Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chuyển tiền liên ngân hàng, khách hàng chờ lâu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngân hàng (NH) thực hiện chuyển tiền cho khách hàng nhưng lại không cam kết khi nào tiền đến tay người nhận, mặc dù đã có hệ thống thanh toán điện tử liên NH. Tình trạng trên xảy ra khá phổ biến tại nhiều nơi, khiến không ít người lỡ công việc, mất cơ hội làm ăn…
Các NH không thể trả lời dứt khoát khi nào tiền đến vì nhiều lý do. Tuy nhiên có trường hợp tiền đã đến nhưng NH chi trả “neo” lại. 

Tiền chuyển đi nhanh hay chậm còn phụ thuộc nguồn vốn của ngân hàng.  

Ảnh: T.Đạm (Tuổi Trẻ).

Liên tỉnh: mất 5 ngày
 "Do cần vốn gấp nhiều ngân hàng mượn tạm của người chuyển tiền để thanh toán"

Bà T.T.T.T. (P.2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, vừa qua, bà đến quầy giao dịch một NH thương mại nhà nước chi nhánh Vũng Tàu chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản thẻ ATM Agribank cho người thân ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nhân viên cho biết, “một hai ngày tiền sẽ đến tài khoản người nhận”, nhưng ba ngày sau gọi điện kiểm tra người nhà nói vẫn chưa nhận được tiền.

