Bộ Y tế vừa ban hành tiêu chuẩn (TC) sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (PTGTCGĐB) và TC sức khoẻ người khuyết tật (NKT) điều khiển xe môtô, xe gắn máy ba bánh dùng cho NKT.
Đây là những quy định mới, đặc biệt là bản TCSK dành riêng cho NKT điều khiển xe môtô, xe gắn máy lần đầu tiên được xây dựng ở VN. Vậy những TCSK nào không đủ điều kiện để lái xe? PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quý Tường – Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế.
Trước đây, Bộ Y tế đã ban hành TCSK người điều khiển các phương tiện giao thông. Vì sao đến nay bộ lại ban hành thêm một bản TCSK nữa?
– Cách đây 8 năm, Bộ Y tế đã ban hành bản TCSK người điều khiển phương tiện giao thông áp dụng cho những người điều khiển các phương tiện giao thông có động cơ trên đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường biển. Đến nay, các phương tiện giao thông ngày càng nhiều, kiến trúc hạ tầng giao thông ngày càng phát triển hơn, đặc biệt là cần có các bản TCSK riêng biệt cho từng loại hình giao thông. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung bản TCSK người điều khiển PTGTCGĐB là rất cần thiết.
Vậy, bản TCSK mới này sẽ có những điểm gì mới hơn?
– Bản TCSK của người điều khiển PTGTCGĐB lần nay bổ sung các TCSK cho từng loại phương tiện như: Xe gắn máy, môtô, ôtô các loại… và có quy định riêng cho người lái xe chuyên nghiệp hay lái xe không chuyên nghiệp. Bản TCSK này chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 gồm lái xe hạng A2, C, D, E, F; nhóm 2 gồm hạng A3, A4, B1, B2; nhóm 3 gồm hạng A1… Đặc biệt, bản TC này đưa ra các tiêu chí gồm tiêu chí về thể lực và 13 nhóm tiêu chí theo chuyên khoa.
Cụ thể là những người như thế nào được coi là không đủ TC?
– Bản tiêu chuẩn quy định rõ, người lái xe phải được khám sức khoẻ theo 83 tiêu chí gồm: Thể lực, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, tâm thần, thần kinh, tim mạch, hô hấp, hệ cơ xương khớp, da liễu, truyền nhiễm… Về thể lực: Người nặng dưới 40kg và cao dưới 145cm sẽ không được lái xe môtô, người thấp dưới 150cm sẽ không được lái xe ôtô. Người lái xe nếu mắc một trong số 77 bệnh sau sẽ không đủ điều kiện về sức khoẻ để điều khiển phương tiện GTCGĐB: Rối loạn sắc giác hoặc nhận thức màu sắc chậm, hội chứng tiền đình ốc tai, khó thở thanh quản, xương hàm gãy, rối loạn tâm thần cấp/mạn tính chưa khỏi hoàn toàn hoặc đã khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 2 năm, động kinh, tăng huyết áp độ 2 trở lên, các bệnh tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim cũ, ghép tim, thay van tim, đặt Stend mạch vành, ghép gan, thoát vị đĩa đệm, cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân trở lên, cụt hoặc mất chức năng các ngón bàn tay/bàn chân, teo cơ, các bệnh da liễu mạn tính, đái tháo đường có biến chứng…
Còn NKT sẽ phải đảm bảo những tiêu chí nào mới được phép lái xe?
– NKT bị cụt hoặc mất chức năng hai chi trên hoặc một chi trên và một chi dưới cùng bên hoặc tháo khớp cả hai bên thì không đủ điều kiện về sức khoẻ điều khiển xe môtô, xe gắn máy dành cho NKT. Không khám và cấp giấy chứng nhận sức khoẻ cho người điều khiển xe môtô, xe ba bánh dùng cho NKT khi đang bị bệnh cấp tính hoặc đang điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Có 42 tiêu chí được đặt ra về các chức năng sinh lý bệnh tật, nếu người có một trong các tiêu chí trên được coi là không đủ điều kiện về sức khoẻ để điều khiển xe.
Việc cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe hiện chưa được quản lý chặt chẽ. Bộ Y tế sẽ có những quy định nào để lập lại trật tự?
– Hiện Bộ Y tế đã cho phép các cơ sở y tế, kể cả công và tư đều được tổ chức khám sức khoẻ cho người lái xe nếu đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về trang thiết bị, đủ chuyên khoa do Bộ Y tế quy định mà không cần phải xin giấy phép. Ông giám đốc cơ sở y tế chỉ cần báo cáo với cấp trên và phải chịu trách nhiệm về hoạt động này. Việc thanh – kiểm tra sẽ được làm nghiêm túc hơn, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nặng. Để góp phần hạn chế việc mua bán giấy khám sức khoẻ, Bộ Y tế quy định thêm một bản kê khai tiền sử của đối tượng khám sức khoẻ. Người khai phải trả lời đủ 36 câu hỏi, cam kết và ghi rõ họ tên và có xác nhận của bác sĩ.
– Xin cảm ơn ông!
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
Phương Ngọc (Theo LĐO)
Bình luận (0)