Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyện vào nghề của tôi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày vào Báo Giáo Dục TP.HCM tôi chỉ là một nhân viên và chưa từng viết báo, nhưng đọc báo, rồi tôi đâm ra ghiền báo và bắt đầu tập tành viết những bài viết đầu tiên. Tôi vào nghề báo cũng thật tình cờ và những người thầy giúp tôi vào nghề báo không phải là ở giảng đường nơi tôi học mà chính là các anh chị phóng viên, biên tập viên và Ban biên tập tại tòa soạn. Cố gắng rồi những bài viết đầu tiên của tôi cũng được lên trang với sự hồi hộp chờ đợi ngày báo in ra. Để được một bài lên khuôn báo tôi đã phải vất vả cả tuần chạy khắp nơi với sự động viên của những người anh cùng cơ quan lúc bấy giờ.

Hôm nay nhìn lại, cám ơn các anh chị trong Báo Giáo Dục TP.HCM đã cho tôi cơ hội rèn luyện để theo nghề chữ nghĩa, giảng đường đưa tôi đến nghề báo để tôi gửi gắm những nỗi niềm, những vấn đề thời sự mà cuộc sống mang đến mỗi ngày. Báo cũng là nơi gửi gắm những nhân vật của tôi đến độc giả. Vì vậy, cứ mỗi sáng sớm lên cơ quan, điều đầu tiên là tôi tìm tờ báo thấy bài viết của mình, tôi sung sướng lắm.
Duyên may cho tôi được đi học lớp phóng sự chuyên sâu do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, tại đây tôi đã gặp lớp người thầy thứ hai mà tên tuổi đã trở thành các cây đại thụ trong làng báo đã dạy tôi rằng “viết báo là viết bằng cái tâm, bằng tình yêu và lòng say mê của mình”. Mới nghe qua tôi không hiểu được những điều to tát đó, khi đọc lại những tác phẩm báo chí của các nhà báo đi trước, tôi càng thấm thía hơn. Rồi tôi bắt đầu trau dồi kiến thức thêm về các thể loại: viết tin, phản ánh, ghi nhận, phỏng vấn, phóng sự và phóng sự điều tra…. Càng học tập, càng viết tôi mới “vỡ” ra nhiều chuyện và tôi ý thức rõ rằng nếu muốn bước vào nghề báo, phải học hỏi nhiều nữa. Giờ đây tôi có thẻ nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và cũng có cả giải báo chí, nhưng tôi cũng chỉ là người tập tễnh vào nghề báo so với các nhà báo hiện nay. 
Nghề báo còn cho tôi nghe từng nhịp đập, hơi thở của cuộc sống một cách gấp gáp, đã cho tôi cảm xúc đau với nỗi đau của nhân vật mình viết. Giờ đây được Ban biên tập giao phụ trách công việc phát hành và sự kiện của báo, tôi không còn nhiều cơ hội để viết, để trải lòng trên mỗi trang báo. Nhưng tôi vẫn sẽ viết và xem đó là cái nghiệp của mình mỗi khi có cơ hội. Và tôi biết làm báo không chỉ có phóng viên mà còn nhiều người phía sau những trang viết đó. Hôm nay trong công việc của tôi có thêm một niềm vui mới khi thấy Báo Giáo Dục được treo trên các sạp báo, niềm vui được bạn đọc gọi điện đến đặt báo mỗi buổi sớm. Và vui hơn nữa khi các chương trình sự kiện được hàng chục ngàn học sinh, thầy cô giáo quan tâm. Trên công việc mới tôi có thêm động lực như thế để theo nghiệp báo của mình.
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)