Trẻ đang được tiêm vaccine (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.HIỀN |
Xung quanh những lùm xùm dư luận về trường hợp bé trai 4 tháng tuổi (Q.2, TP.HCM) tử vong vào cuối tháng 10-2012 sau hơn 10 giờ tiêm vaccine Quinvaxem, Viện Pasteur TP.HCM đã có công văn đề nghị Sở Y tế TP.HCM thành lập hội đồng xem xét, đánh giá. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguyên nhân vụ việc vẫn chưa thực sự được làm rõ.
Quinvaxem là vaccine “5 trong 1” phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh do Haemophilus Influenzae type b (gây viêm phổi, viêm màng não…) được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi, do Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam, bắt đầu từ tháng 6-2010 đến hết năm 2015 dựa trên những thành quả về thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván mà Việt Nam đạt được.
“Bản thân vaccine luôn có phản ứng”
Đó là lời khẳng định của ThS.BS Hồ Vĩnh Thắng – Trưởng nhóm tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam, Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM. Theo BS. Thắng thì các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng được chia làm 2 nhóm: Nhóm phản ứng thông thường và nhẹ như sốt, đau, sưng tại chỗ; nhóm phản ứng nặng, hiếm được tính trên đơn vị triệu liều. Tuy nhiên, do Quinvaxem có “thành phần ho gà toàn tế bào” nên phản ứng sẽ nặng hơn. Hiện, trên thế giới có khoảng 40 quốc gia sử dụng Quinvaxem, trong đó có Brasil, Venezuela, Trung Quốc.
Từ cuối tháng 10-2012 đến đầu tháng 1-2013, chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, nước ta đã ghi nhận tới 7 trường hợp trẻ phản ứng nặng sau tiêm vaccine Quinvaxem. BS. Thắng cho biết so với tỷ lệ tai biến nặng 1/50.000 mũi thì đây là một tỷ lệ đáng lo ngại và hiếm xảy ra. Tuy vậy, nguyên nhân cũng chỉ được xác định dựa trên những triệu chứng lâm sàng. Riêng trường hợp trẻ ở Kiên Giang (2 tháng tuổi) tử vong 4 ngày sau tiêm, có 4 giả thuyết về nguyên nhân được Hội đồng tư vấn đánh giá tai biến sau tiêm vaccine của tỉnh đưa ra: Do xuất huyết não, do rối loạn đông máu, do bé khi bú bị sặc sữa, đột tử chưa rõ nguyên nhân, không loại trừ phản ứng sau tiêm chủng. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, 90% trong số trẻ này được tiêm chủng. Trong 2 năm rưỡi đưa Quinvaxem vào chương trình tiêm chủng mở rộng với 3 mũi tiêm/trẻ, tính ra đã có hơn 10 triệu liều vaccine được tiêm cho trẻ. Do vậy, sự chậm trễ trong việc làm rõ nguyên nhân tử vong đã làm dấy lên không ít những lo ngại đối với các bậc cha mẹ có con thuộc độ tuổi tiêm chủng.
Sắp có hội đồng thẩm định?
Từ khi nhận được thông tin về trường hợp tử vong sau tiêm tại TP.HCM (24-10-2012), Trung tâm Y tế dự phòng đã phối hợp cùng Viện Pasteur điều tra các thông tin về trường hợp trên, kết quả điều tra đã được chuyển cho Sở Y tế. Đồng thời, nếu căn cứ theo thông tư 21/2011/TT-BYT, quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế thì việc thành lập hội đồng thẩm định theo BS. Thắng đã phải tiến hành từ lâu. Nhưng không hiểu lý do vì sao hội đồng lại chưa tiến hành họp để đưa ra kết luận. Viện Pasteur TP.HCM cũng đã có công văn gửi Sở Y tế nhắc về việc họp của hội đồng và đề nghị cần thực hiện trong tháng 1-2013.
Trước sức ép từ dư luận, BS. Nguyễn Hoài Nam – Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM cho biết, đang trình sở thành lập hội đồng chuyên môn với nhiều thành phần liên quan để đánh giá xem xét trẻ tử vong ở TP.HCM có phải do Quinvaxem hay không. Trước đó, do tính chất bất thường của vụ việc, Hội đồng xử lý tai biến sau tiêm chủng (Bộ Y tế) đã tiến hành họp nóng để truy tìm căn nguyên tử vong ở trẻ. Và đưa ra kết luận rằng đối với những ca tử vong sau tiêm, không có bằng chứng liên quan về lỗi trong quy trình bảo quản, vận chuyển vaccine, cũng như không tìm thấy lỗi về chất lượng vaccine. Đồng thời đã gửi mẫu vaccine nghi gây tai biến đến Nhật Bản để kiểm định, yêu cầu phía nhà sản xuất (Hàn Quốc) rà soát lại chu trình sản xuất.
PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết hiện những lô Quinvaxem nghi gây tai biến đã được dừng sử dụng. Tuy nhiên, Quinvaxem vẫn là loại vaccine được dùng để tiêm chủng cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
BS. Hồ Vĩnh Thắng khuyến cáo các bậc phụ huynh vẫn tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ. Tuy nhiên, cần phải thận trọng hơn để tránh những phản ứng sau tiêm. Theo đó, cha mẹ nên theo dõi sát sao trẻ 24 giờ đầu sau tiêm. Nếu phát hiện ở trẻ có phản ứng như co giật, người tím tái, khó thở, khóc hoài không dứt thì cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để các BS xử lý kịp thời, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Yến Hoa
Bình luận (0)