Buổi tọa đàm “Chuyện thư pháp xưa và nay” diễn ra trong khuôn khổ của cuộc triển lãm thư pháp với chủ đề “Cội nguồn” do CLB Thư pháp Nhà Văn hóa Thanh niên tổ chức kỷ niệm 48 năm thành lập Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu mến nghệ thuật này. Buổi tọa đàm cũng đặt ra nhiều vấn đề thú vị, gợi mở cho sự phát triển thư pháp Việt trong tương lai.
Buổi tọa đàm “Chuyện thư pháp xưa và nay” do CLB Thư pháp Nhà Văn hóa Thanh niên tổ chức
Hồn xưa trong nét chữ hôm nay
Diễn giả khách mời là thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, hiện là Trưởng bộ môn Du lịch – Trường Đại học Tôn Đức Thắng, người đã có trên 20 năm gắn bó với bộ môn thư pháp Việt. Anh cũng là Chủ nhiệm đầu tiên CLB Thư pháp chữ Việt Nhà Văn hóa Thanh niên, là tác giả quyển sách nghiên cứu khá kỳ công “Thư pháp là gì?” vừa được tái bản. Diễn giả đã chia sẻ khái quát về lịch sử thư pháp Việt Nam từ thư pháp chữ Hán – Nôm đến thư pháp quốc ngữ hiện nay, như là một mạch ngầm tồn tại với thời gian, theo thăng trầm lịch sử của dân tộc. Anh cho biết, trong tiến trình văn hóa Việt Nam, có 3 lớp văn hóa, ứng với mỗi lớp văn hóa sẽ xuất hiện một loại văn tự. Từ chữ Việt cổ mang tên khoa đẩu, chữ “trước Hán” và “khác Hán” thuộc văn hóa bản địa, đến chữ Hán – Nôm (lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa) và chữ quốc ngữ (chữ La tinh, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây). Từ đây, hình thành nên nghệ thuật viết chữ – thư pháp ở từng giai đoạn với những đặc điểm, quan niệm thẩm mỹ khác nhau, tùy theo phong khí của thời đại.
Để trả lời cho câu hỏi “Khi nhắc đến thư pháp, dường như chỉ biết đến thư pháp chữ Hán. Như vậy, cái gọi là thư pháp chữ Việt (hoặc chữ quốc ngữ) như hiện nay có hay không ?”, diễn giả đã đưa ra lập luận khá thuyết phục rằng: “Trên bình diện rộng, thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp, là môn nghệ thuật đi tìm cái đẹp, cái hồn nơi mỗi chữ, mỗi câu. Xét như thế, mỗi dân tộc trên thế giới có văn tự riêng, đều có thể tạo ra thư pháp cho riêng mình. Tuy vậy, sự phát triển của thư pháp cũng như quan niệm về giá trị thẩm mỹ của mỗi nước tùy thuộc vào yếu tố trí tuệ, đời sống tinh thần và văn hóa xã hội ở nước đó. Và vì thế, nghệ thuật thư pháp ở mỗi nước sẽ tạo nên những nét đặc trưng riêng trên nền tảng bản sắc dân tộc của họ”.
Thật vậy, ngôn ngữ, chữ viết là tinh thần văn hóa dân tộc. Và có thể nói rằng tiếng Việt, chữ Việt là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc dân tộc Việt. Chính nhờ ngôn ngữ mẹ đẻ mà truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ký ức của cộng đồng được gìn giữ, nâng niu và tâm hồn của mỗi người dân như những hạt phù sa sẽ chung sức bồi đắp nên tâm hồn dân tộc. Vì vậy, nếu làm đẹp ngôn ngữ, làm đẹp chữ viết tiếng Việt thì sẽ tạo nên nét đẹp văn hóa cho dân tộc.
