Không chỉ làm công việc của một cán bộ coi thi, những giám thị ở phòng thi dành cho thí sinh khiếm thị còn phải đảm nhận vai trò dịch bài thi từ chữ braille sang chữ quốc ngữ cho thí sinh. Công việc này đem đến không ít áp lực nhưng cũng nhiều niềm vui cho họ.
Cán bộ coi thi hỏi han sức khỏe thí sinh Nguyễn Văn Hiền trước giờ thi |
Kỳ thi THPT quốc gia 2016, cụm thi số 40 do ĐH Đà Nẵng chủ trì có 1 thí sinh khiếm thị dự thi, đó là em Nguyễn Văn Hiền (học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Đà Nẵng). Hiền trước đó đã được Sở GD-ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT nhưng em vẫn dự thi 3 môn toán, lý, hóa để lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ. Thầy Lê Ngọc Thức (giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền – một trong 2 giám thị coi thi ở phòng thi đặc biệt này) cho biết: “Để chuẩn bị cho Hiền tâm lí tốt, trước khi thi tôi đã hỏi han tình hình sức khỏe của em. Cốt là để xem em có nghe được giọng tôi không để tôi yên tâm đọc đề cho em khi bắt đầu thời gian thi. Đây là lần đầu tiên tôi đảm nhiệm thêm vai trò đọc đề cho thí sinh khiếm thị. Ở môn thi lí, tôi đọc thật rõ, chậm để em chọn đáp án. Còn việc đánh chọn đáp án giúp em trên giấy là do giám thị thứ 2 phụ trách. Mặc dù không gặp khó khăn trong quá trình đọc đề giúp thí sinh vì đã chuẩn bị tâm thế sẵn, nhưng khi đối diện với thí sinh, nhận thấy sự thiệt thòi của em, tôi càng cố gắng hơn để chuyển tới em câu hỏi rõ ràng và nhanh nhất có thể”.
Còn cô Trịnh Thị Ngọc (giáo viên Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng – người được giao nhiệm vụ chuyển ngữ bài thi môn toán) xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chuyển ngữ cho thí sinh ở một kỳ thi quan trọng nên khi nhận nhiệm vụ cũng áp lực lắm”. Do là giáo viên môn hóa nên khi thực hiện chuyển ngữ chữ braille sang chữ quốc ngữ cho bài thi môn toán, cô Ngọc gặp không ít bỡ ngỡ vì các kí hiệu của toán học lâu ngày không dùng đến có thể quên. “Lúc đó tôi tập trung hết tinh thần với mong muốn làm sao chuyển đúng nguyên bản những gì thí sinh đã làm vì sai sót sẽ đem đến thiệt thòi cho em. Cũng may, Hiền viết chữ rất rõ ràng”, cô Ngọc cho biết.
Cô Ngọc cho biết thêm: “Khi cầm bài của thí sinh trên tay, thực sự tôi rất xúc động. Vì em chịu quá nhiều thiệt thòi so với bạn bè. Em mất 30 phút để chép đề bằng chữ nổi vào giấy thi rồi mới bắt đầu làm bài, câu nào không nhớ thì phải đọc lại từ đầu. Đó là chưa kể, do hạn chế thời gian nên em không thể vẽ hình khi giải bài tập được mà chỉ tưởng tượng để giải. Việc viết chữ nổi rất mất thời gian, một trang chữ bình thường thì phải mất từ 2,5 đến 3 trang chữ nổi. Thiệt trăm bề!”.
Chia sẻ cảm xúc sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các giáo viên đều nói cảm giác ấy gần giống như mình là một người thư kí khi chuyển tải bài thi giúp thí sinh khiếm thị chịu nhiều thiệt thòi chứ không đơn thuần là một giám thị hoàn thành nhiệm vụ coi thi. Bởi vậy, mỗi người đều nỗ lực hết mình, làm sao để chuyển tải một cách đúng nhất bài thi của thí sinh đã làm, không được phép sai sót tránh thiệt thòi cho thí sinh. “Trách nhiệm nặng nề nhưng vui và hạnh phúc khi mình giúp được thí sinh phần nào trên con đường hướng đến mục tiêu cao nhất của sự học, và lựa chọn nghề nghiệp”, cô Ngọc bày tỏ.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)