Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô á khoa hái đậu thuê

Tạp Chí Giáo Dục

Với số điểm 23, cô gái người Chu Ru trên cao nguyên Lâm Viên đã đỗ đầu khối C (ngành sư phạm ngữ văn) và cũng là á khoa Trường đại học Đà Lạt.

Ma Hiêng hái đậu thuê – Ảnh: Ngô Thiên Phúc
Cô gái ấy tên là Ma Hiêng, học sinh lớp 12D Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng. Ma Hiêng sống tại xã vùng sâu Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ.
Sau ba ngày mới biết kết quả
Dù Trường ĐH Đà Lạt công bố điểm từ ngày 21-7, nhưng phải đến ba ngày sau Ma Hiêng mới biết kết quả (văn 7,25, lịch sử 7, địa lý 8,75). Sau khi thi đại học, từ Lâm Đồng Ma Hiêng qua xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) để làm thuê. Do nơi đây là huyện vùng sâu nên không có sóng điện thoại. Để đến được nơi Ma Hiêng đang hái đậu thuê, chúng tôi phải đi một khoảng đường dài, vượt suối, băng đồi…
Trong cái nắng như đốt của vùng xứ hạn Ninh Sơn, dáng cô gái nhỏ nhắn, lọt thỏm dưới những vạt đậu rậm rạp. Gạt giọt mồ hôi trên trán, Ma Hiêng nhìn chúng tôi, cười: “Một ngày hái đậu thế này em được 60.000 đồng. Số tiền này em sẽ dành cho ngày nhập học”.
Ma Hiêng nhận được tin nhắn kết quả thi đại đọc từ một bạn ở quê khi đang hái đậu trên đồi. Bạn nói: “Khi làm bài xong em không nghĩ gì cả, chỉ mong sẽ đậu vào ngành mình đã chọn thôi. Nên khi nhận tin nhắn của bạn, em rất bất ngờ và hạnh phúc. Nó như một giấc mơ”.
Ma Hiêng là học sinh đầu tiên của nhà trường đoạt danh hiệu á khoa trong kỳ thi đại học. Cô Nguyễn Thị Bảo Châu, chủ nhiệm lớp Ma Hiêng, bộc bạch: “Dù xa gia đình nhưng em luôn cố gắng học tập. Việc em đậu á khoa là niềm vui chung của toàn thể thầy và trò nhà trường”. Bà Ma Thúy (mẹ Ma Hiêng) nghe cô con gái báo tin cũng vui lắm, nhưng niềm vui ấy pha lẫn nhiều nỗi lo toan. Ma Hiêng buồn buồn nói: “Hôm em gọi điện về báo tin vui cho mẹ, nghe giọng mẹ buồn lắm. Mẹ chỉ nói không biết lấy tiền đâu cho con đi học”. Để kiếm tiền nhập học, Ma Hiêng cho biết dự định làm thuê ở Ma Nới đến gần ngày nhập học mới về.
Mơ một ngày ra Trường Sa
Gia đình Ma Hiêng có năm anh chị em. Lớn lên khi chưa biết tiếng cha, nhìn mẹ ngày ngày lên rẫy bắp, ra ruộng lúa một mình quần quật ngày đêm mà gia đình vẫn thiếu ăn, tất cả đã thôi thúc cô bé Ma Hiêng quyết tâm học thật giỏi.
Ma Hiêng là người con duy nhất trong gia đình được đi học. Không phụ lòng cả nhà, suốt 11 năm liền Ma Hiêng đều đạt học sinh giỏi, năm lớp 12 đoạt giải ba học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh, giải khuyến khích môn văn dành cho học sinh các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc. Không chỉ học giỏi, bạn còn là bí thư chi đoàn của lớp, ủy viên ban thường vụ Đoàn trường.
Ông Ja Thuần, phó bí thư Đảng ủy xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, không khỏi tự hào: “Lần đầu tiên người dân Chu Ru chúng tôi có đứa đậu cao như vậy đó, còn học đại học cũng rất hiếm. Ma Hiêng là niềm tự hào không chỉ cho gia đình, buôn làng mà còn cả xã nữa đấy”.
Ma Hiêng không một ngày vác cặp đi học ôn, rất ít sách để đọc tham khảo nhưng vì sao em lại học giỏi và thi đạt điểm cao như vậy? Trả lời thắc mắc của chúng tôi, Ma Hiêng chia sẻ: “Em chủ yếu học ở sách giáo khoa. Riêng ba môn văn, sử, địa, em luôn học theo sơ đồ và so sánh các dữ liệu liên quan với nhau, nên những kiến thức rất dễ nhớ và không bị nhầm lẫn”.
Với số điểm môn địa lý rất cao (8,75), Ma Hiêng cho biết đó là do nắm chắc các kiến thức về biển đảo quê hương. “Là người sinh ra và lớn lên ở cao nguyên, ước mơ của Ma Hiêng luôn hướng về phía biển. Em ao ước sẽ có một ngày đặt chân đến Trường Sa, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mình” – Ma Hiêng nói.
Theo NGÔ THIÊN PHÚC
Tuoi tre

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)