Hãy học cách tôn trọng con và những nhu cầu của con. Con cái chúng ta cũng có não, đừng cái gì cũng nghĩ hộ và làm hộ trẻ.
Đẻ con ở Mỹ, không có bà nội ngoại nào chăm con, hóa ra lại là cái may của mình.
3 ngày sau khi đẻ, 2 vợ chồng lôi thằng con đi siêu thị. Trời lạnh cóng, tuyết bắt đầu rơi lả tả trên cái chăn nôi của thằng bé. Những cơn gió mùa đông Michigan bật tung tấm chăn mình gói gém cẩn thận để che chắn cho con. Thằng bé vẫn ngủ ngon lành.
Ở các siêu thị Mỹ, rất khó để tìm được sữa bột. Tìm mải miết mới thấy 1 lọ nhỏ xíu lọt thỏm phía trong – chứng tỏ mặt hàng này rất ít người mua. Trẻ em chủ yếu là "ti" mẹ. Tới sau 6 tháng, khi sữa mẹ dần hết chất thì trẻ bắt đầu tập ăn dặm.
4 tháng, thằng cu bắt đầu ngứa lợi. Bác sĩ bảo có thể cho nó làm quen với việc nhai thức ăn rồi. Mình mua đậu xanh về, nấu chín như thường, rồi cho thằng bé gặm cho có cảm giác. Cũng chả nhớ nó có ăn tí nào không, giờ vẫn còn giữ video "thằng béo" 4 tháng gặm đậu xanh ở Mỹ.
Hỏi bác sĩ "có nên nấu riêng thức ăn cho nó không?", "sợ ăn cùng người lớn thì mặn quá, nó không tiêu thụ được". Bác sĩ bảo: "Ăn cùng cả nhà là tốt nhất, khi cháu ăn cùng mọi người, cháu học được cách ăn, và ăn cũng ngon miệng hơn. Hơn thế, nấu riêng lích kích lắm, 2 nồi cơm, 2 nồi thức ăn… không tiện", "anh chị có thể nấu nhạt bớt 1 chút để cả nhà có thể ăn chung".
Ảnh minh họa. |
Hôm "thanks giving" được mời sang nhà 1 bạn người Mỹ. Nhà có 1 đứa cháu 1,5 tuổi. Khách mời có 1 gia đình Hàn Quốc, có thằng bé 5 tuổi, mình thấy sự khác biệt giữa Á và Âu. Thằng bé người Mỹ ngồi ngoan 1 góc, mẹ nó để cái đĩa trên đó có bánh ngọt, thằng bé ăn bao nhiêu thì tự bốc. Mẹ không phải làm gì cả, ăn chán thì tự bò đi chơi, Mẹ nó cho vừa đủ để không bị thừa thức ăn. Thằng bé tự phục vụ, không làm phiền ai cả.
Nhà Hàn Quốc thì có thằng con 5 tuổi. Nó bắt mẹ bế, mẹ bón suốt cả bữa cơm. Bà mẹ Hàn Quốc – giống bất kỳ bà mẹ Việt Nam nào khác – ngồi từ đầu đến cuối bữa chủ yếu phục vụ cậu quý tử.
Ở Mỹ, mình cho thằng bé ngủ riêng, bao giờ chơi mới bế ẵm. Đi ô-tô thì cho vào "car-seat", không cảnh sát thấy bế trên tay là phạt tiền. Thành thử, cả nhà có đi chơi đâu cũng rất nhàn. Mẹ nó ngồi thoải mái ở trên, thằng cu ngồi ngủ ngon lành ở dưới. Lúc nào cần ăn ị thì phục vụ thôi. Cho nên đi xa rất tiện.
***
Mình cho rằng, cách nuôi dạy con ở Việt Nam bế ẵm nhiều quá, chăm sóc cẩn thận quá, thành thử đứa bé mất đi động lực để tự lập. Con lớn đến 4, 5 tuổi rồi mà mẹ vẫn còn đòi bế là không được.
Chuyện ăn, trẻ nó thích thì ăn, không thích thì cho nhịn. Chưa có đứa nào chết đói vì bố mẹ không ép ăn cả. Chỉ có thấy nhà càng có điều kiện, càng ép ăn thì con càng sợ ăn, càng kém ăn thôi.
Chuyện uống sữa, không có sữa nào tốt như sữa mẹ, và không thực phẩm nào tốt bằng đồ tự nhiên. Cho con ăn rau quả, uống nước trái cây tốt bằng vạn lần nhồi sữa cho con.
Chuyện bao bọc, trẻ con cần thích nghi với môi trường. Quăng quật nó một chút, cho nó ốm 1 chút cũng không sao. Giữ con ở ngưỡng an toàn không bị nguy hiểm hoặc biến chứng lâu dài là được. Để chúng tự khám phá thế giới trong điều kiện an toàn chấp nhận được là cách giúp con phát triển tốt nhất.
Cuối cùng, học cách tôn trọng con và những nhu cầu của con. Con cái chúng ta cũng có não, đừng cái gì cũng nghĩ hộ và làm hộ trẻ. Não không sử dụng lâu ngày cũng bị hỏng đấy, bảo sao lại ngày càng nhiều "em chã".
Nguyễn Xuân Quang/ PNO
Bình luận (0)