Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Chuyện về cô giáo thủ thư

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Kiêm Sơn trong thư viện
Ở cái làng quê hẻo lánh ấy, mới 18 giờ là trời đã tối rồi. Muốn ra khỏi nhà là phải cầm đuốc theo. Bởi vậy, chẳng ai muốn ra khỏi nhà, nhất là vào những đêm trời mưa. Nhưng chị thì khác, dù mưa hay không cũng phải ra khỏi nhà vào cái giờ ấy…
Chị là nhà giáo Nguyễn Thị Kiêm Sơn.
Ngày nhỏ chị thích nghề dược nhưng chị cũng hiểu đối với sức học của bản thân thì trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược là rất mong manh. Mặc dù vậy, năm 1974 chị vẫn thi vào Trường ĐH Y dược để thỏa mãn niềm đam mê. Cùng năm đó, chị còn thi vào Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn. Có lẽ là ý trời, chị trúng tuyển và bắt đầu học để trở thành một cô giáo.
Thường thì trường sư phạm phải học 2 năm mới tốt nghiệp, nhưng cái khóa của chị (1974-1976) chỉ học có một năm. Chị kể: “Đang học dở năm thứ nhất thì miền Nam giải phóng. Lúc ấy, giáo viên thiếu dữ lắm, thế là cái khóa của tôi được ra trường luôn”.
1. Là dân Sài Gòn chính gốc nhưng ngày ấy vùng sâu vùng xa thiếu giáo viên trầm trọng nên ra trường là chị được điều về Ty Giáo dục Long An (nay là Sở GD-ĐT tỉnh Long An). Cứ tưởng phải về Long An đã là đi vùng sâu vùng xa đối với một tiểu thư Sài Gòn như chị rồi, nào ngờ… Từ Ty Giáo dục Long An chị được điều về dạy tại một phân hiệu của Trường Tiểu học Long Khê (xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).
Đúng là trường làng. Cơ sở vật chất đến mức không thể tồi tàn hơn được nữa. Trường là một dãy nhà lá vỏn vẹn 4 phòng học (dạy 4 ca/ngày). Trường được lợp bằng lá, 4 bức vách cũng là lá, không có cửa sổ, chỉ duy nhất cái cửa ra vào. Bàn là một cây gỗ to cưa đôi, cái mặt nhẵn làm mặt bàn. Còn ghế là những khúc tre ràng lại với nhau. Bảng là miếng bìa catton, thủng lỗ tùm lum.
Ngày đó, cả cái phân hiệu mà chị dạy chỉ có duy nhất mỗi bộ sách giáo khoa. Ừ. Gọi là bộ sách giáo khoa cho hay chứ thật ra chỉ có 2 cuốn sách: toán và tập đọc. Chị và các đồng nghiệp chia nhau đọc sách rồi chép lại vào vở để lên lớp dạy học sinh. Nhiều hôm phải chép sách mỏi cả tay, mờ cả mắt, chị chỉ ước ao có được một bộ sách giáo khoa để khỏi phải cặm cụi chép nữa.
Nói về học sinh của mình, chị nhớ lại: “Học sinh ở quê, trước giải phóng có mấy em được đi học đâu. Bởi vậy, trong lớp không chỉ có học sinh 6 – 7 tuổi mà có cả những em 12 – 13 tuổi. Còn trong trường, nhất là lớp 5, nhiều em 16 – 17 tuổi, có gia đình rồi mà vẫn còn học tiểu học. Lớn rồi nên các em cũng chẳng thiết tha gì với chuyện tới trường. Ngày mùa, lớp học vắng như cái chùa. Những ngày tát ao, tát đìa, học sinh cũng nghỉ. Gia đình có đám giỗ, nghỉ luôn. Còn đi học, bút tập không đem mà đem cái lờ (dùng để bắt cá, tôm) vào lớp. Vì thế nhiều em học 4 – 5 năm mà không lên được lớp 2…”.
Có một điều lạ là phụ huynh lại thấy vui khi con mình không thích tới trường. Vì vậy, mỗi lần chị tới nhà kêu học sinh ra lớp là bị phụ huynh “nhăn”. Nhưng biết làm sao được, đó là sứ mệnh của chị mà.
2. Làm giáo viên chính khóa ban ngày ở trường đã cực rồi, vậy mà ban đêm chị còn phải tham gia chương trình “Bình dân học vụ”.
Chiều tối. Ngày nào cũng như ngày nấy, ăn cơm xong là chị thắp đuốc tới nhà dân dạy học. Đuốc là một cái ống tre, đầu trên có một miếng vải thấm dầu hỏa, tùy đoạn đường từ nhà công vụ (ở trong trường) tới nhà dân dài hay ngắn mà thấm dầu nhiều hay ít. Chưa tới 18 giờ, một tay cầm đuốc, một tay cầm sách chị băng qua cánh đồng tới nhà dân để dạy học. Nhiều hôm mải đi, chị vô ý thụt chân xuống lỗ nẻ (lỗ đất nứt ra ở cánh đồng sau khi đã gặt lúa) làm chảy cả máu. Nhưng điều đó cũng chẳng là gì so với những hôm trời mưa. Trời mưa thì không thể cầm đuốc mà đi được nên phải cầm gậy dò đường giống như người mù vậy đó. Đường thì mỗi ngày mỗi đi, cứ tưởng rõ nó như bàn tay của mình nhưng thỉnh thoảng vẫn sụp lỗ chân trâu, ổ voi. “Có đợt lọt xuống ổ voi, càng dãy dụa người càng lún sâu xuống. Cô bạn đi cùng phải vất vả lắm mới kéo lên được”, chị kể lại.

