Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyện tháng 5

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 5 có nhiều sự kiện quan trọng được thông tin đậm trên diễn đàn báo chí: Các hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ; họp Ban Thường vụ Quốc hội; họp Ban Chấp hành Trung ương lần 5 (khóa XI); tuyển sinh đại học và tuyển sinh các lớp đầu cấp…
Những ngày này mặt báo cũng “nóng” lên với các thông tin khác: Phụ huynh chầu chực mua hồ sơ và chen lấn đạp đổ cổng Trường Thực Nghiệm ở Hà Nội; Dự án hiện đại trụ sở Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); mới chớm hè mà nhiều học sinh (HS) ở khắp các vùng miền chết thảm vì đuối nước…
* Vụ phụ huynh chen lấn, xô đẩy và đạp đổ cổng trường Thực Nghiệm ở Hà Nội để giành mua hồ sơ xin cho con vào lớp 1 nói lên nhiều điều. Văn hóa xếp hàng, văn hóa ứng xử ở đâu? Xô đẩy, giành giật, mạnh được yếu thua… Dư luận đặt nhiều câu hỏi: Một trường tốt như Thực Nghiệm sao không được ngành giáo dục Hà Nội nhân rộng? Một trường tốt mà tổ chức quản lý công tác tuyển sinh, không phải lần đầu tiên, như vậy ư?
* Dư luận bức xúc Dự án đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý GTVT hơn 100 ngàn tỷ, chủ yếu là để xây dựng trụ sở, trong đó kinh phí xây mới (hoặc hoán đổi) trụ sở Bộ GTVT lên tới 12 ngàn tỷ là quá “hớp”! Đang trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng thì đề án của Bộ GTVT thật khó thuyết phục!!! Hiện còn rất nhiều ngôi trường tranh tre nứa lá ở vùng khó khăn cần kiên cố hóa mà chưa tìm đâu ra kinh phí!
* Dấu hiệu có vẻ tích cực khi mùa tuyển sinh 2012, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào cao đẳng và trung cấp cao hơn các năm qua. Điều này cho thấy công tác tư vấn hướng nghiệp có hiệu quả khi các em HS nhận ra được thực lực của mình, không mù quáng đổ xô thi đại học! Phân luồng đào tạo là vấn đề lớn ngành cần quan tâm làm tốt để tránh lãng phí xã hội. Báo Giáo Dục năm nay “ra quân” với ba chương trình tư vấn tuyển sinh khá đồng bộ, dành cho các đối tượng HS: Giỏi, khá hoặc trung bình… tại 20 tỉnh thành, đậm nhất là tại TP.HCM. Chẳng hạn, đối với HS giỏi thì khuyến khích thi vào các trường đại học tốp trên; HS khá có thể thi các trường đại học tốp dưới hoặc cao đẳng; còn số HS học lực trung bình nên xác định vào học các trường trung cấp thì tốt hơn, sau này cũng có thể học liên thông lên cao đẳng hoặc đại học.
* Dư luận trong và ngoài ngành cũng vừa rất đau xót vì 5 HS của hai gia đình chết đuối! Có cha mẹ, gia đình nào chịu đựng được nỗi đau này chứ? Trước đó cũng có khá nhiều em chết đuối, có em vì cứu bạn mà phải hy sinh! Mùa mưa chỉ mới bắt đầu, chuyện trẻ chết oan vì sông nước chắc chưa hết. Năm nào hè đến cũng có quá nhiều HS chết đuối. Tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam không biết bơi quá lớn. Nước ta sát biển, vùng sông rạch nhiều, mưa lũ thường xuyên… Nên chăng ngành giáo dục, trong chiến lược mới đến năm 2020, có một chương trình quốc gia về dạy học bơi lội và kỹ năng ứng phó bão lụt?
* Thời điểm này, các trường đang bước vào đợt tổng kết năm học. Nên thực hiện việc tổng kết như một hoạt động mang tính khoa học. Cần khảo sát, đánh giá đúng tình hình hoạt động của nhà trường, xác định mặt mạnh mặt yếu, rút ra bài học kinh nghiệm, chuẩn bị giải pháp tích cực cho kế hoạch năm học tới. Biểu dương các gương người tốt việc tốt, nhân rộng các mô hình, điển hình một cách hiệu quả…
Các cấp quản lý ngành và trường còn vô số công việc phải làm trước và trong hè. HS còn thi cử, tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, các em yếu văn hóa còn phải học thêm… Nhưng cũng xin đừng quên mùa hè là mùa nghỉ ngơi, giải trí; là mùa du lịch để hiểu biết về đất nước con người; là dịp để cha mẹ đưa các em đi thăm quê ngoại, quê nội… vun đắp tình cảm gia đình yêu mến quê hương.
Hai Đức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)