'Bà nội con nói con ráng ôn bài cho khỏi quên chữ, mơi mốt trả hết nợ, nội cho đi học lại. Chứ bỏ học giữa chừng uổng lắm!', cậu bé 9 tuổi, vừa chia sẻ vừa chăm chú vào trang sách, ngay bên lề đường…
“Mẹ nó bỏ đi hai năm mấy rồi. Nó có đứa em đi theo mẹ. Còn nó ở với ba. Ba nó bình thường ai mướn gì làm đó. Cái xứ cù lao Long Hòa, Châu Thành, Trà Vinh thì nghèo có số. Mấy tháng trước ba nó bị tai nạn giao thông. Người gây tai nạn đã chết. Ba nó thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Người ta nói gia cảnh người ta khó khăn quá, thôi mình còn sống thì hỗ trợ tiền mai tang cho người chết. Vợ chồng tôi mới chạy vay hai đợt gần 20 triệu giúp cho người ta. Vay xong vợ chồng già phải bỏ quê lên thành phố kiếm tiền trả nợ. Nó lúc đó mới học hết lớp Hai. Ở nhà không ai chăm sóc nên nó cũng chạy theo luôn”, bà Trần Thị Nghĩa, bà nội bé Đặng Văn Sự kể.
Vậy là hơn sáu tháng trước, ba ông bà cháu dắt díu nhau tha hương. May nhờ người cô của bé Sự đang được cho ở nhờ mảnh đất trống chờ thi công công trình ở H.Nhà Bè, TP.HCM nên xin thêm một căn chòi cho họ ở tạm. Ngày cháu đi mò dộp, ông bà đi cắt bồn bồn đem ra lề đường Nguyễn Hữu Thọ bán.
Đêm, dưới ngọn đèn chong leo lét trong căn chòi nát, cháu lại ê a học bài với người em họ. Cứ em học được bài gì về dạy lại cho em bài nấy.
Ước mơ con chữ
Nói về cháu nội mình, ông Đặng Văn Khẳng rơi nước mắt: “Tôi 74 tuổi rồi, sống nay chết mai. Làm được ngày nào hay ngày đó. Chỉ thương cho cháu thơ không được học hành, không biết tương lai sẽ ra sao”.
Tuổi già sức yếu, đi mòn bàn chân, cỏ sắc cắt rát da mới cắt được ký bồn bồn. Dãi nắng dầm mưa có khi bệnh nằm liệt giường. Hết bệnh lại phụ hai bà cháu mò dộp hay mót từng ngọn nhãn lồng để bán.
“Đời tôi sắp xuống mồ rồi, không ước mơ gì. Chỉ mong trả hết nợ cho người ta và cho thằng cháu được tới trường”, người đàn ông ngậm ngùi.
Bà nội thì động viên cháu: “Con ráng học bài để khỏi quên chữ để có cơ hội nội cho con đi học lại. Phải học để mơi mốt biết chữ. Có ngồi bán bồn bồn cũng biết đọc báo cho đỡ buồn. Hoặc tỉ như con đi làm công nhân, người ta kêu ghi cái tên, có quê quán cũng phải biết ghi”.
Và ngày ngày, người đi qua đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè (mặt đường từ Nhà Bè vào hướng Q.7, TP.HCM) đều thấy cậu bé nhỏ thó đội cái nón tai bèo ngồi nắn nót viết chữ bên lề đường. Bên cạnh bé là một rổ đọt nhãn lồng hoặc bồn bồn.
Mỗi kg bồn bồn có giá 25 ngàn đồng. Mỗi ngày bán vài kg. Không biết với khoản thu nhập này, bao giờ nhà họ dành dụm trả hết nợ. Và bao giờ, cậu bé đáng thương này chạm tới giấc mơ trường lớp?
Yến Trinh (TNO)
Bình luận (0)