Tòa soạnThư đi – tin lại

Click chuột để mua… luận văn

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa bao giờ việc sinh viên (SV) có trong tay luận văn của người khác lại nhanh chóng, dễ dàng như hiện nay khi chỉ cần một cú click chuột. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để các tiệm photocopy, các diễn đàn, website mua bán luận văn hoạt động tràn lan, bất chấp những vi phạm về bản quyền tác giả.
Sự chây lười trong học tập, nghiên cứu
SV là một trong những nguồn lực tương lai của đất nước. Bất kỳ SV nào cũng mong muốn khi ra trường sẽ có một tấm bằng xếp loại khá, giỏi để thuận tiện trong quá trình xin việc. Để thực hiện được điều đó, nhiều SV không ngừng học hỏi, đam mê sáng tạo. Tuy nhiên, cũng có không ít một bộ phận SV lại chây lười, ỷ lại trong thảo luận, kiểm tra và hoạt động nghiên cứu khoa học. Có mặt tại một tiệm photocopy trên đường Đào Duy Từ (Q.10), cạnh cơ sở B, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chúng tôi không khỏi hoa mắt bởi “kho” luận văn ở đây. Đây cũng chính là khu vực khá nổi tiếng về tình trạng mua bán luận văn, báo cáo tốt nghiệp thường được các SV khối ngành kinh tế truyền tai nhau. Đa phần luận văn, báo cáo tốt nghiệp ở đây thuộc về lĩnh vực kinh tế – thương mại, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh… Chỉ cần một cú click chuột, nhân viên của tiệm đã mở ra hàng loạt những luận văn liên quan đến đề tài mà chúng tôi yêu cầu.
Hình ảnh thường thấy trong các website mua bán luận văn trên mạng. Ảnh: I.T
 
Tham khảo luận văn, báo cáo của người khác để tìm hướng đi cho công trình của mình là điều đáng quý nhưng rất tiếc là nhiều SV lại sao chép, biến công trình của người khác thành của mình một cách “hồn nhiên” đến vậy. Tình trạng “đạo” đồ án trong khối ngành kỹ thuật có phần hạn chế hơn. Thái – SV Trường ĐH Kiến trúc cho biết: “Nhiều bạn SV thường mượn những đồ án ở mức bình thường của các anh chị SV khóa trước để chỉnh sửa lại và biến thành đồ án của mình. Nếu chọn “đạo” lại những đồ án đẹp, hay và độc đáo đã được công bố thì chỉ cần tinh ý, các thầy cô sẽ dễ dàng phát hiện ra ngay”.
Có lẽ, đáng báo động nhất vẫn là tình trạng “đạo” luận văn trong các khối ngành kinh tế – xã hội. Chỉ cần lướt qua một diễn đàn hay website mua bán luận văn trên mạng là SV đã có thể tìm cho mình những luận văn cần thiết với giá rất rẻ bằng hình thức trả phí qua thẻ ngân hàng hay nạp thẻ cào điện thoại để mua trực tuyến… Trên một website, chỉ riêng ngành tài chính – ngân hàng đã có 11.400 luận văn, báo cáo liên quan. Với thẻ cào 20.000 đồng, chúng tôi đã có thể tải về một luận văn từ website đang “trong thời gian thử nghiệm, chờ xin giấy phép của Bộ TT&TT”. Đó cũng chính là lý do nhiều diễn đàn, website mua bán luận văn được lập ra ồ ạt, thiếu sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm.
Cần chú trọng vấn đề đạo đức người nghiên cứu
Theo đánh giá của nhiều giảng viên ĐH, chất lượng luận văn của SV những năm gần đây có phần giảm sút trên mặt bằng chung vì những lý do như: Hạn chế về đề tài, sự sao chép tư liệu “vô tư” của một bộ phận SV…
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Hà Thanh Vân (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ) chia sẻ: “Tình trạng “đạo” luận văn trong SV đang ở mức báo động nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào để giảm thiểu”. Tham gia công tác giảng dạy tại nhiều trường ĐH, TS. Hà Thanh Vân là người hướng dẫn và chấm khóa luận cho nhiều SV, học viên… Được biết, trong năm 2013, công trình So sánh loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân” ở một số nước phương Đông thời kỳ Trung đại (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên), (NXB KHXH, 2010) của TS. Hà Thanh Vân đã bị một SV Khoa Đông phương ở một trường ĐH tại TP.HCM sao chép lại gần như toàn bộ trong luận văn tốt nghiệp cử nhân. Trước đó, công trình này cũng đã liên tục bị “đạo” văn.
Những năm gần đây, môn “phương pháp luận nghiên cứu khoa học” đều được các trường ĐH đưa vào giảng dạy nhằm trang bị cho SV kiến thức, kỹ năng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, môn học này chỉ dừng lại ở cách thức, phương pháp làm nghiên cứu chứ không đi sâu vào đạo đức của người nghiên cứu. Theo TS. Hà Thanh Vân: Khi đưa môn “phương pháp nghiên cứu khoa học” vào giảng dạy trong trường ĐH, cần phải chú trọng vấn đề đạo đức của người nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học trong SV. Bên cạnh đó, vấn đề chú trọng về đạo đức của người nghiên cứu còn giúp SV có ý thức tự đào sâu, tìm tòi hướng đi mới cho công trình bằng tất cả tâm huyết của mình.
Hiện nay, tình trạng “đạo” luận văn diễn ra khá phổ biến trong SV ở nhiều trường ĐH. Thiết nghĩ, cần có sự nghiêm khắc hơn nữa đối với vấn đề này để giảm thiểu tình trạng đáng buồn trong hoạt động nghiên cứu, học tập của một bộ phận SV.
Yên Hà

Bình luận (0)