Nghị quyết (NQ) mới thay thế NQ54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang được thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV. Dự thảo gồm 12 điều, trong đó 7 điều (từ Điều 4 – Điều 10) quy định 44 cơ chế, chính sách khá toàn diện trên 7 lĩnh vực (gồm: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của TP; tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức). Theo đó có những lĩnh vực, nội dung hoàn toàn mới; do đó, TP.HCM cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức (CB-CC), bộ máy để tiếp nhận, quản lý nhiệm vụ được phân cấp.
Nhân sự được xem là khâu then chốt trong triển khai thực hiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
TS. Nguyễn Ngọc Chung – Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM – cho rằng, để đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả NQ mới trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức của toàn thể CB, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách mới, vượt trội tại TP. Những chính sách có tác động lớn, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực thì mức độ tổ chức thực thi càng gặp nhiều khó khăn nên đòi hỏi đội ngũ CB-CC trong quá trình thực thi, hoạch định phải có năng lực; có những kỹ năng cần thiết, vận dụng các hình thức, phương pháp, biện pháp phù hợp.
“Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB-CC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách mới, vượt trội và các chủ trương mang tính đặc thù cho TP.HCM thuộc phạm vi trên nhiều ngành, lĩnh vực, diễn ra không chỉ trên địa bàn TP mà còn có mối quan hệ với các địa phương và phạm vi quốc tế. Do đó trong quá trình thực hiện CB-CC phải có đủ trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, pháp luật…”, ông Chung nói.
Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ CB-CC là phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Cần tiến hành rà soát, đánh giá để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể đối với từng vị trí công tác. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đối với các ngành, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý Nhà nước, quản lý đô thị, pháp luật quốc tế… tương ứng với các yêu cầu, đáp ứng nhiệm vụ thực hiện cơ chế, chính sách mới, vượt trội.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC, TS. Trịnh Xuân Ngọc – Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh đến nâng cao công tác tuyển dụng và sử dụng CB. Bố trí công tác, tạo điều kiện về môi trường làm việc và bố trí công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo. Tận dụng và khai thác cơ chế đặc thù của TP.HCM để nâng cao thu nhập, thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP.
TS. Ngọc cho rằng, nguyên nhân sâu xa của những tồn tại yếu kém về động lực phát triển của TP.HCM trong những năm vừa qua có một phần từ nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực chất lượng cao là nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức thời đại mới.
Khuyến khích cán bộ, công chức dấn thân vì công việc
Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình triển khai thực hiện NQ54 cho thấy năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong tổ chức thực hiện chủ trương, NQ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số CB, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa đồng đều, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Tinh thần, trách nhiệm, thái độ của một bộ phận CB, đảng viên và người đứng đầu thiếu nhiệt huyết khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Vì vậy với NQ mới thay thế NQ54, phải làm cho toàn thể CB, đảng viên và nhân dân thấy rõ quan điểm của Trung ương: Xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Từ đó, TP.HCM được ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững. Muốn thực hiện thành công các mục tiêu trên, cần phải xây dựng và phát triển đội ngũ CB-CC có năng lực, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Theo ThS. Trần Thị Linh – Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, để góp phần khuyến khích, bảo vệ CB, CC dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì cần tiếp tục triển khai thực hiện đề án tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Thực hiện chủ trương khuyến khích bảo vệ CB năng động, sáng tạo vì lợi ích chung phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Cần sớm thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị bằng cách sớm ban hành nghị định quy định về khuyến khích và bảo vệ CB năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Nhấn mạnh chính sách bảo vệ CB năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là hết sức cần thiết, ThS. Nguyễn Yến Nhi – Học viện Chính trị khu vực IV – cho rằng, chính sách này cần thực hiện một cách hệ thống, bao gồm rà soát và chuẩn hóa toàn bộ hệ thống chính sách trong các lĩnh vực, tránh chồng chéo, trùng lặp. Tất cả các quá trình của công tác CB như đánh giá, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm… đều phải lồng ghép nội dung khuyến khích CB có năng lực, năng động, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích chung. Xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ CB, trong đó chú trọng khuyến khích những CB dấn thân xử lý các tình huống thực tiễn mà chính sách hiện hành bị vượt qua. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng chủ trương, chính sách bảo vệ CB để lũng đoạn quyền lực, đi ngược lại với chủ trương, chính sách. TP.HCM có bối cảnh phù hợp, cần đột phá thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách, cơ chế bảo vệ CB. Đây là một trong những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm và ưu tiên thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, kinh nghiệm triển khai NQ54 hơn 5 năm qua, TP.HCM xác định việc chuẩn bị đội ngũ, điều kiện tâm thế để triển khai NQ mới rất quan trọng. HĐND TP, UBND TP, các quận huyện, sở ban ngành đều xác định tập trung, củng cố xây dựng đội ngũ đủ sức để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện. Với tinh thần củng cố tâm thế đội ngũ, TP đã chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục trong năm 2023 để cơ bản cụ thể hóa NQ mới, 4 năm còn lại tập trung tổ chức thực hiện.
Phú Cát
Bình luận (0)