Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện tình trong bom đạn!

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là câu chuyện tình đẹp nhưng cũng vô cùng trắc trở của người cán bộ quân báo Đinh Khắc Cần và cô nữ sinh Trường Áo tím Trần Thị Thanh.

Ông Đinh Khắc Cần và bà Trần Thị Thanh hồi trẻ

Sức mạnh của tình yêu

Năm nay người cựu chiến binh Đinh Khắc Cần đã bước sang tuổi 82. Căn bệnh tim đã làm cho cơ thể ông suy giảm nhưng nụ cười và niềm vui của chàng trai thời tuổi trẻ hầu như chẳng có chút nhạt phai nào. Với người vợ 79 tuổi, ông vẫn là người chồng mang nhiều đức tính tốt và lúc nào cũng một lòng thương yêu bà.

Ra Bắc tập kết năm 1954, chàng trai 20 tuổi Đinh Khắc Cần mang theo nỗi nhớ gia đình, quê hương vào tận đáy lòng. Và một nỗi nhớ thương da diết hơn là một tình yêu đầu đời với cô nữ sinh Trường Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai). Cũng vì nhiệm vụ bí mật nên ông cũng chỉ cho biết chuyến này đi xa chứ không nói cụ thể đi đâu làm bà phải mòn mỏi đợi chờ. Chiến tranh loạn lạc gia đình ly tán nhưng không ngăn cản được bước chân của cô gái. Biết quê ông ở tận Bến Tre nên bà quyết tâm về tìm nhà bà ngoại của ông để lần ra manh mối. Trên tay cầm tấm hình may mắn còn giữ được, bà hỏi thăm từ người này đến người khác cuối cùng rồi cũng được toại nguyện. Biết được sự thật bà không hề trách móc mà càng quý ông hơn vì nhiệm vụ mà hy sinh tất cả. Bắt đầu từ đó bà chỉ biết tâm sự với ông qua những cánh thư dù có khi mấy tháng trời mới tới nơi. Nhắc tới chuyện này, ông hồi tưởng: “Cũng nhờ có thư của bà gửi ra tôi mới biết tin ba mất. Đó là vào năm 1962. Nhưng vì giới tuyến chia cắt nên chỉ biết thương cha trong nước mắt xa vời vợi”.

Vợ chồng ông Cần bà Thanh lúc về già (ảnh nhân vật cung cấp)

Câu chuyện đi tìm người yêu cũng giống như một thiên tình sử thời bom đạn mà đến nay bà Nguyễn Thị Thanh vẫn còn nhớ như in. 

Hai năm sau ông được lệnh trở vào Nam hoạt động: “Tôi lấy bí danh Đỗ Nam Hà có nghĩa là người con Nam bộ sống trên đất Hà Nội. Chuyến đi đó vô cùng gian lao nhưng đầy kỷ niệm tôi nhớ có BS Thúy Ba, NSND Thanh Hoa, NSƯT Tô Lan Phương đi cùng”. Theo lời kể của ông Cần, cứ tưởng đi B là có cơ hội gặp được người thân và cô nữ sinh trường áo tím năm nào nhưng do tổ chức phân công hoạt động bí mật nên ông phải mang vỏ bọc khác. Tuy nhiên chiến tranh không ngăn được tình yêu chung thủy của người con gái năm nào. Khi nghe tin ông vào chiến khu, bà lại tìm cách liên lạc với cơ sở để gặp lại người xưa năm cũ. Câu chuyện đi tìm người yêu cũng giống như một thiên tình sử thời bom đạn mà đến nay bà Nguyễn Thị Thanh vẫn còn nhớ như in.

Đám cưới trong rừng sâu

Cầm tấm ảnh trên tay, bà bồi hồi kể: “Nhờ tấm hình của ông mà tôi đã tìm về được quê ngoại của ông ở Bến Tre. Và cũng nhờ nó mà tôi tìm được ông ở trong chiến khu qua những lần dò la manh mối”. Nói sao hết nỗi vui mừng khi đôi trai gái cách xa nhau hơn 10 năm trời. Vẫn còn vẹn nguyên tình yêu chung thủy và sự đợi chờ mòn mỏi của người ở lại dù đôi lúc như “mò kim đáy bể”. Theo ông kể, lúc đó nhờ bà Chín Kia vợ của ông Trần Văn Kiểu sắp xếp mà họ đã gặp nhau ở căn cứ Củ Chi. Dù thời gian cách xa quá lâu nhưng niềm tin vào ngày gặp mặt đã thành sự thật trong nỗi vui dâng trào nước mắt và hạnh phúc khó nói hết thành lời của hai trái tim chung một lời thề. Chiến tranh khốc liệt mà vẫn có một đám cưới đơn sơ giữa rừng có cả hai bên gia đình. Cô dâu chú rể mặc đồ bà ba và căn hầm địa đạo nằm sâu dưới lòng đất đã chở che hạnh phúc đêm tân hôn của họ. Một năm sau khi biết mình có mang, bà bàn bạc với gia đình làm một đám cưới giả để hợp thức hóa tránh sự dòm ngó của kẻ địch: “Trước ngày cưới, gia đình tôi đã nhờ người quen ở vùng 1 ngoài miền Trung đánh về một bức điện tín với nội dung: “Ngày cưới chú rể không về được vì bận công vụ” nhằm hợp thức hóa. Thế là khách dự chấp nhận đám cưới không có mặt chú rể. Họ nhà trai nói lời xin lỗi quan khách”. Tuy nhiên tất cả các màn kịch đó không qua được cặp mắt cú vọ rình ngó của bọn mật thám nên một năm sau cả hai vợ chồng bị bắt vào khám dù lúc đó bà đã mang thai. Cuộc sống trong nhà lao đối với một sản phụ thật khó khăn gấp bội nhưng nhờ anh em đồng chí cưu mang bà đã qua cơn “vượt cạn”. Do bị bệnh thận nhiễm mỡ bẩm sinh nên đứa con trai đầu lòng của ông bà chỉ sống đến 6 tuổi. Năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết, ông mới trở về đoàn tụ với vợ con sau 6 năm lưu đày ở Côn Đảo. Nghị lực của đôi vợ chồng được lấy lại khi ra tù bà sinh tiếp cho ông một cô con gái vào năm 1973 và cậu con trai vào năm 1974.

Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)