Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cô bé bắt cua đỗ điểm cao vào ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, người dân làng Minh Ngọc, xã Minh Sơn, Đô Lương, Nghệ An đón nhận tin vui: cô bé Nguyễn Thị Nghĩa – “công dân” của làng thi đỗ điểm cao vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Nghĩa là một trong 3 thí sinh đỗ với số điểm cao nhất vào Học viện.

Đó quả là một phần thưởng xứng đáng với sự cố gắng của bản thân cô học trò nhỏ này và cũng là nỗ lực lớn của cả gia đình em. Cha mẹ Nghĩa vốn là những nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã Minh Sơn. 
Em Nguyễn Thị Nghĩa, học sinh Trường THPT Đô Lương I, huyện Đô Lương, Nghệ An là một trong 3 thí sinh đỗ với số điểm cao nhất vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
 Cứ sau giờ học, Nghĩa lại đạp xe đi cả chục cây số, tìm đến những cánh đồng trên địa phận huyện Thanh Chương có tiếng là nhiều cua, ốc. Với “đồ nghề” gồm cái bao tải và chiếc xe đạp cà tàng, Nghĩa rong ruổi khắp đồng xa, đồng gần, hì hục bắt cua, mò ốc. Mỗi buổi nhiều nhất Nghĩa cũng chỉ kiếm được 15 ngàn đồng. 
“Nhiều khi em cũng thấy mệt, muốn đi học thêm, nhưng thấy cha mẹ vất vả nên em cũng muốn kiếm chút tiền đóng học, mua sách vở nên em vẫn phải cố gắng”, Nghĩa bộc bạch. 
Dù vậy, cô học trò hiếu học vẫn không quên nhiệm vụ chính của mình là “dùi mài kinh sử” để ĐH, thỏa ước mơ được học tiếp nơi giảng đường ĐH.
“Có chí thì nên”, kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua, Nghĩa thi đỗ khoa Xuất bản (khối C) Học viện Báo chí & Tuyên truyền với 26,5 điểm.
Từ cấp 1 đến cấp 2, Nghĩa đều đạt học sinh giỏi huyện môn Văn. Lên cấp 3, học Trường THPT Đô Lương I, Nghĩa là thành viên trong nhóm bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh môn Sử. Trong 2 lần thi thử ĐH ở trường, điểm của Nghĩa đều đứng đầu khối C với 25 và 26 điểm.
Nói về cô học trò “cưng” của mình, cô giáo Nguyễn Thị Ngà – giáo viên chủ nhiệm của em Nghĩa cho biết: “Lâu lắm rồi Trường THPT Đô Lương I mới có một em học sinh đỗ khối C với số điểm cao như vậy”. Cô Nga cũng cho biết thêm cô trò ít nói này có hoàn cảnh khá đặc biệt.
Trong gia đình em Nghĩa, 6 miệng ăn đều nhờ vào vài sào ruộng với sự lao động chăm chỉ của cha mẹ em. Nghĩa cùng 3 người em (cậu em út đang học lớp 2) đang tuổi ăn, tuổi học, chưa giúp đỡ được nhiều cho gia đình. Ngoài việc đồng áng, cha mẹ em phải lo kiếm những công việc làm thêm nuôi 4 người con ăn học.
Khi rảnh việc đồng áng, chị Nguyễn Thị Liên – mẹ Nghĩa lại tìm đến những lò gạch mới ra lò nhận khoán gánh gạch thuê cho các chủ lò gạch trong những xóm lân cận. Vì những khoản tiền đóng học cho con, người phụ nữ ngoài 40 tuổi ấy chịu khó làm lụng để con cái có được tương lai tươi sáng hơn. Anh Nguyễn Đình Nhân – cha em Nghĩa cũng suốt ngày trên những công trường xây dựng. Công việc xách vữa mang về cho anh mỗi tháng khoảng 800 nghìn đồng, trong khi tổng chi phí cho các con ăn học mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng.
Bà nội Nghĩa trước căn nhà của gia đình em.
Điều khiến gia đình em Nghĩa cảm thấy lo nhất bây giờ là chuyện tăng học phí. “Với người thành phố thì mỗi tháng 300 nghìn có thể không nhiều nhặn gì, nhưng nhà tui làm nông nên đó cũng là cả vấn đề”, anh Nhân tâm sự.

Bài và ảnh: Thuấn Hoàng / Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)