Người có bằng cấp, muốn tìm việc làm, đã đi tìm việc làm nhưng chưa tìm được liệu có lỗi gì không? Hay thực tế là lỗi của cơ sở đào tạo đã không tính toán đúng nhu cầu xã hội, hoặc là lỗi của các cơ quan, doanh nghiệp không tìm đúng người có năng lực?
Sinh viên tham gia phỏng vấn ứng tuyển việc làm tại Ngày hội phỏng vấn tuyển dụng 2016 vừa tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ảnh: M.Tâm |
Nói về chuyện 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, có lẽ có cả lỗi của toàn xã hội, của người sử dụng lao động, của các cơ quan quản lý, của các cơ sở đào tạo…, và dĩ nhiên, có cả lỗi của người đang… thất nghiệp!
1. Bản thân người đi học khi chọn trường, chọn ngành phải xác định được mình có thực sự phù hợp với ngành nghề đó hay không. Một người muốn học kế toán nhưng không thực sự nhạy với các con số, các tính toán, ít lấy sự chính xác làm thước đo thì có lẽ nên chọn một công việc khác. Một người muốn theo nghề sư phạm nhưng hình thể có khiếm khuyết, không tự tin trước đám đông thì rất khó trở thành giáo viên. Một người muốn làm bác sĩ nhưng điều kiện gia đình lo cho việc học dài hạn gặp khó khăn thì có lẽ nên chọn ngành học nào ngắn hơn, ít đòi hỏi sự tập trung cao, để có thể bảo đảm việc học hoặc vừa đi học vừa đi làm thêm…
Dĩ nhiên, những lý do này không phải là tuyệt đối, bởi người học có thể khắc phục được bằng nhiều cách, nhất là qua sự nỗ lực vượt khó của bản thân, nhưng nói đến sự phù hợp còn có cả sự đam mê, mà nếu thiếu thì rất khó trụ được với nghề nghiệp đó. Tức là, khi đã chọn học một ngành nào đó, ta phải tìm hiểu kỹ để về cơ bản là sẽ theo đuổi được với ngành nghề đó. Phải hết sức tránh việc chọn nhầm, sau đó phải điều chỉnh thì rất lãng phí thời gian, tiền của và công sức.
Thất nghiệp có thể coi là hệ quả của nhiều nguyên nhân, từ việc thiếu định hướng đào tạo, điều kiện kinh tế – xã hội đang thay đổi hoặc có nhiều khó khăn, và nhất là do sự thể hiện của từng cá nhân. |
2. Một cái lỗi khác liên quan đến việc tập trung học tập trong quá trình theo học. Một số người có tâm lý học vừa đủ điểm hoàn thành (đủ điểm 5) mà không chú trọng việc học nghiêm túc để lấy kiến thức thực sự. Không phải người học giỏi nào cũng thành công trong công việc, nghề nghiệp nhưng tuyệt đại đa số những người học nghiêm túc sẽ tích lũy được những kiến thức cần thiết để họ có thể theo đuổi được với nghề và họ sẽ có đủ tự tin để làm công việc liên quan đến nghề nghiệp của mình. Không chỉ vậy, người có tâm thế học nghiêm túc cũng thường rèn được tính nghiêm túc trong làm việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung nên sẽ bắt đầu công việc với thái độ tích cực. Khi đi tìm việc, họ thường tự tin với năng lực và chuyên môn của mình, khi bắt đầu làm việc họ thường dễ tạo ấn tượng tốt và niềm tin cho người sử dụng lao động cũng như những người làm việc chung. Trái lại, nếu một người học tập không nghiêm túc thì dù có trải nghiệm nhiều nhưng không phải lúc nào cũng đủ tự tin vào năng lực thể hiện chuyên môn của mình khi làm việc, thậm chí ngay từ khi phỏng vấn đã bộc lộ điều đó, khiến không tìm được việc.
3. Một lỗi nữa thường xuất hiện trong quá trình bắt đầu làm việc. Một người có tâm thế làm việc để thể hiện năng lực của mình, để kiếm sống bằng nghề nghiệp đó sẽ khác với tâm thế của một người làm việc để tích lũy kinh nghiệm, để chờ tìm được việc khác tốt hơn và sẵn sàng “nhảy việc” khi có thể. Đây có thể coi là sự hứng khởi, yêu thích công việc, nghề nghiệp và thái độ đối với môi trường làm việc, với cơ quan, đơn vị mình đang làm việc. Khi một người tìm thấy sự say mê, gắn bó, thậm chí xả thân với công việc, với nơi mình làm việc thì thường làm việc có hiệu quả, tạo được tín nhiệm. Ngược lại, khi một người làm việc trong trạng thái “nửa vời”, “có việc cũng không mong đợi gì, mất việc cũng không có gì nuối tiếc” thì khó tạo được sự tin tưởng của nơi làm việc để trao cơ hội cho những việc tốt hơn, vị trí cao hơn, thậm chí còn khó giữ lại làm việc lâu dài.
4. Như vậy, thất nghiệp có thể coi là hệ quả của nhiều nguyên nhân, từ việc thiếu định hướng đào tạo, điều kiện kinh tế – xã hội đang thay đổi hoặc có nhiều khó khăn, và nhất là do sự thể hiện của từng cá nhân. Một người có sự chuẩn bị cho nghề nghiệp, cho tương lai của mình thực sự tích cực thì thường sẽ khó thất nghiệp, ít nhất họ cũng sẽ tìm được việc khác với chuyên môn của mình và chấp nhận như thế trước khi tìm được việc đúng sở trường, năng lực bản thân. Do đó, bản thân mỗi người khi bắt đầu chọn ngành học, chọn công việc, kể cả khi chọn nơi làm việc, cần phải có một tâm thế chủ động, tích cực, có trách nhiệm với bản thân và với công việc. Có như vậy, khả năng thất nghiệp sẽ giảm hẳn. Không chỉ vậy, ngay cả khi số việc làm trên thực tế ít hơn số người đang cần việc thì chính những người có sự chuẩn bị tốt đó sẽ có nhiều cơ hội đánh bại những người khác vốn được nhận việc ngoài lý do năng lực chuyên môn. Điều này thực sự sẽ tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, cũng như tạo môi trường làm việc minh bạch và tích cực hơn!
Trúc Giang
Bình luận (0)