Nữ phóng viên Anh Trang một lần đi công tác trên sông Thu Bồn (Quảng Nam)
|
“Gần 10 năm xông pha từ chiến trường Đường 9 – Nam Lào đến chiến trường Quân khu V khốc liệt, giây phút đứng trước chiếc micro phát đi bản tin đầu tiên mừng ngày giải phóng thật rưng rưng khó tả. Đó là dấu ấn cuộc đời, là niềm vinh dự trước đóng góp nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng quê hương”. Bà Nguyễn Thị Anh Trang, nữ phát thanh viên đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng Khu V, bộc bạch vậy.
Sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Năm 1954, cô bé Nguyễn Thị Anh Trang vinh dự nằm trong diện học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, học tập ở Hải Phòng. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm, cô giáo trẻ Anh Trang về làm Hiệu trưởng Trường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội)…
Tuổi xuân xông pha trên chiến trường
Năm 1968, thời điểm vỹ tuyến 17 ác liệt nhất, cô giáo trẻ nhận nhiệm vụ vào chiến trường ở phía đông Trường Sơn. “Lúc đi, đứa con gái đầu lòng vừa lên 4 tuổi. Nhớ con nhưng quê hương chưa giải phóng, tôi phải hy sinh hạnh phúc riêng tư”, bà Anh Trang trải lòng, “Vào chiến trường, chia bom xẻ đạn cùng đồng đội mới cảm nhận được tình cảm của con người dành cho gia đình, cho quê hương đất nước. Gian khổ vẫn sát cánh bên nhau, tạo nên sức mạnh lớn lao đi đến ngày chiến thắng”. Kí ức một thời hào hùng như cuốn phim quay chậm qua chất giọng trầm ấm của bà.
Năm 1972, sau chiến thắng Đường 9 – Nam Lào vang dội, bà được về thăm gia đình. Tháng 8-1973, bà có mặt trong đoàn phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng từ Hà Nội vào Khu V. Nhớ lại, bà Anh Trang tự hào: “Chiến trường Khu V ngày đó ác liệt vô cùng. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Phong trào “Một tấc không đi, một li không rời” được thực hiện. Phóng viên chiến trường lúc đó gian khổ lắm. Đối mặt với kẻ thù, với làn tên mũi đạn mà vẫn phải đưa tin, viết bài phản ánh, thông tin kịp thời theo yêu cầu. Ngày ấy, ra trận sống chết không toan tính. Có thời điểm nằm nghe câu chuyện đêm khuya tôi nhớ con quay quắt nhưng cố nén giọt nước mắt, vượt lên nỗi nhớ nhung rồi ngày mai lại xuống vùng địch. Lúc ấy đi thì cứ đi, biết hy sinh ở ngay trước mắt nhưng nếu điều đó xảy ra thì cũng là chuyện bình thường. Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu”.
Kí ức bà Anh Trang dừng lại những năm tháng nhân dân sống và chiến đấu ở khu dồn trong lòng địch. Đó là năm 1974, nữ phóng viên Anh Trang đã cùng Đội du kích xã Sơn Thắng (nay là Quế An) và các cán bộ binh vận Khu V vượt qua 5 chốt địch, bám trụ suốt hai ngày đêm để đưa 400 người dân về vùng giải phóng an toàn. “Hôm đó tôi vừa dẫn hai đứa trẻ và một bà già mù lòa băng đồng, lội suối về vùng giải phóng, vừa làm nhiệm vụ của người phóng viên chiến trường”, bà Anh Trang cho biết.
Lần ấy, bài viết Chiến thắng khu dồn gò cây Cốc của bà được phát trên sóng phát thanh giải phóng liên tục 5 ngày, phục vụ Hội nghị nổi dậy toàn Khu V. “Gian khổ nhưng hạnh phúc!”, bà Anh Trang gói gọn cảm xúc của mình. Với đóng góp làm nên chiến công ấy, bà vinh dự được mang băng ghi âm bài viết ra Hà Nội phục vụ hội nghị và trở về thăm gia đình – ôm vào lòng đứa con bé bỏng sau chuỗi ngày dài xa cách.
