Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện ở một xã nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Cho nông dân mượn ruộng nuôi con học đại học

Lễ trao thưởng, cấp ruộng cho tân sinh viên được tổ chức hàng năm

Người dân trên khắp miền quê Quảng Trị biết đến xã Hải Thiện (huyện Hải Lăng) như một vùng quê độc đáo, “có một không hai”. Độc đáo không chỉ bởi đây là xã được thành lập từ một làng duy nhất, mà còn độc đáo bởi mô hình quỹ khuyến học hiếm thấy: cho nông dân mượn ruộng nuôi con học đại học!
Sào ruộng tiếp sức đến trường
Những ngày đầu năm học mới, trụ sở UBND xã Hải Thiện lại rộn ràng không khí phấn khởi của những tân sinh viên cùng phụ huynh đến kí giấy nhận… ruộng. Cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sở hữu một sào ruộng khoán – phần thưởng của cậu út Lê Thanh Quang, vừa đỗ vào Đại học Ngân hàng TP.HCM, ông Lê Khiếm hồ hởi: “Phần thưởng này không chỉ tạo điều kiện cho vợ chồng tui canh tác, kiếm thêm tiền nuôi con ăn học mà còn là niềm tự hào của gia đình với bà con lối xóm, họ hàng”. Ông Lê Việt, ở thôn 2, có 2 con đang theo học ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhờ phần thưởng 2 sào ruộng của 2 cháu nên kinh tế gia đình được ổn định hơn trước. Các cháu vì thế cũng an tâm học hành”. Trong 5 năm qua, xã Hải Thiện đã cấp gần 22.000m2 ruộng học điền cho 43 sinh viên của xã. Điều đáng mừng nhất là có hơn 10 sinh viên đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định và thường xuyên đóng góp vào nguồn quỹ khuyến học xã nhà để động viên lớp đàn em tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học.
Ông Lê Văn Cường, trưởng tộc họ Lê – Hội chủ làng Câu Hoan tự hào: “Ngoài quỹ khuyến học, quỹ học điền của UBND xã, 12 học tộc ở làng chúng tôi đều lập quỹ khuyến học riêng để khuyến khích con em trong họ học tập”.
Cuộc sống của người dân Câu Hoan hôm nay vẫn còn nghèo khó, toàn xã có 897 hộ dân, với 3.870 khẩu. Hộ nghèo gần như tỷ lệ thuận với số sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước (khoảng 300 sinh viên). Toàn xã có 4 tiến sĩ, hơn chục thạc sĩ và hàng trăm cử nhân đang học tập, công tác trên mọi miền đất nước. Ông Lê Xuân Nam, Phó chủ tịch UBND xã Hải Thiện nói: “Đối với người dân ở làng quê thuần nông như Câu Hoan, quỹ học điền là niềm động viên lớn, phần thưởng đầy tự hào của con em chúng tôi sau những nỗ lực miệt mài đèn sách. Đồng thời thể hiện nghĩa tình của người dân nơi mảnh đất nghèo khó này. Hàng năm xã chọn ngày khuyến học toàn quốc (2-10) để tổ chức lễ trao thưởng cho học sinh giỏi trên địa bàn, và bàn giao ruộng cho những gia đình có con thi đỗ đại học. Đây là một việc làm nhằm khuyến khích các cháu nỗ lực học hành, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Nửa thế kỷ – truyền thống hiếu học
Thời nhà Hồ (1400-1406), chính sách di dân được xúc tiến, nhằm tạo vững chắc cho “phên dậu” phía Nam Tổ quốc. Thời điểm này, nhiều làng xã được dựng lên ở vùng đất châu Ô, trong đó có làng Câu Hoan.
Từ thuở xưa, Câu Hoan rất coi trọng việc học hành. Trường học là một trong năm công trình công cộng của làng được cắt cử phu trông coi. Khoán ước năm 1856 của làng quy định: “Theo lệ cũ, trích 9 mẫu hạ điền, 5 sào thu điền cấp cho việc học. Giao cho lý dịch 3 mẫu, tiền 48 quan để lo lễ tế Xuân Thu nhị kỳ. Còn 6 mẫu với giá 100 quan tiền chuẩn cấp cho học trò mời thầy dạy học. 5 sào còn lại chuẩn cấp cho phu trường”.
Vừa chăm lo việc học hành của con trẻ, làng Câu Hoan còn đặt ra những qui chế khuyến khích việc phổ cập giáo dục tiểu học cho con em mình. Dù là làng quê thuần nông, nhưng rất trọng sĩ. Hàng năm, lệ làng đều mở những cuộc khao vọng linh đình và tặng thưởng xứng đáng cho những con em thi cử đỗ đạt: “Những vị khai khoa tiến sĩ văn võ, bản xã làm một lễ tạ tam sinh (lợn, trâu, dê), lại được mừng tiền 10 quan, gia thưởng một mẫu ruộng canh tác suốt đời… Ai đỗ cử nhân văn võ thì bản xã làm lễ tạ một trâu, mừng tiền 8 quan, thưởng 5 sào ruộng canh tác suốt đời. Ai đỗ tú tài bản xã làm lễ tạ một bò, mừng tiền 5 quan và 3 sào ruộng canh tác suốt đời…” (Hội ước làng năm 1859)… Nhờ sự khuyến khích kịp thời đó, thời khoa cử, làng Câu Hoan đã có 107 vị có học hành đỗ đạt, được đảm nhận các chức vụ cao thấp khác nhau.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, với bao biến động thăng trầm của lịch sử, sự ưu ái hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục đã tạo nên truyền thống hiếu học và trọng trí thức trong mỗi người dân Câu Hoan. Truyền thống tốt đẹp đó đang được chính quyền, nhân dân Câu Hoan tiếp tục phát huy.
Quỹ học điền được chính quyền xã Hải Thiện tái thành lập vào đầu năm học 2004. Quỹ dùng hỗ trợ cho những tân sinh viên đỗ đại học chính quy (lần thi thứ nhất), mỗi suất 1 sào ruộng khoán. Gia đình người được nhận học bổng được canh tác trên sào ruộng ấy tùy theo thời gian sinh viên theo học tại các chuyên ngành của các trường đại học. Đến cuối khóa học, sào ruộng ấy sẽ được xã thu lại, tiếp tục cấp cho những tân sinh viên khác.
 
Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)