Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Chuyện ở ngôi làng Trinh Tiết độc nhất vô nhị

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là ngôi làng cổ nằm bên con sông Đáy nổi tiếng với phiên chợ Sêu sầm uất và nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh đến mức được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” một thời. Ngôi làng mang tên Trinh Tiết thuộc xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Sự tích tên làng

Các cụ cao niên trong làng Trinh Tiết kể lại rằng: xưa kia làng có tên là Bối Lang, sau đổi tên thành làng Sêu, nổi tiếng khắp xa gần bởi có những người con gái hiền dịu, nết na, xinh đẹp, đảm đang, tháo vát, đặc biệt là đức tính thờ chồng nuôi con. Sở dĩ làng có tên “Trinh Tiết” bởi tương truyền rằng: Phụ thân của Thành hoàng làng Triệu Quốc Bảo là một người “xứ trong” ra đây lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi sinh hạ được Bảo thì bố mất, để lại cảnh mẹ góa con côi.

Cổng làng Trinh Tiết

 Mẹ Bảo là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì thế khi người chồng quá cố qua đời, có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết. Bà tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với chồng con.

Thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng Sêu nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Thấy các thiếu nữ ở đây xinh đẹp, dịu dàng nên vua cũng phải tấm tắc ngợi khen. Các cụ trong làng đã biếu nhà Vua một áo lụa và một áo tơ tằm do chính những thiếu nữ trong làng thêu. Vua rất hài lòng. Nhà Vua rất xúc động khi nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, vua đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.

Còn nguyên “trinh tiết” – niềm kiêu hãnh của làng văn hóa

Từ đó người dân nơi đây luôn tự hào gìn giữ cái tên Trinh Tiết. Những người con gái trong làng Trinh Tiết luôn một mực thủy chung với chồng. Những người không may chồng mất sớm cũng quyết không tái giá mà một dạ thủ tiết, thờ chồng nuôi con. Với những cô gái đi lấy chồng nơi khác, để chứng minh cho tấm lòng son sắt của mình với làng, trước khi đi lấy chồng, các cô gái tự nguyện đóng góp gạch để lát đường làng. Người đi trước làm gương cho thế hệ sau, cứ như thế trở thành một quy ước, lệ làng. Trước khi xuất giá, những cô “gái trinh” phải góp 200 viên gạch để xây dựng đường làng. Nhờ đó mà bộ mặt của làng ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Ngay từ thế kỷ XIX, làng Trinh Tiết đã trở thành địa phương đầu tiên trong vùng vào mùa mưa “gót chân không chạm đất”. 

Ông Bùi Chí Dũng – trưởng thôn Trinh Tiết – cho biết: Hiện nay, lệ làng xưa không còn, những cô gái làng Trinh Tiết đi lấy chồng nơi khác không còn phải góp gạch xây đường làng nữa. Đường ngang ngõ dọc trong làng đang dần được cán nhựa, bê tông hóa, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn những nét đẹp truyền thống của làng. Đó là chiếc cổng làng đồ sộ phía sau vẫn còn lưu lại tên làng cũ – làng Sêu và đôi câu đối: “Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa, còn lưu mãi – Trinh tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thuở, phải là đây”. Ngoài ra vẫn còn một số con đường lát gạch “trinh tiết” xưa khiến ngôi làng thêm phần cổ kính.

 Đặc biệt người dân nơi đây vẫn luôn ý thức giữ được nét đẹp của người phụ nữ truyền thống: Khi đã lấy chồng là nguyện thủy chung đời đời, kiếp kiếp. Chẳng may chồng mất thì thủ tiết thờ chồng, nuôi con. 

Đã nhiều năm qua, làng Trinh Tiết không có việc phụ nữ chửa hoang hoặc sinh con ngoài giá thú. Đó quả là một nét đẹp hiếm hoi của một ngôi làng văn hóa trên đất Thủ đô.

Minh Tư
(Dân trí)

Bình luận (0)