sao cứ bám trụ lại các thành phố lớn làm gì? Trong một lần trao đổi với các sinh viên của mình, các em cho biết có nguyện vọng được phục vụ, cống hiến cho quê hương, được làm việc ngay tại nơi chôn rau, cắt rốn, nhưng lý do khiến các em phải bám trụ lại thành phố là không tìm được việc làm ở quê. Theo nhiều sinh viên, để xin được việc ở quê thì cần nhiều yếu tố, trong đó yếu tố mối quan hệ, tiền bạc có khi lại đóng vai trò chủ đạo đối với vấn đề xin việc. Chính vì vậy, nhiều sinh viên, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con nông dân… đã chọn cho mình giải pháp ở lại thành phố.
Và chuyện những tấm bằng
Bạn bè thời sinh viên của tôi tuy bây giờ mỗi người đã có một việc làm nhưng cũng có một số người không tìm được việc làm đúng chuyên ngành mà phải “rẽ” sang một lối khác như kinh doanh, tư vấn bảo hiểm, dịch vụ… Thậm chí có vài người còn không đến trường để nhận bằng tốt nghiệp ĐH dù họ đã tốt nghiệp hơn 10 năm.
Bên cạnh đó, một số người khác sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ mà không tìm được việc làm, họ đành phải chấp nhận về quê làm nông dân, có người thì xin vào làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp. Cũng có người “chữa cháy” bằng cách học một cái nghề nào đó hoặc học lên cao hơn để tăng cơ hội khi tìm việc. Điều đó cho thấy còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với người lao động có bằng cấp trong vấn đề tìm kiếm việc làm.
Trong thời gian vừa qua, một số địa phương phát hiện hàng loạt cán bộ cấp cơ sở sử dụng bằng giả. Mục đích của những cán bộ này là dùng bằng cấp để củng cố địa vị mà họ đang nắm giữ. Do không có bằng thật (có thể trình độ chưa đạt, hoặc do không có điều kiện để học tập) nên họ tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Cũng trong thời gian qua, một số địa phương ra quyết định không tuyển dụng những người tốt nghiệp các hệ tại chức, chuyên tu, từ xa…
Những thông tin trên đã nói lên tính muôn màu muôn vẻ của những tấm bằng. Nghĩ cũng lạ, có người thì tìm mọi cách để có được tấm bằng ĐH, có người thì có bằng mà không thèm đến nhận, có người thì tìm cách “mua” cho được tấm bằng, có người học hành lẹt phẹt, bằng chuyên tu, tại chức… nhưng lại có những việc làm vào loại “ngon” và cũng có người được đào tạo bài bản, văn bằng chính quy hẳn hoi nhưng tìm mãi mà không có việc…. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong giáo dục, trong sử dụng lao động, đặc biệt là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở nước ta hiện nay. Vì vậy các bạn thí sinh đứng trước kỳ thi ĐH, CĐ 2012 cần phải xác định thật kỹ khi chọn lựa cho mình một ngành nghề trong tương lai.
Nguyễn Quế Diệu (ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)