Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chuyện về nữ tiến sĩ Toán học xuất sắc nhất Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

 Năm 17 tuổi, cô đã giành giải nhì cuộc thi toán quốc tế tại Thủ đô Vienna (Áo) và hơn 30 năm trôi qua chưa có một nữ sinh nào bước qua được bục vinh quang này.

Cô chính là tiến sĩ Nguyễn Thị Thiều Hoa; là 1 trong 3 nữ Tiến sĩ toán học của Việt Nam và là giáo sư tại một trường đại học danh tiếng ở Mỹ, đồng thời còn làm việc với một công ty phần mềm có tiếng tại Thung lũng Silicon (Mỹ). 
Nữ tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thiều Hoa
Chưa từng học… thêm!
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Thiều Hoa sinh năm 1959, lấy Bằng Tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ). Suốt những năm học trung học cơ sở và trung học phổ thông, cô đều học trong trường chuyên toán. Năm 17 tuổi, cô dẫn đầu đội tuyển Việt Nam gồm 7 thành viên mà chỉ có duy nhất cô là nữ, tham dự cuộc thi toán quốc tế tại Vienna (Áo) và giành được giải nhì (3 học sinh nam đạt giải ba). Trong gần nửa thế kỷ trôi qua, chưa có nữ sinh Việt Nam nào bước qua được vinh quang này.
Suốt 10 năm ngồi trên ghế phổ thông, năm nào Thiều Hoa cũng đạt học sinh giỏi. Điểm tiếng Nga bình quân luôn là 9,9. Hồi học lớp 7, điểm tổng kết các môn học chính như Toán, Lý, Hoá của Hoa đều đạt điểm 10. Lên đến cấp 3 thì điểm tổng kết Toán kỳ hai của năm cuối cấp là 9,9. Chỉ sơ qua những nấc thang thành tích học tập ấy, dường như ai cũng nghĩ hẳn cô được tôi luyện trong một môi trường học hành thật khắc nghiệt. Thế nhưng, những tiết lộ của cha cô – nhà báo Hàm Châu – lại là một bức tranh khác hẳn.

Thiều Hoa được chào đón khi chiến thắng từ Vienna trở về.

“Tôi không bao giờ ép con học nhiều. Hoa chưa từng học tư một giờ nào và chưa bao giờ thức quá 10 giờ tối. Theo tôi, nếu đứa trẻ có năng khiếu thì chẳng cần phải học ngày học đêm đâu”, cha cô chia sẻ. Có lần ông đi họp phụ huynh, thầy giáo chủ nhiệm nói: đề nghị các bác đứng than phiền khi các cháu học đêm vì tôi giao cho các cháu 250 đề toán để chuẩn bị thi lên chuyên toán cấp 3. Nhưng về nhà để ý vẫn chẳng thấy con gái học hành nhiều hơn mọi khi ông bèn hỏi: thầy cho nhiều đề toán thế sao con không làm đi. Thiều Hoa chỉ đáp: con đọc lướt qua, hiểu cách giải rồi, khi nào cần giải thì con làm. Trong thời gian ấy thì cô vẫn đi học piano. “Đấy, thực ra Thiều Hoa học hành cũng không vất vả gì lắm đâu”, ông Hàm Châu nói.
Ông cũng không trực tiếp dạy con gái vì cho rằng “các thầy dạy ở trường rất tốt rồi”. Nhưng ngược lại, ông đặt việc đi họp phụ huynh và nói chuyện với con là việc chính.
Trước đó, những năm tháng thơ ấu của Thiều Hoa cũng là những năm chiến tranh ác liệt, sự mong manh giữa sống và chết khiến con người ta dường như không quá quan tâm đến những chuyện học hành, thi cử. Gia đình Thiều Hoa cũng vậy. Cô phải đi sơ tán khỏi Hà Nội, rời xa những ngôi trường tốt nhất nhì Hà thành để về học ở trường làng và theo lời cha cô, nhà báo Hàm Châu thì “cũng không có sự chăm sóc hay dạy dỗ gì đặc biệt”. Thế nhưng, có lẽ do bẩm sinh thông minh nên Hoa vẫn học rất khá bất chấp điều kiện thiếu thốn về vật chất. 
Nữ tiến sĩ thích đi… chân đất!
Những năm sơ tán rời Hà Nội về nông thôn dường như đóng vai trò rất quan trọng trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của cô sau này. 4 tuổi, cô đã bắt đầu phải tham gia lao động như mọi đứa trẻ nông thôn ngày ấy. Những tháng ngày lam lũ, cực nhọc nơi thôn quê đã khiến cô thấm thía hiểu rằng, bất kỳ sản vật nào, dù là củ khoai, củ sắn, mớ rau… đều phải rất vất vả mới có được chứ không phải tự dưng mà có. Cũng từ những năm tháng ở sau lũy tre làng, chỉ có những cánh đồng lúa bạt ngàn và những đàn trâu cày thơ thẩn gặm cỏ bên đường, cô bé Thiều Hoa ngày ấy đã rất thích đi chân đất trên đường làng.
Cha cô bảo: “Điểm này khiến con bé sau này rất yêu văn học. Khi trẻ còn nhỏ hình thành tư chất và cá tính như thế nào thì sau này, tư chất và cá tính ấy cứ thế phát triển lên. Nếu lúc bé, trẻ quen xa xỉ – không biết quý sản phẩm lao động; sống ích kỷ, khô khan thì lớn lên cũng vậy. Tôi cho rằng không phải cứ lớn lên ở thành thị, ở môi trường bê tông cốt thép là tốt cả đâu. Vì cuộc sống ở nông thôn giản dị, con người ở đó chất phác, gần gũi thiên nhiên”. Còn nữ tiến sĩ toán học thì tâm sự: “Cái được lớn nhất ngày ấy là không khí xã hội, môi trường xã hội rất lành mạnh. May mắn là tôi đã được sống trong sự lành mạnh ngay từ bé”.

