“Ban đầu vào nghề, tôi không thể cột tóc cho trẻ gái, phụ huynh cảm thấy lo lắng, còn bây giờ thì thấy tôi có thể thắt bím cho các cháu đẹp chẳng kém gì các cô, bất cứ việc gì các cô làm được là tôi làm được…” – tâm sự của một thầy giáo mầm non.
Không có quy định nào cấm nam sinh thi vào ngành mầm non (MN), nhưng do định kiến xã hội nên hiện nay, không có mấy "thầy nuôi dạy trẻ”! Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN – Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định: "Trường MN rất mong có thêm những thầy giáo để tăng nam tính cho các bé trai. Thực tế cho thấy, trường nào có thầy là các bé vui hơn".
Sinh viên Nguyễn Hữu Toàn trong một giờ thực tập.
Kém gì các cô!
Chúng tôi vào lớp lá 3, Trường MN Vành Khuyên (Q. Thủ Đức, TPHCM) khi thầy giáo Trần Đỗ Hoàng Anh đang say sưa dạy cho trẻ về "thế giới thực vật".
"Bạn nào biết đó là lại rau gì nào?" – thầy hỏi. "Dạ súp lơ” – một học sinh (HS) trả lời. "Đúng rồi. Bạn Quân giỏi lắm. Nhưng nó là loại rau ăn lá, ăn củ hay ăn quả nè?"- thầy hỏi tiếp. "Dạ, rau ăn lá”. "Rau ăn lá thì xếp vào số mấy?". "Dạ số 1". "Vậy thì nối hình vào số 1. Có bạn nào xong chưa? Giơ tay lên!". Rất nhiều cánh tay giơ lên. Thầy khen "các con giỏi lắm" rồi hỏi tiếp: "Các con có được ăn súp lơ chưa?" -"Dạ chưa!". "Sao lại chưa. Thế trưa hôm qua mấy con ăn món gì?" – "Dạ thịt bò!". Thịt bò nấu với cái gì? -"Dạ súp lơ”- bạn khác trả lời. "Bạn trả lời đúng không các con?". Nhiều HS đồng thanh "dạ đúng"… Cứ như thế, giờ học vui nhộn như giờ chơi.
Đến giờ ăn trưa, thầy Hoàng Anh vừa chia cơm vừa mời từng nhóm bốn HS đi rửa tay. Khi HS đến nhận cơm, thầy hài hước: "mời quý khách", "chúc quý khách ngon miệng", hoặc nhắc nhở "ráng ăn nhanh để thành nhà vô địch!"… Khi hơn 30 HS của lớp đều đã có cơm, thầy hỏi: "Có ai trở thành nhà vô địch chưa?". "Dạ con ăn sắp xong rồi!", một bé trai trả lời… Thầy nhắc nhở: "Quý khách ráng ăn nhanh để nhà hàng chúng tôi còn bán cho người khác nha!", cả lớp cười vui.
Thầy Hoàng Anh là "thầy nuôi dạy trẻ” duy nhất của cả quận Thủ Đức. Cũng như bao cô nuôi dạy trẻ, mỗi ngày thầy có mặt tại trường từ 6g45 và bắt đầu "đón cháu, luôn miệng, luôn chân, luôn tay" cho đến 5g chiều. Buổi trưa, sau khi học trò đã ngủ, dù có hơn một tiếng để nghỉ, nhưng thầy thường phải tranh thủ làm sổ sách.
Thầy Hoàng Anh kể: "Ngày còn bé, tôi may mắn gặp được nhiều thầy cô giáo rất tận tình nên đã mê luôn nghề giáo. Lớn lên, tôi lại thích sự hồn nhiên của trẻ con, nên đã thi vào trường CĐ mẫu giáo. Ban đầu vào nghề, tôi không thể cột tóc cho trẻ gái, phụ huynh cảm thấy lo lắng, còn bây giờ thì thấy tôi có thể thắt bím cho các cháu đẹp chẳng kém gì các cô, bất cứ việc gì các cô làm được là tôi làm được, tôi được học trò "đeo" nhiều hơn, phụ huynh nói với tôi "yên tâm rồi". Nhờ mình là nam giới nên có sức khỏe để vui chơi với các cháu nhiều hơn. Khi các cháu được vui chơi nhiều, được giải tỏa nhiều, thì thể chất và tinh thần cũng phát triển tốt. Tôi tự hào là người ươm mầm cho sự nghiệp giáo dục. 5 năm đứng lớp, nỗ lực thật nhiều với công việc mà học trò thì lâu nhớ – mau quên… đã khiến tôi nản lòng. Nhưng cũng chẳng buồn được lâu, vì đám trẻ con lúc nào cũng quấn bên chân thầy tíu ta tíu tít như đàn gà con, khiến tôi quên ngay cực nhọc, lại "nhào vô” chơi với trẻ. Trẻ là nguyên nhân gây áp lực cho tôi, nhưng cũng chính là nơi tôi được giải tỏa áp lực".
