Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyển từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong khuôn khổ phiên họp thứ 53 của Ủy ban sáng nay 23-2.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo

Kiên quyết gỡ bỏ những quy định cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh
Thừa ủy quyền trình bày báo cáo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu nhận định khái quát: Chính phủ nhiệm kỳ này đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo tinh thần kiến tạo, phục vụ, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đáng lưu ý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. 5 năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hơn 5.000 cuộc họp, làm việc với các bộ, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học… để tham vấn, hoạch định chính sách, pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, báo cáo khái quát.
Về kết quả cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển.
Với quyết tâm kiên quyết gỡ bỏ những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và để đáp ứng yêu cầu hội nhập, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết được Chính phủ đánh giá là có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều văn bản được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.
Chính phủ đã ban hành 752 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 234 quyết định quy phạm pháp luật; số văn bản quy định chi tiết trong giai đoạn 2016 – 2020 có thời điểm không nợ văn bản nào, đến ngày 31-12-2020 chỉ còn 6 văn bản chậm ban hành, mức thấp nhất từ trước đến nay…
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng xin điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc xin bổ sung dự án luật còn nhiều, trong khi đó nhiều dự án có trong chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình. Việc chuẩn bị một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm; việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Phối hợp xử lý công việc giữa các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, một số trường hợp trách nhiệm chưa cao, thiếu chủ động trong trao đổi, giải trình dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu thống nhất, đồng thuận nên kéo dài thời gian xử lý công việc liên quan đến chức năng của nhiều bộ, cơ quan hoặc xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Một số vướng mắc, bất cập của chính sách, pháp luật đã được phát hiện nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời…
Bên cạnh đó, bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả chưa cao; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, nhất là năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết còn hạn chế.
Công tác phối hợp triển khai chính sách, pháp luật trong nhiều trường hợp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý, điều hành một số lĩnh vực chưa hiệu quả, phản ứng chính sách có mặt còn chậm. Công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá và tổng kết thực tiễn còn hình thức, chưa thiết thực.
Cơ bản đồng tình với nhận xét được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, song đại diện cơ quan thẩm tra Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc đề xuất xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong một số lĩnh vực còn có bất cập, chưa kịp thời.
Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có được cải thiện, nhưng vẫn chưa triệt để, điển hình là Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuy nhiên, đến ngày 31-12-2020, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020.
Được phân công cùng tham gia thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần đánh giá thêm về nhận định “đã giảm dần tình trạng xin rút, lùi các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vì số lượng văn bản xin điều chỉnh trong nhiệm kỳ này giảm về số lượng, nhưng lại tăng về tỷ lệ so với tổng số văn bản trình Quốc hội (từ 17,71% trong nhiệm kỳ 2011 – 2015 lên 19,49% trong nhiệm kỳ 2016-2021).
Phát huy mạnh mẽ tinh thần kiến tạo, hành động
Trong điều hành cụ thể, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận, nhiệm kỳ này Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, 5 năm qua, việc thực hiện phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ đã mang lại những kết quả rõ nét trên 3 khía cạnh.
Một là, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Kết quả, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam tăng 20 bậc (xếp thứ 70/190 quốc gia); về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam tăng 10 bậc trong giai đoạn 2018 – 2020 (xếp thứ 67/141 quốc gia).
Hai là, xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử; đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng và cải cách mạnh mẽ việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Kết quả chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016, xếp thứ 86/193 quốc gia, xếp thứ 6 trong ASEAN.
Ba là, tiếp nhận, xử lý, trả lời nhanh chóng, kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
ANH PHƯƠNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)