Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

CNTT đứng ở đâu trong giáo dục?

Tạp Chí Giáo Dục

Vai trò của CNTT hiện nay vẫn còn mờ nhạt trong giáo dục

Tại hội thảo khoa học Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong môi trường công nghệ thông tin (CNTT) được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhiều giáo sư, tiến sĩ đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế hiện nay vai trò của CNTT thể hiện rất mờ nhạt trong giáo dục…
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo TW đưa ra hai khái niệm mới đối với nền giáo dục Việt Nam. Thứ nhất là xây dựng nền giáo dục mở. Mọi khái niệm liên quan đến vấn đề này cũng sẽ phải thay đổi. Không phải học một lần mà là học suốt đời. Khái niệm mới này sẽ giải quyết vấn đề liên thông, vấn đề công khai minh bạch trong giáo dục hiện nay. Khái niệm thứ hai đó là SGK điện tử. Tuy khái niệm này không mới nhưng ông Hoàng cũng đưa ra nhận định SGK điện tử sẽ ngày càng phát triển và chiếm ưu thế. Trong cuộc sống hiện nay, vòng đời của một cuốn sách rất ngắn. SGK điện tử sẽ đáp ứng được vấn đề này. Ông Hoàng cũng khẳng định CNTT không thay thế được “chất xám” cũng như không thể thay thế được sự truyền cảm từ người thầy sang người trò. Nhưng người thầy giỏi cộng với sự hỗ trợ của CNTT thì sẽ thay thế được rất nhiều người thầy không giỏi. Chính CNTT thúc đẩy chúng ta phải đổi mới giáo dục.
Là Cục trưởng Cục CNTT của Bộ GD-ĐT, hơn ai hết ông Quách Tuấn Ngọc biết rõ nhất CNTT đang đứng ở đâu trong giáo dục. Trong hai năm 2009-2010, internet đã được kéo xuống tất cả các trường học (có điện) của Việt Nam nhưng trong giáo dục, phần CNTT lại được đề cập rất lu mờ. Vai trò của CNTT đã được khẳng định trong giáo dục nhưng không phải ai cũng thích nhìn những “con số rất thật” do CNTT thống kê. Ngay trong hội thảo, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, trong chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020 không có chữ nào đề cập vấn đề giáo dục điện tử. Còn ông Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT thì cho rằng CNTT đi vào ngành GD-ĐT rất chậm do giáo dục là một ngành bảo thủ. Hai ĐH mở lớn nhất của Việt Nam (Viện ĐH Mở Hà Nội, và ĐH Mở TP.HCM) giờ đã thành ĐH “khép”  vì có thi tuyển sinh đầu vào giống như tất cả các trường ĐH khác. TS. Võ Chí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW cũng cho biết, sau 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, qua thống kê cho thấy, Bộ GD-ĐT là nơi tham gia yếu nhất.
Theo như nhận định của TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT thì đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục, đưa một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo đến tài nguyên phục vụ đào tạo, khảo thí. Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong đổi mới giáo dục như tái cấu trúc, trao đổi tài nguyên đào tạo xuyên biên giới, hội nhập quốc tế, dạy và học tiếng Anh trong môi trường sinh ngữ, triển khai mô hình đào tạo tập trung gắn với mô hình đa cơ sở chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi sử dụng CNTT và dựa trên hạ tầng CNTT.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)