Cô Sơn sau giờ tan trường
Cứ tưởng băng đồng, lội sình tới nhà dân thì người ta sẽ chịu học, ai ngờ… “Ôi! Bữa nay ở ấp bên, gia đình ông Tư cưới vợ cho con, làm đám to lắm”, rồi thì “Sáng nay tát cái đìa ở sau nhà bắt được mấy con cá lóc to đùng”… Người ta cứ luôn miệng kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Còn chị, để lấy lòng nên cứ phải ngồi nghe. Kể xong rồi, người ta nói: “Thôi nghe cô, khuya rồi, cô về nghỉ. Tôi cũng phải đi ngủ, mai còn đi làm nữa”. Thế là chị lại lò dò cầm đuốc ra về.
Đêm hôm sau, chị lại tới. “Mấy bữa nay lúa chín vàng cả đồng, hôm nay mới mướn được người cắt giùm. Mai lại phải đi trả công cho người ta. Thôi cô giáo về đi, hôm nào thư thư rồi tới dạy…”, nghe người ta đuổi khéo, chị lặng lẽ ra về.
Nói vậy, không có nghĩa là người ta không chịu học. Nhưng người làm cô giáo như chị phải biết lựa lúc nào người ta thích học để mà dạy. Trong một tháng cũng có vài ngày người ta thích học, lúc đó những “học sinh” 30 – 40 tuổi chăm chú ngồi nghe chị giảng bài. Ừ. Chăm chú thì chăm chú vậy đó, chứ học tối nay, tối mai hỏi lại chẳng nhớ gì cả. Thế là chị phải dạy lại từ đầu…
7 năm ròng rã như vậy, cuối cùng chị cũng được quay về TP.HCM.
3. Tháng 2-1982, chị được điều về Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Q. Tân Bình. Lúc đó đang là giữa năm học, tất cả các lớp học đều đã ổn định. Trong lúc ban giám hiệu đang lúng túng chưa biết sắp xếp công việc gì cho chị thì cô thư viện của trường xin nghỉ. Thế là chị nghiễm nhiên trở thành nhân viên thư viện của trường.
Được đào tạo là giáo viên, gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, bây giờ lại phải làm thư viện, chị buồn lắm. “Nhưng bù lại được ở gần mẹ”, chị tự an ủi bản thân mình.
Ngày mới nhận công việc, chị không biết phải bắt đầu như thế nào. Không biết thì phải học, nghĩ vậy, chị xin ban giám hiệu cho sang Trường THCS Nguyễn Gia Thiều và Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình để học nghiệp vụ từ các “tiền bối” ở đây. Được cầm tay chỉ việc nên chị nhanh chóng biết công việc của một nhân viên thư viện là gì. Chưa dừng lại ở đó, tất cả những khóa tập huấn do Phòng GD-ĐT Q. Tân Bình phối hợp cùng Công ty Sách Thiết bị trường học thành phố tổ chức, chị đều tham gia. Đặc biệt, từ năm 2000-2005, chị tham gia học cử nhân thư viện tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Và không biết từ lúc nào chị đã yêu cái công việc này, chị xem cái thư viện của trường như chính ngôi nhà của mình. Ngày nào cũng vậy, khoảng 6 giờ sáng chị lọc cọc đạp chiếc xe đạp từ nhà tới trường và bắt đầu công việc. Chị chăm chút từng quyển sách dành cho giáo viên, cuốn truyện tranh cho học sinh để chúng luôn được xếp ngay ngắn, được bao bọc kỹ lưỡng.
Chị biết học sinh vốn thích đọc truyện tranh chứ ít em nào đọc sách lịch sử, thế là chị nghĩ ra nhiều cuộc thi để thu hút các em đọc sách lịch sử, sách về Bác Hồ, về văn hóa Việt Nam… Bởi vậy, chị rất được học sinh yêu quí dẫu không còn đứng trên bục giảng.
Bài, ảnh: Kim Anh

Với tất cả những cống hiến cho ngành GD-ĐT, chị Nguyễn Thị Kiêm Sơn đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2009.

 

Bình luận (0)