Cầm chứng từ lên NH khiếu nại, NH nơi chuyển cho biết, tiền đã vào tài khoản nhưng người thân của bà phải chờ thêm một ngày nữa mới nhận được tiền. “Như vậy, chuyển tiền liên tỉnh mất đến năm ngày chứ không phải một hai ngày như nhân viên NH nói” – bà T. bức xúc.
Ông N.M. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đến quầy giao dịch một NH cổ phần lớn chuyển 100 triệu đồng về quê cho người thân sửa nhà. Nhân viên NH hẹn tối đa hai ngày tiền sẽ đến NH, nhưng không trả lời chính xác bao giờ tiền đến tay người nhận với lý do còn phải tùy thuộc NH nơi nhận.
“Có khi tiền đến rồi nhưng phải qua ngày hôm sau NH mới báo có. Khi đó người nhận mới rút được tiền”, nhân viên NH giải thích.
Ông H.T., kế toán một ban quản lý dự án tại TP.HCM, cho biết, đến kỳ trả lương, dù bộ phận kế toán đã lập bảng lương và chứng từ ủy nhiệm chi gửi sang Kho bạc thành phố làm thủ tục chuyển tiền cho NH, thế nhưng, có tháng nhân viên phải chờ hai ba ngày sau tiền mới về tài khoản. Thắc mắc, lần nào ông cũng được NH giải thích do kho bạc làm thủ tục chậm. Hỏi kho bạc thì lại trả lời tiền đã đến nhưng NH còn “neo” lại.
Chậm trễ, vì sao?
Lãnh đạo một NH cổ phần thừa nhận, họ có thể cam kết được với khách hàng chuyển tiền về thời gian và địa điểm, nhưng đôi lúc máy móc, đường truyền trục trặc. Do vậy, để chắc ăn nhân viên NH cứ trả lời chung chung là “khoảng một hai ngày”.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều nguyên nhân khác. Theo giám đốc một chi nhánh NH ở quận 9, TP.HCM, việc chậm trễ có nguyên nhân từ năng lực của từng NH. Tại một số NH lớn nếu chuyển trong nội bộ hệ thống, tiền ngay lập tức tới tài khoản người nhận.
Tuy nhiên, với NH khác phải đợi một buổi hoặc một ngày do hệ thống NH nhỏ chưa cho phép chuyển đến thẳng tài khoản người nhận mà gộp tất cả vào tài khoản chung. Sau đó, nhân viên NH phải làm thao tác “ngắt” từng món để cho vào tài khoản riêng từng khách hàng. Hệ thống NH nhỏ cũng không kiểm soát ngay được sai sót, do vậy đôi khi đến khâu cuối cùng mới kiểm tra được và báo cho người gửi điều chỉnh rất mất thời gian.
Hệ thống thanh toán vẫn chưa đồng bộ, có NH vẫn còn làm thủ công. Một lãnh đạo Agribank cho biết nhiều NH địa phương chưa nối mạng trực tiếp, trong khi chuyển tiền điện tử chỉ về cấp tỉnh. Do vậy NH phải thuê đường truyền bưu điện. Nhân viên điểm giao dịch NH tuyến huyện, xã lại thường đợi một gói chuyển tiền đến mới chi trả một lần cho đỡ mất công. Có NH mỗi lần nhận một gói cả trăm khoản tiền chuyển đến nên thời gian hạch toán, phân bổ cho từng tài khoản, báo cho người nhận tiền kéo dài.
Một lý do khác làm chậm quá trình chuyển tiền là nhiều NH áp dụng thanh toán bù trừ thay vì thanh toán điện tử để giảm chi phí phải nộp cho NH Nhà nước. Với thanh toán bù trừ NH phải tự nhập lệnh, sau đó đến NH Nhà nước cân đối số tiền chuyển đến, chuyển đi, trong khi thanh toán điện tử hệ thống máy móc có thể làm thay việc này.
Tuy nhiên bù lại phí thanh toán bù trừ rẻ hơn rất nhiều so với thanh toán điện tử. Phí giao dịch bù trừ giá trị dưới 500 triệu đồng hiện nay là 3.000 đồng/món. Trong khi đó phí thanh toán điện tử liên NH món thanh toán thấp nhất là 18.000 đồng, cao nhất 250.000 đồng/món.
Hiện NH Nhà nước quy định kết thúc giờ nhập lệnh giao dịch bù trừ là 10 giờ (phiên sáng) và 15 giờ (phiên chiều). Như vậy nếu khách hàng chuyển trước giờ kết thúc nhập lệnh buổi chiều, tiền vẫn có thể đi trong ngày. Tuy nhiên sau giờ này tiền sẽ bị treo đến ngày hôm sau. Đó là chưa kể trong trường hợp xảy ra lỗi trong quá trình thanh toán bù trừ giữa các NH tiền có thể đi chậm hơn.
Lỗi tại con người
Một cán bộ nguồn vốn NH tiết lộ sự chậm trễ trong chuyển tiền cũng mang tính thời điểm. Do cần vốn gấp, nhiều NH mượn tạm của người chuyển tiền để thanh toán. Nhất là những thời điểm lãi suất liên NH cao. “Số tiền chuyển khoản của từng khách hàng là không lớn nhưng nhiều khoản gộp lại thành số tiền lớn”, ông này nói.
Do vậy nhiều NH vẫn thường sử dụng vốn này để tiết kiệm chi phí. Trong một số trường hợp món tiền chuyển bị chậm do NH lấy tiền từ tài khoản này bù đắp cho tài khoản khác, kéo thời gian chuyển tiền dài thêm vài giờ hoặc cả ngày.
Theo ông Trần Đình Cường – trưởng phòng tin học NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tiền chuyển đi nhanh hay chậm còn phụ thuộc nguồn vốn của NH. Trường hợp cân đối số tiền chuyển đến với số chuyển đi bị thâm hụt NH phải nộp thêm tiền vào tài khoản hoặc phải vay NH Nhà nước để cân bằng trạng thái.
Trong trường hợp này, để tiết kiệm chi phí NH thương mại thường rút bớt lệnh chuyển tiền đi có giá trị nhỏ để lại đến ngày hôm sau. Nhiều NH chuyển trước những khoản tiền phải chuyển nhanh, còn lại để đến hôm sau. Theo ông Cường, đó cũng là lý do các NH thương mại chỉ cam kết thời gian với khách hàng chuyển những món tiền lớn, còn món nhỏ thường không trả lời dứt khoát.
Theo Hải Nam – Nguyễn Lê
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)