Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chuyện về lão nông Khoan “trầm”

Tạp Chí Giáo Dục

Nông dân Trương Thanh Khoan, 60 tuổi ở xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai được nhiều người gọi là Khoan “trầm”. Dù không học hành bài bản nhưng bằng niềm đam mê, ông đã nghiên cứu thành công chế phẩm vi sinh, kích thích tạo trầm hương trên cây dó bầu.

Với thành tích này, ông Khoan được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III và là nông dân đầu tiên ở Đồng Nai nhận phần thưởng cao quý này.

Ông Khoan kể, sau ngày giải phóng, vùng đất xã Phú Sơn còn là rừng núi bạt ngàn. Trong một lần vào rừng lấy củi phụ giúp bố mẹ, ông Khoan gặp những người từ miền Trung vào tìm trầm. Tò mò tìm hiểu, rồi xin theo những phu trầm này, ông Khoan đã trở thành thành viên của nhóm phu trầm khi chưa đầy 20 tuổi. Theo nghiệp tìm trầm từ năm 1979, lặn lội khắp các cánh rừng ở Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, ra đến các khu rừng ở miền Trung, sang tận đất Lào để săn trầm, ông Khoan hiểu từng ngọn ngành của rừng núi, những vùng trầm nhiều.

Thế nhưng, sau gần 20 năm tìm trầm, sức trẻ cũng đã qua, nghiệp tìm trầm rày đây mai đó, tích lũy không được bao nhiêu, ông Khoan trở về quê nhà. “Không thể chạy theo hy vọng trong sự may rủi với trầm nên tôi quyết định về khai phá mảnh đất vườn sẵn để trồng cây gió bầu tạo trầm”- ông nhớ lại.

Năm 2000 qua giới thiệu từ một doanh nghiệp, ông Khoan mua 2.000 cây dó về trồng, doanh nghiệp cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật để tạo trầm. Sau 6 năm, đến thời kỳ tạo trầm, nhưng doanh nghiệp bán giống không thấy trở lại. Được giới thiệu của nhiều người, ông Khoan cũng tìm mua được chế phẩm tạo trầm nhưng hiệu quả không cao. Một lần ông phát hiện trên thân dó bầu trong vườn bị kiến xanh đục khoét làm tổ, phần gỗ nơi đó có màu dầu đen bóng như trầm hương tự nhiên. Ông Khoan lấy một mảnh gỗ đem đốt thì mùi hương thơm nức. Liên tưởng lại thời kỳ tìm được trầm tự nhiên đều có yếu tố về kiến, ông Khoan nảy ý định dùng kiến để tạo trầm. Tìm kiếm mang về hàng chục tổ kiến xanh, tạo điều kiện cho kiến cư ngụ trên các cây dó, ông Khoan bắt đầu tạo trầm theo phương pháp mới.

Chuyện về lão nông Khoan “trầm” ảnh 1
Ông Trương Thanh Khoan với sản phẩm trầm hương.

Một đời với dó bầu

Sau một thời gian thử nghiệm, ông Khoan nhận thấy nếu nuôi kiến trên cây thì hiệu quả tạo trầm chỉ đạt tỷ lệ khoảng 2- 3%. Cũng từ kiến, ông Khoan kết hợp cùng chế phẩm thực vật để tạo ra  chế phẩm vi sinh, đưa vào vết thương trên cây dó khiến cây dó phải tiết ra một loại kháng sinh để bao bọc vết thương, kháng khuẩn và sự “tương tác” này là điều kiện tạo trầm.

Thử nghiệm chế phẩm vi sinh do mình tạo ra, ông Khoan so sánh những chế phẩm hóa học để bơm vào thân cây dó cũng tạo được trầm nhưng mang lại hiệu quả không cao mà chi phí lớn, thời gian tạo trầm mất từ 12 – 18 tháng. Trong khi đó chế phẩm vi sinh của ông Khoan có độ kích thích tạo trầm cao, thời gian tạo trầm chỉ khoảng 6 đến 8 tháng. Đặc biệt, trầm hương được tạo từ  chế phẩm vi sinh không gây độc hại cho người sử dụng. Thành công từ chế phẩm vi sinh, không chỉ ứng dụng tạo trầm cho vườn dó bầu của mình, ông Khoan còn cung cấp cho người trồng dó bầu nhiều nơi trên cả nước.

Một đời gắn bó với dó bầu- trầm hương, nông dân Khoan “trầm” hy vọng sẽ phổ biến rộng rãi chế phẩm của mình đến với nông dân. Hiện tại, ông là người hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp chế phẩm vi sinh kích thích tạo trầm trên cây dó cho hàng trăm nông dân trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Không dừng lại, từ một phu trầm, trở về làm một nông dân trồng dó bầu tạo trầm, ở tuổi 60, lão nông Trương Thanh Khoan lại trở thành một doanh nghiệp kinh doanh trầm hương. Đối tác của ông không chỉ có khách hàng trong nước, mà còn đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…

Tháng 6/2014, phương pháp kích thích và chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương của nông dân Trương Thanh Khoan được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận bằng độc quyền sáng chế. Trước đó, năm 2012, “chế phẩm kích thích cây dó để tạo trầm hương” của ông đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai. Năm 2013, chế phẩm này đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12. Năm 2014, ông Khoan được Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo của Trung ương Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận “Danh hiệu cúp vàng sản phẩm tin cậy, nhãn hiệu ưa dùng” và được Thủ tướng Chính phủ vinh danh là một trong 63 nhà sáng chế không chuyên. Năm 2016, từ sáng chế này và thành tích trong lao động, nông dân Trương Thanh Khoan được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.

Theo TPO

 

Bình luận (0)