Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cơ bản đã xóa bỏ được các lớp học 3 ca

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, đến nay trên cả nước đã xây dựng 84.294 phòng học kiên cố và 22.792 nhà công vụ cho giáo viên. Đây là thông tin Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em Trần Duy Tạo cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, chiều 9/9/2011.

Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Ảnh: Chinhphu.vn

Thay thế dần những phòng học tạm thời
PV: Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 đặt mục tiêu xoá bỏ phòng học 3 ca, phòng học tạm thời, giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Xin ông cho biết kết quả thực hiện Đề án đến thời điểm này?
Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em: Sau gần 4 năm thực hiện Đề án, xét trên phạm vi toàn quốc, Đề án đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, với 84.294 phòng học kiên cố được xây dựng, trong đó có 67.784 phòng học đã hoàn thành kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ cho học tập và giảng dạy.
Số nhà công vụ giáo viên đã triển khai xây dựng là 22.792 phòng, trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 19.507 phòng, giải quyết điều kiện chỗ ở cho giáo viên từ giáo dục mầm non đến các cấp học phổ thông.
Với kết quả trên, về cơ bản chúng ta đã thực hiện được mục tiêu xoá bỏ các lớp học 3 ca và thay thế dần những phòng học tạm thời.
Cơ sở vật chất nhiều trường học được tăng cường, tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, tạo điều kiện cho việc củng cố và duy trì kết quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện chủ trương phổ cập THCS theo Nghị quyết 41 của Quốc hội khoá X; góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục; tạo điều kiện cho các trường học phấn đấu xây dựng đạt chuẩn Quốc gia; hình thành mạng lưới trường học của từng tỉnh thành và trên phạm vi toàn quốc.
PV: Vậy vấn đề chất lượng xây dựng các phòng học và nhà công vụ giáo viên như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Duy Tạo: Đại đa số các phòng học mới xây dựng được thực hiện theo thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng ban hành, đáp ứng yêu cầu kiên cố, bền vững và các tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng theo quy định hiện hành, tạo điều kiện cho các trường phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới trường học ở các địa phương.
Tuy nhiên, tại một số địa phương có những điểm trường chưa áp dụng theo đúng hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương và Bộ Xây dựng.
Chẳng hạn như một số điểm trường ở Lào Cai, Lai Châu, Sóc Trăng sử dụng trần treo (thạch cao, nhựa xốp) đối với hành lang không đảm bảo chất lượng công trình. Hay như một số điểm trường mầm non xây dựng không có nhà vệ sinh (huyện Sin Hồ tỉnh Lai Châu; huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên…)

Trường Tiểu học Vĩnh Khê (huyện Đông Triều) được xây mới – Ảnh Quangninh.gov.vn

PV: Ông có thể cho biết cụ thể những địa phương nào triển khai tốt việc xây dựng phòng học và nhà công vụ giáo viên?
Ông Trần Duy Tạo: Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, có 16 tỉnh, thành phố xây dựng số phòng học đạt tỷ lệ trên 70%. Đặc biệt, có 4 địa phương đã hoàn thành trước kế hoạch là Hà Nội 126,8%; Bắc Ninh 110,8%; Cà Mau 100%; Quảng Ninh 100%. Ngoài ra, Bắc Giang đạt 96,2%; Hải Phòng 91%…
Về xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đến nay có 6 tỉnh đã thực hiện đạt tỷ lệ trên 70% là Tây Ninh 92,2%; Bắc Giang 89,3%; Tuyên Quang 88%; Phú Yên 81,1%; Thừa Thiên Huế 80% và Bình Định 74,6%.
Đề xuất tiếp tục triển khai Đề án giai đoạn 2012-2015
PV: Vậy đến thời điểm này còn những tồn tại gì trong triển khai Đề án không thưa ông?
Ông Trần Duy Tạo: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện đề án còn một số tồn tại. Cụ thể, công tác xây dựng kế hoạch danh mục thực hiện của nhiều địa phương không căn cứ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, còn phân bổ dàn trải, theo suất đầu tư nên một số tỉnh còn có tình trạng nợ đọng đầu tư.
Việc kiểm tra của Ban Chỉ đạo trung ương và các đoàn kiểm tra liên Bộ cũng còn gặp khó khăn và chỉ mang tính xác suất do đề án triển khai thực hiện trên phạm vi rộng, địa hình phức tạp, thiếu cán bộ, phương tiện thông tin và giao thông khó khăn (nhất là các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa,…).
Hơn nữa, số lượng phòng học cần phải xây dựng là nhiều, lại cùng phải triển khai trong một thời gian, ở khắp các vùng, miền (mà phần lớn tập trung ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và đồng bằng sông Cửu Long) nên rất khó khăn trong vận chuyển nguyên vật liệu và lựa chọn đơn vị thi công.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, giá vật liệu biến động tăng. Việc huy động các nguồn vốn của địa phương còn nhiều khó khăn; do vậy kết quả mới chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch đã được phê duyệt.
PV: Sau thời điểm năm 2012 kết thúc Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, xin ông cho biết liệu còn cần phải tiếp tục triển khai những công việc gì?
Ông Trần Duy Tạo: Để tiếp tục nâng cao điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép thực hiện tiếp Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2012-2015.
Thứ nhất là để hoàn thành nốt số phòng học và nhà công vụ giáo viên thuộc giai đoạn 2008-2012 đã được phê duyệt nhưng chưa có nguồn vốn để xây dựng (khoảng 54.500 phòng học và 31.800 nhà công vụ giáo viên)
Thứ hai là giải quyết số phòng học mượn, học nhờ (theo báo cáo của các địa phương năm 2007 là khoảng 25.500 phòng, đến tháng 6/2011 con số này tăng lên thành 43.000 phòng học).
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thu Huyền – Phương Mai
(Chinhphu.vn) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)