Diễn giả Nguyễn Hiếu Tín (thứ 9 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trẻ tại buổi tọa đàm
Ở buổi chia sẻ, cũng là dịp các bạn trẻ biết thêm về những bậc tiền bối đã góp phần lớn trong phong trào thư pháp Việt từ những năm đầu tiên của thế kỷ này như: nhà thơ Trụ Vũ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Chính Văn, Bùi Hiến, Song Nguyên, Nguyễn Thiên Chương, Y Sa, Thanh Sơn, Nguyệt Đình… đến thế hệ của anh Hiếu Tín, Đăng Học, Thanh Hải, Giang Phong, Hoa Nghiêm… và các bạn trẻ ngày nay. Ở mỗi thế hệ, có mỗi phong cách, quan niệm riêng về thẩm mỹ trong thư pháp Việt. Nhưng quan trọng nhất là cái tình, sự thấu hiểu, biết lắng nghe và học hỏi tiếp thu từ thế hệ trẻ. Với sự trân trọng kế thừa và phát triển vốn văn hóa truyền thống, làm chủ cái gốc của mình, đồng thời trân trọng vốn di sản của nghệ thuật nhân loại, các “anh tân đồ” ngày nay đã cố gắng tạo nên những tác phẩm thư pháp đặc sắc, không chỉ tạo những ấn tượng thị giác và xúc cảm thẩm mỹ sâu sắc mà còn có sức thu hút và làm ngạc nhiên nhiều bạn bè quốc tế. Góp phần giúp thư pháp chữ Việt đã định hình được phong cách, mang đậm hồn xưa trong nét chữ hôm nay.
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Có lẽ, thú vị nhất của buổi chia sẻ, tọa đàm về chủ đề này là rất nhiều câu hỏi lý thú đặt ra, những thắc mắc từ những ông đồ trẻ, mang tính sâu sắc, thực tiễn và gợi dẫn nhiều khía cạnh hay, nhiều vấn đề mới: Như thế nào là một bức thư pháp đẹp? Vì sao phong cách viết thư pháp của những người trẻ hiện nay đa số là giống nhau, không có nét riêng như các bậc tiền bối? Phải chăng thư pháp ngày nay thiên về thị trường, thương mại nhiều hơn? Giá trị của một tác phẩm thư pháp Việt nằm ở đâu? Khi công nghệ AI phát triển có ảnh hưởng đến nghệ thuật thư pháp không? Lâu nay, nghiên cứu về thư pháp thường chỉ tìm hiểu về người viết, còn thị hiếu, tâm lý của người xin hay mua chữ thì như thế nào? Tương lai của thư pháp chữ Việt sẽ ra sao?
Trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật thư pháp vừa tạo nên những nét sống đẹp cho nhân sinh, vừa thể hiện được những ý tưởng, kinh nghiệm cổ kim. Nó quả là một môn học tốt, đủ làm phương dược hay để điều tiết tâm hồn con người. Nó giáo dục con người tình yêu dân tộc, đất nước, thêm tự hào về óc sáng tạo của tổ tiên và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cũng như nhân sinh quan lành mạnh theo một tinh thần nhân văn trong sáng, nói như David Kosofsky, khi ông viết về thư pháp hiện đại của Hàn Quốc: “Ông đồ vẫn còn đó nghĩa là nền nếp xưa vẫn còn được duy trì trong xã hội, nó không những không ràng buộc sự tiến lên của người dân Hàn Quốc, mà còn là cái thắng để hãm đà tuột dốc xã hội”. |
Thông qua những câu hỏi của người trẻ, yêu mến nghệ thuật thư pháp đã thấy được mối quan tâm ngày càng lớn, sâu sắc hơn so với việc chơi thư pháp thuở ban đầu. Nghệ thuật thư pháp người xưa hình thành một cách vô tình, tự nhiên mang nhiều xúc cảm, những nét vung bút tài hoa, lãng tử của các văn nhân như một khoảnh khắc của tâm trạng, một nét chạm của tâm hồn, không cần cầu kỳ hoa mỹ, không bó chặt ở những kỹ thuật bút vặn, giấy, nghiên… mà là một tâm hồn khoáng đạt. Nhưng nghệ thuật khi phát triển, thì ngày càng cần chuyên nghiệp hơn, hình thành nên nhiều phong cách, trường phái, lớp lang, bày biện, nên tính tài tử sẽ nhường chỗ cho những nguyên tắc, xuất hiện tư duy phân tích, cập nhật tinh hoa của nhân loại, khiến cho bộ môn sẽ đa dạng hình thái, phong phú về sáng tác và tiến dần đến sự sàng lọc tự nhiên, để đạt đến chỗ tinh túy.
Hoa Thư
Bình luận (0)