Quá yêu thích ngành Kiến trúc – Thiết kế nội ngoại thất đến nỗi dành tiền tiết kiệm để đi học thêm môn Vẽ, miệt mài bên các bức vẽ hàng đêm, mới đây cô bạn Trịnh Thùy Dung đã đỗ thủ khoa khối H, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Gặp Thùy Dung, tôi có thiện cảm với em ngay, bởi cảm nhận ban đầu, em là người thân thiện, cởi mở và rất chan hòa. Qua trò chuyện được biết cô bạn cựu học sinh Trường THPT Kim Liên, Hà Nội này liên tục là học sinh giỏi trong nhiều năm liền.
Trịnh Thùy Dung.
Lúc còn nhỏ, Dung đã phải sống xa ba mẹ, biết sống tự lập từ khi 6 tuổi – cái tuổi mà các em nhỏ còn được bố mẹ cưng chiều, cần được bố mẹ che chở. Nhắc đến năm tháng tuổi thơ sống xa cha mẹ, khuôn mặt Dung thoáng một chút ưu tư, em kể: Năm 1999 khi lên 6 tuổi, em được ba mẹ gửi về nước ở với ông bà ngoại vì lúc đó ba mẹ học ở nước ngoài (ba em làm nghiên cứu sinh, tốt nghiệp Ph.D năm 2003). Khi ấy về Việt Nam, dù được ông bà ngoại hết mực thương yêu nhưng cô bé Thùy Dung vẫn nhớ ba mẹ, nhiều lúc em khóc thầm trong đêm. Thời gian qua đi, giờ nghĩ lại, Thùy Dung chợt nhận ra một điều rằng, cuộc sống xa ba mẹ, tuy em có bị thiệt thòi nhưng bù lại, em trở thành một cô gái có tính độc lập cao, quyết đoán và mạnh mẽ.
Chính tính độc lập và quyết đoán cũng khiến Dung tự chọn con đường tương lai của mình. Xuất phát từ sở thích vẽ từ hồi bé, ngay từ những năm học cấp hai, Dung đã ấp ủ trở thành sinh viên ngành Kiến trúc – thiết kế nội ngoại thất từ những năm học cấp hai. Hoài bão đó trong em ngày càng lớn dần.
Quá yêu thích ngành Kiến trúc – Thiết kế nội ngoại thất, Dung giấu ba mẹ đi học thêm môn Vẽ từ hè năm lớp 10. Tiền học thêm do Dung tiết kiệm và tự kiếm được nhờ làm báo tường, báo tuần cho các em học sinh phổ thông hay vẽ tranh bán cho các bạn hay các em học sinh khác không có điều kiện hoặc khả năng làm.
Đến hè năm lớp 11, Dung quyết định thưa chuyện với ba mẹ về dự định của mình. Dù vô cùng bất ngờ trước định hướng nghề nghiệp của con gái nhưng ba mẹ Dung đã tôn trọng quyết định của Dung và tuyên bố chu cấp mọi chi phí để em theo học vẽ.
“Học vẽ để trở thành một sinh viên kiến trúc không dễ như em tưởng chị ạ. Không đơn thuần là vẽ theo cảm hứng, mà phải vẽ có ý tưởng sâu sắc, có hình khối, có chiều sâu. Nhưng càng học em càng đam mê. Em luôn có cảm giác thăng hoa khi trước mặt mình là giá vẽ, là bút chì, là những tấm toan bằng giấy” – Thùy Dung chia sẻ.
Hàng ngày miệt mài trên lớp học các môn văn hóa, đêm đến là Dung lại một mình “sống với các bức vẽ”. Giấy tập vẽ của em chất đến hàng mét, mồ hôi đổ xuống đó cũng nhiều.
Và những nỗ lực, cố gắng, đam mê của Dung đã được bù đắp. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Thùy Dung trở thành thủ khoa khối H của ĐH Kiến trúc, hai môn vẽ là vẽ màu và vẽ hình được các giám khảo đánh giá rất cao.
Thùy Dung tâm sự với tôi: “Con đường học hành phía trước còn nhiều thử thách, em chưa cảm thấy hài lòng với kết quả này, em cần phải nỗ lực gấp nhiều lần thì mới có thể trở thành một nhà thiết kế giỏi”.
Phương Hạnh
(Dân trí)
Bình luận (0)