Bà Nina Bracewell sẽ bán cổ phần của mình cho Kroenke (ảnh nhỏ phía trên) để tránh cho Arsenal khỏi bị thôn tính từ các nhà đầu tư nước ngoài? |
Hôm qua, Nina Bracewell-Smith và Richard Carr, hai cổ đông nắm giữ khoảng 20% cổ phần của Arsenal, đã quyết định rời khỏi hội đồng quản trị của Arsenal Holdings plc, công ty mẹ của CLB. Việc ra đi của họ diễn ra khá bất ngờ và động thái đó cho thấy rất có thể chính sách của Arsenal cũng sẽ phải thay đổi theo nó. Với Richard Carr, tuy rời khỏi Hội đồng quản trị (HĐQT) của Arsenal Holdings nhưng vẫn nằm trong thành viên của HĐQT đội bóng. Còn trường hợp của Nina Bracewell-Smith thì khó khăn hơn. Người đàn bà mà gia đình đã gắn bó với Arsenal từ năm 1948 tới nay coi như không còn dính dáng gì đến Arsenal Holdings hay Arsenal FC nữa. Tuy nhiên, trong tay bà vẫn còn khá nhiều cổ phiếu của Arsenal và đó chính là điểm khó khăn nhất mà ban lãnh đạo Arsenal cần phải giải quyết lúc này.
Theo điều lệ của Arsenal và quy định của HĐQT, các thành viên của HĐQT đã cùng thống nhất ký kết với nhau một điều khoản rằng sẽ không bán cổ phần của mình cho bất kỳ ai nằm ngoài hội đồng ít nhất là từ nay đến năm 2012, năm mà dự án Emirates đã cơ bản trả hết nợ cũng như dự án Highbury Building cũng đã hoàn công. Chính vì thế, khi Kroenke mua được cổ phần của Arsenal, ông đã được mời vào HĐQT và giữ một vị trí Giám đốc danh dự (không điều hành) để nhằm tránh cho Arsenal bị thôn tính bởi các lực lượng nhà đầu tư bên ngoài. Mối quan hệ ấy, tưởng như rất bền chắc, cuối cùng đã bị phá vỡ khi Nina rút lui hoàn toàn khỏi CLB. Nắm trong tay khoảng 15,9% cổ phiếu của Arsenal, bà Nina Bracewell-Smith có quyền quyết định khá lớn đối với đường lối của Arsenal trong tương lai.
Thứ nhất, không ai biết Nina sẽ xử lý thế nào với số cổ phần mình đang có. Nếu bà không bán và phát động một cuộc thôn tính đơn độc hay liên minh với ai đó, đế chế Arsenal rất dễ lung lay và trở thành một phiên bản thứ hai của Liverpool. Thứ hai, nếu bà giữ nguyên và không chuyển nhượng cũng như không thôn tính, Arsenal sẽ nằm dưới sự chi phối mạnh mẽ của lực lượng cổ đông bên ngoài mà điển hình nhất là Nina và Usmanov.
Với 21% cổ phần Arsenal mà Usmanov đang có, cộng với phần của Nina, lực lượng cổ đông ngoài HĐQT đã nắm giữ nhiều cổ phiếu của Arsenal hơn là lực lượng cổ đông thành viên. Do đó, mỗi kỳ đại hội cổ đông, tiếng nói của Usmanov và Nina sẽ rất lớn và điều đó có thể dẫn tới những xáo trộn thượng tầng rất mạnh.
Chủ tịch Peter Hill-Wood cũng nhấn mạnh rằng các thành viên HĐQT rất muốn mua lại phần hùn của Nina trong trường hợp bà đồng ý bán. Song khả năng Nina bán lại cho các “đồng đội” cũ là hoàn toàn khó có thể xảy ra khi mối quan hệ giữa họ đang xấu đi một cách trầm trọng.
Liệu chăng chính sách cho bán ra ngoài HĐQT của Arsenal có bị phá vỡ khi cuộc họp cổ đông sắp tới Usmanov tạo được áp lực bằng số phiếu áp đảo?
Hà Quang Minh (theo thanhnien)
Bình luận (0)