Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

CNTT làm “mềm hóa” môn giáo dục công dân

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người cho rằng giảng dạy môn giáo dục công dân (GDCD) nên đi theo phương pháp truyền thống với bảng đen phấn trắng. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của thầy Nguyễn Văn Liêm – giáo viên (GV) Trường THPT Phan Đăng Lưu, cô Phạm Thị Thu Sương – GV Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký đã thực hiện thành công tiết dạy “Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức” khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào bài giảng của mình.

Tận dụng màn hình Power Point
Có được thành công nói trên, trước hết là nhờ phong cách lên lớp của GV. Tác phong chững chạc, tự tin cùng với giọng nói truyền cảm chậm rãi, cô Thu Sương đã làm chủ tiết dạy. Ngay ở phần kiểm tra bài cũ, vẫn là những câu hỏi GV đặt ra yêu cầu học sinh trả lời nhưng trên màn hình lại minh họa thêm những hình ảnh bằng một đoạn phim ngắn giúp các em lục tìm trí nhớ dễ dàng hơn. Nhiều GV thừa nhận khó khăn của bài dạy này nói riêng và những tiết dạy phần triết học của chương trình lớp 10 nói chung là những khái niệm trừu tượng, xa lạ đối với học sinh. Ngoài yêu cầu học sinh hiểu rõ khái niệm: nhận thức, nhận thức cảm tính, GV còn phải lý giải thế nào là nhận thức lý tính, nhận thức cảm tính… Chính vì thế mà sự can thiệp của máy chiếu vào bài giảng này thật cần thiết. Từ hình ảnh lọ muối trên màn hình, GV đã yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi theo từng góc độ: nhận xét sự vật đó khi nhìn bằng mắt (thị giác), khi nếm bằng lưỡi (vị giác). Và cũng từ những câu trả lời của học sinh nhận xét về muối (màu trắng, không mùi, vị mặn), GV đã hình thành dần dần khái niệm “nhận thức cảm tính”. Đó là nhận thức ban đầu do giác quan mang lại, phản ánh trực tiếp sự vật và giúp con người biết những đặc điểm bên ngoài của sự vật… Một hình ảnh khác mà cô Thu Sương chọn đưa vào bài giảng trình chiếu của mình không chỉ đẹp mà còn có ý nghĩa với cuộc sống là hình ảnh đóa hoa sen. Khi hình ảnh “trong đầm gì đẹp bằng sen” xuất hiện trên màn hình dù ở thế động nhưng nó đã cuốn hút học sinh để lớp học có không khí trao đổi sôi nổi, hào hứng  hơn. Xâu chuỗi các câu trả lời của học sinh về nhận xét sự vật này, GV đúc kết: “Nhìn bằng mắt, hoa sen có cánh màu hồng, nhụy vàng, lá xanh; và ngửi có mùi hương dễ chịu” và sau đó đi đến kết luận: “ Đây chỉ là nhận thức cảm tính ban đầu khi đánh giá sự vật”. Nếu không có màn hình giới thiệu thì cô giáo vẫn có thể đưa ra được những khái niệm trong bài học nhưng rõ ràng kiến thức không đọng lại một cách sinh động, chắc chắn như khi các em được nhìn các hình ảnh trực quan.
Kết hợp cả phương pháp dạy truyền thống  
Cũng bằng ví dụ về hoa sen, GV đã hướng dẫn các em đến với khái niệm nhận thức lý tính. Ở cấp độ này, con người đánh giá sự vật không chỉ bằng cảm tính mà đã có sự can thiệp của tư duy. Để giảng dạy thích hợp, GV đã đi từ câu hỏi gợi mở đến câu hỏi phán đoán, suy luận nhằm bắt buộc học sinh “động não”: giá trị của sen trong đời sống văn hóa tinh thần (thơ, ca, nhạc, họa); trong lĩnh vực y học, ẩm thực… Chính lúc này GV đã click chuột từ máy vi tính để có thêm các hình ảnh cụ thể về giá trị của hoa sen đối với kiến trúc chùa chiền, tranh dân gian Đông Hồ, cốm gói lá sen, thuốc làm từ tim sen… giúp các em hiểu hơn bản chất của sự vật. Trở lại với lọ muối, GV cũng gợi ý cho cả lớp “phát hiện” công dụng của muối đối với cuộc sống hàng ngày. Khi có sự can thiệp của bộ sưu tập tư liệu, GV không còn khó khăn khi đưa học sinh đến với nội dung chính của bài giảng: “Nhận thức lý tính do tư duy mang lại, nó phản ánh gián tiếp và giúp con người biết bản chất, sự vật và hiện tượng”. Đưa ra bảng so sánh ưu và nhược của nhận thức cảm tính cùng với nhận thức lý tính ở phần cuối bài, GV đã giúp học sinh biết thêm thao tác đối chiếu, so sánh các khái niệm để hiểu sâu và hiểu kỹ chúng hơn.
 Tuy có dùng máy chiếu để minh họa cho bài giảng của mình nhưng cô Thu Sương đã biết tiết chế hình ảnh, không hề lạm dụng CNTT một cách sa đà. Hình ảnh đưa ra không nhiều, có mức độ và được sử dụng lúc cần thiết. Chính vì thế giá trị của hình ảnh lại càng được “tôn vinh” thêm một lần nữa. Đây cũng là kinh nghiệm cho những tiết dạy thường sử dụng màn hình trình chiếu Power Point và nhất là những ai còn quá lệ thuộc vào máy vi tính. Trong tiết dạy, cô Thu Sương vẫn cần đến bảng đen phấn trắng để giới thiệu nội dung bài giảng, vẫn tôn trọng phương pháp dạy truyền thống mà hiện nay nhiều người muốn “bài trừ”. Đây là điều mà nhiều người rất e ngại khi kết hợp cả hai phương pháp giảng dạy trong cùng một bài. Ấn tượng nhất trong tiết dạy là bức tranh từ câu chuyện Thầy bói xem voi. Giới thiệu câu chuyện ngụ ngôn đó, cô Thu Sương muốn đưa ra thông điệp “không được đánh giá sự vật một cách phiến diện từ nhận thức cảm tính”. Đó cũng là ý của câu ngạn ngữ mà GV đã chốt lại cuối giờ dạy: “Lý luận không có thực tiễn là lý luận suông”.
Phan Ngọc Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)