Dấu ấn cuộc đời
Bà Anh Trang lần giở lại các kỷ vật ngày xưa
|
Trong suốt quãng thời gian xông pha ở chiến trường, mỗi ngày sống trong lòng dân, mỗi lần dấn sâu vào lòng địch đều để lại trong bà một kỷ niệm khó quên. Nhưng với bà, kỷ niệm ghi thành dấu ấn cuộc đời là lần nhận nhiệm vụ tiếp quản Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam – Đà Nẵng sau ngày giải phóng. “Khoảnh khắc ấy không có gì đánh đổi được. Đó là niềm vui, niềm tự hào! Hôm ấy tôi vừa viết xong bài Tiên Phước hoàn toàn giải phóng thì nhận lệnh về Đà Nẵng gấp. Chiều 29-3-1975, tôi về tới nơi. Lạ lắm, những bước chân tôi bước đi mà thấy lòng thênh thang một cảm giác vui sướng”, bà Anh Trang xúc động kể, “Sau đó tôi được giao nhiệm vụ đi cùng anh Kim Tuấn và anh Đoàn Bá Từ tiếp quản và làm chương trình phát thanh đầu tiên sau giải phóng. Lo lắng nhưng hạnh phúc vô cùng khi được đọc bản tin đầu tiên báo tin Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. “Tiếng nói của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng” phát lúc 11 giờ ngày 31-3-1975 với tần sóng 50kw. Cả thủ đô Hà Nội và khu vực Đông Nam Á đều nghe được”.
Ngót 40 năm sau, trong một lần chăm chồng bị ốm ở Bệnh viện C Đà Nẵng, một người thương binh cùng phòng nhận ra giọng bà, xúc động nói: “Chị là phát thanh viên Anh Trang phải không? Lúc tui đang điều trị ở Bệnh viện Quân đội ở thủ đô thì nghe chị đọc bản tin giải phóng quê hương. 40 năm rồi, tui vẫn nhớ như in chất giọng trầm ấm đã đem đến cho anh em niềm vui sướng nghẹn lòng”.
Hạnh phúc vẹn tròn
Đà Nẵng giải phóng, nữ phóng viên Anh Trang vinh dự nhận tấm giấy có chữ kí của cấp chỉ huy với dòng chữ nhỏ ghi kèm “Được đón con vào” để đi máy bay khứ hồi Đà Nẵng – Hà Nội. “Với tôi đó là phần thưởng quý giá hơn bất cứ điều gì khác. Bao nhiêu năm xa cách, tôi được ôm đứa con thơ trọn đêm, nghe hơi thở con đều đều”, bà Anh Trang xúc động nói.
Ở tuổi xế chiều, trong ngôi nhà nhỏ bên đường Lưu Quý Kỳ, bà Anh Trang vui sống trong sự hiếu thảo và thành đạt của các con. “Đất nước tròn 40 năm thống nhất, với người chiến sĩ chẳng hạnh phúc nào bằng. Chỉ tiếc giây phút này lại thiếu vắng hình bóng người bạn đời đã gắn bó bên nhau gần 50 năm nay”, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người nữ phóng viên rắn rỏi từng vào sinh ra tử trên chiến trường khói lửa. Ngừng giây lát, bà bảo: “Tôi vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội, được sống, trở về chứng kiến quê hương đất nước đổi mới. Vậy là hạnh phúc rồi!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Con là sợi dây kết nối yêu thương
Bà Anh Trang cho biết, chính đứa con gái là sợi dây kết nối yêu thương khi hai vợ chồng người Nam – người Bắc phục vụ cách mạng. Hai vợ chồng bà đã gửi gắm tình yêu dành cho nhau với cái tên được đặt khi thai nhi vừa nên hình hài: Phạm Thị Lâm Hồng. Rồi 12 năm sau đó, ngày giải phóng, vợ chồng bà sinh đứa con thứ hai mang ý nghĩa nơi chôn nhau cắt rốn của người bạn đời: Phạm Đức Bình! “Cả hai cái tên đều được vợ chồng chọn khi tôi mang thai đứa con đầu được vài tuần tuổi!”, bà Anh Trang bộc bạch.
|
Bình luận (0)