Trường mầm non mong có thêm thầy
Thầy dạy trẻ không thua kém các cô, nhưng lại "hơi bị hiếm". Cụ thể, Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương TP.HCM (khoa GDMN) vốn là đơn vị chủ lực đào tạo giáo viên mầm non (GVMN). Tuy nhiên, trong cả ba khóa đang được đào tạo tại trường này, chỉ có một nam SV. Một địa chỉ đào tạo GVMN khác là khoa GDMN – Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhưng trong cả bốn khóa sinh viên đang học tại trường, cũng chỉ có một nam SV.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố có 48 "thầy nuôi dạy trẻ” trong tổng số 12.795 giáo viên MN ở cả các trường và nhóm lớp MN công lập và ngoài công lập. Hầu hết các thầy đều được đánh giá cao. Thầy Nguyễn Thiện Sơn 39 tuổi, sau 15 năm đã trở thành hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca 1 (Q.Phú Nhuận). Thầy Ngô Minh Thái – GV Trường MN Sơn Ca 11 (Q.Phú Nhuận) – sau 14 năm nỗ lực gắn bó với lớp, nay cũng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thầy Hoàng Anh, sau 5 năm nỗ lực công tác, đang chuẩn bị được đứng vào hàng ngũ Đảng. Ở Q.5 có ba thầy giáo MN, công tác tại ba trường MN 1, MN Sơn Ca, và MN 14B. Cô Nguyễn Thị Mai Hương – chuyên viên tổ MN – Phòng GD-ĐT Q.5, cho biết: ban đầu nhận các thầy về, chúng tôi áy náy lắm, nên gợi ý các trường bố trí để các thầy dạy mẫu giáo thôi, nhưng các thầy lại đòi dạy nhà trẻ (từ 24 – 36 tháng tuổi) – lứa tuổi mà chính các cô cũng e ngại. Không ngờ, các thầy lại chăm sóc, nuôi dạy các cháu rất tuyệt vời. Cô Hồng Thị Thanh Mai – tổ trưởng của thầy Trần Phương Bình (MN 1), nhận xét: "Thầy Bình nhiệt tình lắm, nhận dạy nhà trẻ nhưng làm được mọi việc như các cô”.
Nguyễn Hữu Toàn – sinh viên duy nhất của khoa GDMN – Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo Trung ương TPHCM cho biết: "Chọn học ngành này vì tôi rất yêu trẻ. Trong giáo dục, nếu trẻ chỉ có cô mà thiếu thầy thì cũng như có mẹ mà thiếu cha. Thực tế qua bốn đợt thực tập, tôi nhận thấy các bé rất quý mến mình.
Tôi nghĩ, nghề nuôi dạy trẻ sẽ cho tôi một cuộc sống chan hòa, trẻ trung, ít bon chen. Tôi đang thực tập kỳ cuối. Mọi công việc của người nuôi dạy trẻ như soạn giáo án, sổ công tác chủ nhiệm, theo dõi trẻ béo phì hoặc thiếu cân, chia thức ăn, lau nhà, cho trẻ ngủ, làm vệ sinh cho trẻ, kể khi trẻ mắc xương, ói mửa hoặc tiêu tiểu ra quần… tôi đều làm tốt".
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga – Hiệu trưởng Trường MN Vành Khuyên (Q.Thủ Đức) nhận xét: "Nghề nuôi dạy trẻ là nghề của nữ, nhưng khi những người thầy đã chấp nhận vào nghề này, chắc chắn họ có những phẩm chất đặc biệt, sẽ làm rất tốt công việc và sẽ chiếm được tình cảm của phụ huynh. Trường MN rất cần các thầy nhằm tạo sự cân bằng và đỡ đần cho các cô trong các phong trào văn thể mỹ, lễ hội, công tác xã hội… Tiếc là hiện nay nam giới đến với nghề chưa nhiều, "thầy nuôi dạy trẻ" đã trở thành những hạt ngọc của ngành".
Theo Minh Nhật/ Phụ nữ TPHCM
Bình luận (0)