Tiến sĩ Thiều Hoa chụp ảnh cùng bố và con gái

Yêu văn chương nhưng dường như toán học đối với cô như số phận sắp đặt. Cha mẹ cô không hề định hướng rằng con gái phải theo cái này hay cái kia mà niềm say mê toán học là thiên bẩm dù ngày ấy, cô học môn gì cũng giỏi. “Nhưng tôi thích toán nhất vì đó là lĩnh vực chặt chẽ, chính xác nhất”, nữ tiến sĩ khoa học chia sẻ.
Điểm đặc biệt trong ngôi nhà của gia đình Thiều Hoa là sách. Sách nhiều đến nỗi bày khắp cả dãy phòng trên tầng 2, ngồn ngộn như một thư viện. Những giá sách ấy dường như liên tục được lấy xuống, liên tục có bàn tay con người sử dụng nên sạch bóng không một hạt bụi. Cha cô có trong tay tới 6 bằng đại học, nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung… Và dường như lúc nào ông cũng học. Đã qua cái tuổi thất thập cổ lại hy nhưng ngày nào ông cũng xem các kênh truyền hình CNN, CCTV… và ghi lại những từ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc mới vào một cuốn sổ để học. “Cả hai vợ chồng đều đọc sách, ham học nên Thiều Hoa dường như cũng được ảnh hưởng. Nhưng con bé thích đọc cuốn gì thì tự lấy chứ tôi không bắt ép đọc cuốn này hay cuốn kia”, ông Hàm Châu kể.  
Người xưa nói 10 năm đọc sách không bằng 1 đêm nói chuyện với người giỏi. Nguyễn Du giỏi còn vì là con ông Nguyễn Nghiễm; ông Lê Quý Đôn giỏi vì là con ông Lê Quý Thứ… Theo phép ấy mà suy thì truyền thống gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thậm chí, nếu không có truyền thống gia đình, thì dù có thành đạt cũng khó đạt tới đỉnh vinh quang. Và nữ Tiến sĩ toán học Thiều Hoa may mắn được sinh ra trong một dòng họ khoa bảng. Trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam ghi dấu về 3.000 tiến sĩ và phó bảng trong 1.000 năm phong kiến, có rất nhiều người trong dòng họ của Tiến sĩ Thiều Hoa. Ông nội cô đỗ Tú tài; cụ nội cô cũng từng đỗ Khoa bảng, người bác của cha cô thì làm đến Đông các Đại học sĩ. 
Cô cũng may mắn được nuôi dạy bởi một nền giáo dục gia đình “không roi vọt”, được lớn lên trong sự tôn trọng. Cha mẹ cô không bao giờ nói nặng lời với con và rất tôn trọng nhân cách, ý kiến của con. “Bố mẹ không chỉ ra lệnh cho con mà hãy trao đổi ý kiến với con cái. Khi trao đổi có thể con có ý kiến khác với bố mẹ không nên bác bỏ ngay mà bố mẹ phải suy nghĩ vì có thể trẻ đúng. Bố mẹ nên nêu ý kiến của mình chứ đừng dùng mệnh lệnh. Phải làm sao để trẻ thấy điều đó là đúng và thực hiện theo. Không thể dạy con theo kiểu: phải làm thế này, phải làm thế kia, không nên gò ép con vào một cái khuôn cứng nhắc nào đó. Nhưng bố mẹ mà muốn con nghe, muốn con phục thì phải giỏi hơn chúng mới được”, cha cô nói. “Vì bố mẹ cư xử với con như vậy nên ngay từ nhỏ tôi cũng đã muốn tỏ ra xứng đáng”, nữ Tiến sĩ chia sẻ.
Theo Văn Phúc
Gia Đình & Xã Hội

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)