Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Chuyện ở những gầm cầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bãi giữ xe dưới gầm cầu Ông Lãnh
Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều gầm cầu sử dụng sai mục đích một cách công khai. Điều này không chỉ làm mất vẻ mỹ quan của TP mà còn gây mất trật tự ATGT.
Gầm cầu: Nơi mưu sinh
Người phụ nữ 39 tuổi có gương mặt già hơn tuổi thật, dựng chiếc xe đạp ở gầm cầu vượt Bình Phước, bày ít chai nước ngọt lên mặt thùng xốp để chờ bán cho khách, nhưng hai con mắt chị cứ liếc dọc liếc ngang vì… sợ bị bắt. Chị tên Trịnh Thị Dung (ngụ Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) cả đời không biết cái chữ là gì, nên ráng làm nuôi hai đứa con trai vì người chồng chán cảnh nghèo đã bỏ mẹ con chị đi theo người phụ nữ khác.
“Đội quản lý trật tự đô thị ngày nào cũng đi tuần và đi nhiều lần nên phải cảnh giác dữ lắm. Dụng cụ buôn bán lâu nay là chiếc xe đạp này cho… dễ thoát khi bị đuổi bắt. Nghĩ phận nghèo thật tủi cực, phải vất vả kiếm miếng ăn mà hồi hộp như đi ăm trộm, lạng quạng là bị bắt phạt 500.000 đồng, còn không là bỏ của chạy lấy người. Có khi bị bắt rồi là ba mẹ con đói ăn mấy ngày”, chị Dung thuật lại giọng trầm buồn.
Nương nhờ dưới bóng mát của cái gầm cầu rộng lớn, đều là những người lao động nghèo như chị Dung, mỗi người mỗi cảnh. Vài ba người xe ôm, mấy phụ nữ bán kính dạo hoặc bán nước ngọt đều có chung tâm tư là ráng làm để lo cái ăn và cái chữ cho con cái. Đời họ đã khổ nhiều rồi vì không có chữ, nên không muốn con cái lại rơi vào “vết xe đổ” của cha mẹ chúng.
Giống như cầu vượt Bình Phước, gầm cầu vượt Bình Triệu cũng là nơi mưu sinh của những lao động nghèo. Ông Lê Văn Hai đã 71 tuổi mà còn lặn lội từ Vĩnh Long lên TP.HCM để bán vé số kiếm sống. Ông Hai cho hay trong số những người bán buôn ở gầm cầu này, chỉ riêng ông là người già cả nên được đội trật tự đô thị thương tình không đuổi bắt. Nhiều người đi đường cũng thương ông già cả nên ghé mua ủng hộ.
Sử dụng gầm cầu sai mục đích
Một vài người lao động nghèo nói rằng, một số gầm cầu được kinh doanh bãi giữ xe công khai dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt, trong khi những người dân nghèo mong kiếm kế sinh nhai thì lại bị bắt bớ, như thế là “không công bằng”.
Ngay như ở gầm cầu Ông Lãnh, nối liền quận 1 với quận 4, một vài người bán hàng nước cũng phải lo “đối phó” mỗi khi đội trật tự đi tuần. Trong khi các nhịp cầu ở phần đất liền cả hai bên đầu cầu đều được trưng dụng làm bãi giữ xe. Hàng trăm chiếc xe máy, xe hơi, thậm chí có cả… xe rác được gửi cả ngày lẫn đêm ở đó. Điều này, theo một số người dân ở khu vực xung quanh cho biết, họ luôn nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông cũng như nguy cơ cháy nổ xảy ra.
Ông N.K 70 tuổi, sống ở khu vực chân cầu Ông Lãnh từ bé cho rằng nguy cơ cháy nổ lâu nay không chừa một ai, nên việc làm bãi giữ xe qua đêm ở gầm cầu là điều đáng lo ngại: “Theo quy định, cùng lắm gầm cầu nếu được dùng làm bãi giữ xe cũng chỉ là bãi tạm thời, chỉ giữ xe trong ngày, hoặc tạm sử dụng một thời gian ngắn trong khi chờ xây dựng bãi giữ xe ở những địa điểm phù hợp. Chứ như ở gầm cầu này bãi giữ xe có gần chục năm rồi, vậy gọi là bãi giữ xe tạm thời có hợp lý không?”.
Theo ông K., gầm cầu Ông Lãnh là một trong số những gầm cầu dọc theo tuyến đường Võ Văn Kiệt đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TP sử dụng làm bãi giữ xe kết hợp trồng hoa cỏ quanh hàng rào từ cuối năm 2011, nhưng nhiều gầm cầu đã bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích hoặc khai thác làm bãi xe không đúng với các quy định ghi trong giấy phép.
Nếu so với việc dùng gầm cầu làm bãi giữ xe, có vẻ còn đỡ nguy hiểm hơn dùng gầm cầu làm kho chứa vật tư hay nguyên liệu dạng lỏng. Chị Mai Khanh, một người dân ở gần gầm cầu Lò Gốm (thuộc phường 7 và 10, quận 6) nói như vậy. Chị Khanh cho biết gầm cầu Lò Gốm có diện tích gần 9.000m2, được cấp phép xây dựng làm bãi giữ xe, nhưng đơn vị chủ thầu đã dùng một nửa diện tích để làm kho chứa máy móc, nguyên liệu dạng lỏng và vật tư. Phần gầm cầu còn lại được sử dụng làm bãi giữ ô tô, xe máy, làm bãi rửa xe và sửa xe. “Chỗ sửa xe thỉnh thoảng thợ có hàn gió đá, nguy cơ gây cháy đâu phải là không có. Còn việc ùn tắc, mất trật tự, tai nạn giao thông ở khu vực này cũng thường xuyên xảy ra”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Mục số 11 thuộc điều 10, chương III của thông tư số 39/2011/TT-BGTVT quy định: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất ATGT, ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, ATGT và bảo vệ môi trường. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)