Ngày Tết, ngày của đoàn viên. Thế nhưng ở một số lĩnh vực đặc thù, ngày sum họp lại là ngày người lao động phải làm việc vất vả hơn ngày thường. Cán bộ, nhân viên Trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm là một ví dụ.
Khu vực lưu giữ phương tiện vi phạm chờ xử lý
Theo chân các nhân viên Trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm (thuộc Trung tâm Quản lý đường thủy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đi làm nhiệm vụ trong thời gian ngắn ngủi nhưng phần nào hiểu nỗi vất vả, cực nhọc và nguy hiểm bởi đặc thù công việc nơi sông nước. Gian nan là vậy, song đội ngũ cán bộ và nhân viên của trạm không chùn bước, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh, an toàn đường thủy…
Sống và làm việc trên sông nước
Một ngày cuối năm, xuất phát từ bến Bạch Đằng, tàu công vụ của Trung tâm Quản lý giao thông thủy đưa chúng tôi đến thăm trạm (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè). Sau hơn 15 phút di chuyển, anh thuyền viên đánh một vòng tay lái rẽ qua chiếc tàu lớn đang neo đậu, trước mặt chúng tôi là một khu nhà tạm nhỏ bé trước sóng nước.
Trạm với một bên cầu tàu là khu nhà làm việc, một bên là khu nghỉ ngơi của 19 cán bộ, nhân viên, góc nhỏ là bếp, phía sau là chiếc cầu tạm nối với đường bộ dẫn vào khu dân cư… Trạm trưởng, anh Huỳnh Văn Khương bảo, được sự quan tâm của thành phố và cơ quan chủ quản, trên sông nước mà có được nơi làm việc, nghỉ ngơi thế này là an toàn lắm rồi. Nhờ đó mà tinh thần làm việc của anh em cũng phấn chấn hơn.
Trưởng trạm Huỳnh Văn Khương
Anh Huỳnh Văn Khương cho biết, trước đây trạm đặt ở Kênh Ngang (khu vực Tàu Hủ, Bến Nghé, quận 8). Tuyến kênh này không giao thông nhưng cạn, phương tiện lớn vi phạm bị cơ quan chức năng tạm giữ không thể đưa về đây lưu giữ. Hơn nữa, đây là tuyến kênh ô nhiễm nặng, không đảm bảo an toàn sức khỏe…
Từ thực tế đó, đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy kiến nghị thành lập trạm lưu giữ và chọn vị trí này để đặt trạm. “Được chuyển về nơi làm việc mới này từ năm 2000, dù đi lại bằng đường bộ ra trạm còn khó khăn nhưng anh em chúng tôi vui lắm”, anh Khương chia sẻ.
Trạm có nhiệm vụ tiếp nhận, lưu giữ và trao trả các phương tiện thủy vi phạm ở các lĩnh vực như tai nạn giao thông, trộm cắp, khai thác cát trái phép… do các cơ quan chức năng chuyển đến. Trong thời gian tiếp nhận, lưu giữ cho đến khi có quyết định xử phạt hành chính hoặc tịch thu, đấu giá, việc gìn giữ tài sản phương tiện vi phạm là một nhiệm vụ khá nặng nề. Do vậy, mỗi ngày 19 cán bộ, nhân viên của trạm chia làm 3 ca trực 24/24 để đảm bảo an toàn phương tiện, tài sản lưu giữ. Mỗi ca gồm lãnh đạo thường trực, 3 thuyền trưởng và các nhân viên sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Trạm là nhà
“Khó khăn nhất là vào ban đêm, dù ở khoảng cách gần nhưng không thể quan sát xung quanh, đây cũng là thời điểm các ghe nhỏ di chuyển đến khu vực phương tiện lưu giữ để trộm cắp tài sản”, anh Khương nói.
