Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Có chấp nhận “phân tầng” đại học?

Tạp Chí Giáo Dục

Đợt xét tuyển nguyện vọng 2 đang dần khép lại với nghịch cảnh quen thuộc: nhiều ngành đào tạo hiu hắt thí sinh trong khi một số ngành khác lại "bội thực" hồ sơ đăng ký. Kết quả này cho thấy thực trạng mất cân đối về tuyển sinh giữa các ngành nghề đào tạo trong vài năm trở lại đây. Liệu quy hoạch phát triển nguồn nhân lực vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có thay đổi được bức tranh tổng thể trong các mùa tuyển sinh tiếp theo?

Cải thiện tình trạng thừa – thiếu nhân lực
Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, với bản quy hoạch này, có thể hy vọng cải thiện tình trạng "cứ ang áng mà đào tạo" diễn ra lâu nay. "Nếu mỗi  tỉnh, thành không xây dựng được quy hoạch phát triển ít nhất trong 10 năm tới thì các trường ĐH, CĐ cũng chịu, không thể có hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực một cách hợp lý. Đơn cử, Trường ĐH Hồng Đức rất cần biết trong vòng 4-5 năm tới, tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu bao nhiêu kỹ sư nông nghiệp để có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo. Nếu trường không làm được thì phải báo cáo để trường khác thực hiện". Theo GS Phạm Tất Dong, đây cũng là vấn đề của thị trường lao động với mối quan hệ cung – cầu. Nếu mỗi yếu tố trong quan hệ này bị bỏ qua hoặc không tương ứng thì sẽ gây nên tình trạng thừa hoặc thiếu nhân lực.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Phương Đông. Ảnh: Trung Kiên
GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội: Với số liệu chi tiết về cơ cấu bậc đào tạo, về nhân lực các ngành, các lĩnh vực… xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của nước ta, bản quy hoạch có thể là chìa khóa để các trường triển khai đào tạo theo nhu cầu xã hội. GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia cũng khẳng định ý nghĩa tích cực của bản quy hoạch trên cùng phương diện: các ngành, địa phương sẽ "đặt hàng" cơ sở đào tạo trên cơ sở quy hoạch nguồn nhân lực của mình. Còn các trường có thể xác định nhu cầu nhân lực trên quy mô toàn quốc và chủ động giới thiệu về mình. Hơn thế, chính các cơ sở đào tạo có thể nhìn vào quy hoạch để chỉ ra những ngành mới mà các đơn vị chưa nhìn ra hoặc chưa chú trọng. Ví dụ, ĐH QG Hà Nội đang xây dựng những lĩnh vực đào tạo còn rất ít người biết tới ở Việt Nam như chương trình về biến đổi khí hậu, các ngành khoa học bền vững… Đó là những lĩnh vực mà các địa phương, các cơ quan hoạch định chính sách đều rất cần đến.
Tìm giải pháp từ "cỗ máy" nhân lực
Để có được nguồn nhân lực cần thiết, một trong những giải pháp quan trọng mà bản quy hoạch đưa ra là trong giai đoạn 2011-2015, cả nước sẽ thành lập thêm 158 trường ĐH, CĐ nữa (khoảng 70 trường ĐH, 80 trường CĐ) để bổ sung vào lực lượng "máy cái" sản xuất nhân lực. Tính khả thi của giải pháp này chính là điều mà nhiều chuyên gia giáo dục – đào tạo còn băn khoăn.
GS Phạm Tất Dong đặt vấn đề: Các trường ngoài công lập vốn đã kêu trời về việc không tuyển đủ thí sinh. Nếu có thêm hàng trăm trường nữa thì liệu các trường có… thất nghiệp hay không? Các trường hiện có đã đào tạo hết công suất hay chưa? Đó là chưa kể tới cái khó nhất là thiếu giảng viên. Hiện nay, lực lượng giảng viên đã bị "pha loãng" rồi. Chúng ta đang thiếu từ các chủ nhiệm bộ môn cho tới giảng viên và giáo trình. Nếu có thêm trường thì vấn đề này càng đáng lo ngại hơn.
Theo GS Bành Tiến Long, việc mỗi năm có thêm 30 trường là một thách thức lớn với các nhà đầu tư. Mục tiêu khó khả thi nếu các nhà đầu tư trong vòng 3-4 năm không chuẩn bị đủ các yêu cầu tối thiểu như đất đai, nguồn vốn và lực lượng giảng viên. Riêng thời gian cần thiết để số giảng viên mới tốt nghiệp ra trường có thể tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học  được cũng phải tới 3-4 năm. Giải pháp là gì? Quan điểm của GS Bành Tiến Long là nếu không kịp có nguồn nhân lực từ các trường mới thành lập thì nhiệm vụ đào tạo nên được giao cho các trường khác có truyền thống và còn năng lực đào tạo. Còn theo GS Phạm Tất Dong, bên cạnh việc đào tạo mới phải mở ra hướng đào tạo từ xa, tích lũy kiến thức dần dần để củng cố nguồn nhân lực sẵn có. Chúng ta nói nhiều tới đào tạo SV trong khi chính lực lượng "đang chiến đấu" còn bất cập về kiến thức. Rất nhiều cán bộ trong các cơ quan đang cần được đào tạo lại, lấp các lỗ hổng kiến thức để đáp ứng yêu cầu của công việc. Hướng đào tạo từ xa thích hợp với những người đang đi làm, khuyến khích người học không học vì bằng cấp. Bởi thực ra người trẻ mới cần bằng, chứ người đang làm việc rồi thì ít cần hơn.
Từ một góc nhìn khác song không hề mâu thuẫn với các quan điểm trên là ý kiến của GS Vũ Minh Giang: Chưa vội nói tới việc cần thêm bao nhiêu trường, để đạt được mục tiêu mong muốn, chúng ta phải tính tới cơ chế phân tầng ĐH như xu hướng thế giới hiện giờ bởi nguồn nhân lực cũng tùy thuộc vào các thang bậc khác nhau của xã hội, với nhiều nhu cầu khác nhau. Việc thành lập các trường cần tuân theo quy luật đó, có trường đào tạo ra những người nghiên cứu, có trường dành cho các ngành nghề cụ thể khác trong xã hội. Ngoài ra còn có sự điều tiết từ thị trường lao động. Nếu chưa chấp nhận phân tầng ĐH thì việc giải quyết vấn đề nguồn nhân lực sẽ có sự lúng túng.

Theo Quỳnh Phạm
(HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)