Hội nhậpThế giới 24h

Chuyện tình của công chúa Na Uy và hôn phu dân thường

Tạp Chí Giáo Dục

Công chúa Na Uy Martha Louise từ bỏ danh hiệu cao quý để theo hôn phu dân thường gốc Phi.
Với vẻ mặt rạng rỡ, Martha Louise mỉm cười thân thiện trước ống kính, thông báo một tin không vui mấy cho người dân Na Uy: Cô từ chối thực hiện các nghĩa vụ chính thức của công chúa và sẽ không còn đại diện cho hoàng gia nữa.
Công chúa Na Uy Martha Louise và hôn phu Durek Verrett.
“Tôi đưa ra quyết định này sau khi đã tham khảo ý kiến ​​của cha mẹ tôi, đức vua và hoàng hậu, để duy trì hòa bình và sự yên tĩnh xung quanh gia đình hoàng gia” – Martha Louise giải thích quyết định của mình.
Hôn phu gốc Phi
Công chúa vừa tuyên bố đính hôn với một pháp sư 47 tuổi, là người thầy tinh thần cho các ngôi sao Hollywood. Chuyện tình cảm của họ được công khai vào tháng 5 năm 2019. Trong khi một số người mừng cho Martha Louise – người đã bước qua ngưỡng 50 – thì lại có những người chỉ trích, cáo buộc cô sử dụng danh hiệu này nhằm lợi ích thương mại.
"Mỗi khi một thành viên trong gia đình hoàng gia tuyên bố đính hôn đều thu hút rất nhiều sự chú ý và kèm theo đó là những dư luận tiêu cực. Lần này cũng vậy. Vì vậy, tôi hy vọng rằng, quyết định của tôi sẽ làm rõ hơn vai trò của cá nhân mình, một mặt, tôi là con gái của đức vua, còn mặt khác là một chủ doanh nghiệp và là một cá thể độc lập" – Martha Louise nói.
Theo yêu cầu đặc biệt của quốc vương, Martha Louise vẫn sẽ giữ lại tước vị của mình và vẫn là chủ tịch hội đồng quản trị quỹ riêng của cô. Đáng chú ý là chàng rể tương lai – pháp sư Durek Verrett – sẽ trở thành thành viên của gia đình hoàng gia sau đám cưới, tuy nhiên, anh sẽ không được nhận được bất kỳ danh hiệu nào và sẽ không đại diện cho vương miện Na Uy.
Tình yêu vô điều kiện
Hoàng gia Na Uy đã quá quen thuộc với tình trạng không môn đăng hộ đối. Người chồng đầu tiên của Martha Louise là nhà văn kiêm nhà biên kịch Ari Behn. Để kết hôn với ông, công chúa đã phải từ bỏ một số đặc quyền của hoàng gia, chẳng hạn như không được gọi là "công chúa" và mất khoản trợ cấp hàng năm lên đến 1 triệu USD.
Họ đã kết hôn được 14 năm và nuôi dạy ba cô con gái. Nhưng đến năm 2016, cặp đôi bất ngờ chia tay đường ai nấy đi. Không ai rõ lý do ly hôn là gì. Tuy nhiên, hai vợ chồng cũ vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp, bất chấp việc Martha Louise có quan hệ tình ái với pháp sư Durek.
Công chúa Na Uy Martha Louise và hôn phu Durek Verrett.
“Khi gặp được người bạn tâm giao của mình, bạn sẽ hiểu điều đó. Tôi đã may mắn gặp được chính bản thân mình. Durek đã thay đổi cuộc đời tôi, cũng như anh ấy đã làm việc đó cho nhiều người. Anh ấy đã giúp tôi hiểu ra tình yêu vô điều kiện thực sự tồn tại trên hành tinh này” – công chúa viết trên trang Instagram của mình.
Lúc đầu, Martha Louise tham gia học những bài học riêng từ Durek, giống như nhiều ngôi sao Hollywood khác, nhưng rồi đến lúc mối quan hệ của họ đã đạt đến một cấp độ khác. Nhưng tình yêu của họ đã bị lu mờ bởi một bi kịch là tin về cái chết của Ari Behn. Martha Louise rơi vào trạng thái trầm cảm, rồi từ đó bạn trai mới đã giúp cô hồi phục.
Đối thoại với những thiên thần
Công chúa Na Uy đã nhiều lần tuyên bố về khả năng độc đáo của mình. Cô tự thú rằng, cô nghe thấy tiếng nói của các thiên thần và cả khi giao tiếp với các con vật. Sau khi ra mắt một nền tảng giáo dục dành cho trẻ em vào năm 2007, cô mong muốn giúp cho trẻ khám phá nguồn chân lý bên trong và làm mới mối liên hệ với vũ trụ thần thánh. Nghịch lý là ở chỗ, Martha Louise là một bác sĩ có chứng chỉ hẳn hoi, một nhà vật lý trị liệu giàu kinh nghiệm.
Cùng với pháp sư Durek Verretta, công chúa đã đi khắp thế giới với các bài giảng và hội thảo về phát triển bản thân và đạt được sự hòa hợp nội tâm.
Vua Na Uy trấn an công chúng
Chàng rể tương lai của hoàng gia đã trở thành cái cớ gây tranh cãi của xã hội Na Uy. Vì cam kết có thể chữa bệnh không cần thuốc, Durek bị gọi là lang băm. Durek tự nhận mình là pháp sư đời thứ sáu, tuyên bố đã dự đoán về vụ tấn công khủng bố 11.9 hai năm trước khi nó xảy ra.
Khi cố gắng giải thích sự độc đáo của mình với người Na Uy, Durek tự so sánh mình với Albert Einstein và Thomas Edison, nói rằng, vào thời các ông đang sống, cũng không ai hiểu và đánh giá cao họ là những thiên tài.
Do đó, gia đình hoàng gia buộc phải tiến hành các cuộc trò chuyện mang tính giáo dục với pháp sư và giải thích cho Durek về vai trò của chế độ quân vương ở Na Uy. Những "bài giảng" như vậy đã có tác dụng: Durek bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn trong bộ vest công sở và thay đổi cách hùng biện của mình.
Vua Harald V trấn an công chúng. "Durek là một chàng trai tuyệt vời, nói chuyện với cậu ấy rất vui. Cậu ấy có khiếu hài hước. Tôi nghĩ rằng, cả chúng tôi và cậu ấy đã bắt đầu hiểu nhau hơn. Chúng tôi không đồng thuận về mọi thứ, nhưng chúng tôi có thể chung sống với những khác biệt này" – Vua Harald V nói với các phóng viên.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)