Anh Lê Văn Minh (nhân viên của trạm) cho biết, do đặc thù sông nước, công việc của anh em gặp không ít khó khăn, nhất là những đêm mưa gió cũng phải ra cầu phao để tuần tra, kiểm tra. Nguy hiểm hơn là những ngày thủy triều thay đổi dòng chảy, phương tiện lưu giữ bị đứt dây neo, việc tiếp cận phương tiện để kiểm tra là không hề đơn giản.
Nhận tấm bằng chuyên ngành kinh tế vận tải thủy, anh Minh chính thức vô ngành, đến nay cũng đã ngót nghét 30 năm gắn bó với công việc. “Công việc có phần áp lực bởi tài sản tạm giữ lớn, có thể đối mặt với bất trắc khi làm nhiệm vụ. Bảo vệ tài sản phương tiện vi phạm tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng không nhẹ nhàng chút nào. Từ khó khăn đó, anh em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chia sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn”, anh Minh tâm sự.
Đến ca trực, các anh đưa chúng tôi ra khu vực phao đang lưu giữ 6 phương tiện vi phạm, đó là các phương tiện có tải trọng lớn. Từ xa, một nhân viên của trạm chỉ tay về hướng chiếc tàu mang số hiệu của một thành phố phía Bắc, bảo: Đó là phương tiện bị cơ quan chức năng phát hiện hút cát trái phép và đưa về đây lưu giữ.
Leo lên chiếc tàu lớn với hàng chục chiếc vòi lớn mà các anh gọi vui là “vòi bạch tuột” mới thấy công việc của các anh vất vả thế nào. Hình ảnh những con người có vóc dáng cao to, lực lưỡng kia như có “phép tàn hình” bé như “con kiến” khi đứng trên tàu, trước sóng nước, đủ thấy các anh đã trải qua những tháng ngày gian truân, đối mặt với hiểm nguy ra sao.
Công trình Trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm là một trong những công trình thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trạm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm có 3 bến phao với 6 bộ phao, mỗi phao có thể tiếp nhận 2 tàu (mỗi tàu khoảng 2.000 tấn). Bên cạnh tàu lớn neo ở các bến phao, trạm còn có nơi lưu giữ phương tiện nhỏ gần bờ chờ khắc phục hậu quả và xử lý sự cố. |
Anh Vương Đình Kế – thuyền trưởng của trạm chia sẻ, hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh không nhớ nổi đã bao lần “chạm trán” với thần chết. Đó là những đêm đi tuần tra bị sóng đánh, tai nạn khi leo lên phương tiện… Dù vậy, anh chưa một lần có suy nghĩ sẽ bỏ nghề, kiếm một công việc khác nhàn hạ, an toàn hơn. “Yêu nghề thì khó mấy cũng vuợt qua. Còn biết bao người mấy mươi năm sống và làm việc ở những nơi nguy hiểm, cái khó khăn của mình chẳng là gì so với họ”, anh Kế đúc kết.
Tuần tra trong đêm, các anh có lo sợ điều gì? Một thành viên ca trực tâm tư: “Anh nghĩ xem, một chiếc tàu 2 ngàn tấn từ miền ngoài vào đây hút cát trái phép với hàng chục con người thì mưu kế của họ được chuẩn bị thế nào? Trên tàu, họ trang bị đủ mọi hung khí để chống trả, cướp phương tiện bị tạm giữ… trong khi anh em tay không, cũng lo lắm nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung”.
Cũng như anh Kế, các anh em có thâm niên làm việc ở trạm ít nhiều đã “nếm mùi Tết” ở đơn vị. Anh Kế chia sẻ: “Đón Tết ở đơn vị riết rồi cũng quen, ca trực cứ xoay vòng, ai trúng ngày lễ tết thì phải chịu. Trộm cắp nhân thời điểm Tết nhứt để ra tay, vì vậy cường độ làm việc anh em cũng cao hơn ngày thường”.
Bài, ảnh: Anh Trần
Bình luận (0)