Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo "chữa cháy" cơn khát nhân lực du lịch bằng văn bản hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch, khuyến khích sinh viên các ngành khác học văn bằng 2 về du lịch

Tổng cục Du lịch cho biết vừa phát hiện 300 trường hợp sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả và thực tế còn có thể nhiều hơn.

Chất lượng đào tạo có "vấn đề"

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định đến năm 2020, ngành du lịch sẽ đóng góp hơn 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, tính đến hết năm 2015, ngành du lịch mới có khoảng hơn 2,2 triệu lao động với hơn 600.000 lao động trực tiếp. Nhu cầu về nhân lực của ngành du lịch rất lớn nhưng khả năng cung ứng nhân lực thì lại rất kém.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng chỉ có khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên ĐH, CĐ chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên CĐ nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Golden T Travel, cho hay chất lượng nhân lực ngành du lịch đang có vấn đề. Ngay cả khi tuyển đúng người học ngành du lịch, các doanh nghiệp vẫn mất thời gian, công sức đào tạo lại. Ngoại ngữ, tin học được coi là chìa khóa để hội nhập song đây lại là điểm yếu lớn của đội ngũ làm du lịch hiện nay. Bên cạnh đó, kỹ năng mềm, khả năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch cũng chưa được trang bị đầy đủ.

Cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch - Ảnh 1.

Điều kiện bắt buộc để hưởng cơ chế đặc thù là các cơ sở giáo dục ĐH phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp đào tạo nhân lực du lịch. Ảnh: Quang Liêm

Theo thống kê của GS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, hiện có khoảng 60% lực lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh (42%), tỉ lệ biết tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Pháp 4%… Trong đó, số lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ 15% và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn…

Về lực lượng giảng viên, cả nước có khoảng 5.000 người tham gia đào tạo về du lịch, trong đó có 2.000 giảng viên, giáo viên, 2.580 đào tạo viên và 540 cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp. Tuy nhiên, theo nhận định của GS Đính thì về số lượng, đội ngũ nêu trên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, đội ngũ này cũng chưa chuyên sâu về du lịch, nhiều giảng viên chuyển từ ngành khác sang giảng dạy nên thiếu sự hiểu biết sâu sắc cả về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tế.

Mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2

Để giải cơn khát nhân lực cho ngành công nghiệp không khói, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Theo đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường thực hiện hình thức đào tạo văn bằng thứ hai ngành du lịch, khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại những cơ sở đào tạo du lịch.

Chỉ tiêu và điều kiện tiếp nhận do các trường quy định theo hướng phù hợp với thị trường lao động và sự tự nguyện của người học. Những ngành được áp dụng cơ chế đặc thù là du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, ngoài ra còn có cả các mã ngành đào tạo thí điểm trong lĩnh vực du lịch chưa có trong danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay các chính sách đặc thù này nhằm đào tạo nhân lực ngành du lịch trình độ ĐH giai đoạn 2017-2020 theo hướng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Theo Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo với doanh nghiệp được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với các ngành đào tạo về du lịch và mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 trình độ ĐH của các ngành này. Điều kiện bắt buộc để hưởng cơ chế đặc thù này là các cơ sở giáo dục ĐH phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Cụ thể, các cơ sở có đào tạo ngành du lịch phải gắn kết với hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo sinh viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.

Các cơ sở đào tạo phải thỏa thuận doanh nghiệp là nơi thực hành, thực tập của cơ sở đào tạo sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm… của doanh nghiệp để đào tạo thực hành. Thời gian đào tạo tại các doanh nghiệp ít nhất bằng tổng thời gian thực hành, thực tập của chương trình đào tạo và không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình đào tạo.

Chưa thống nhất chương trình đào tạo

Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết đến năm 2016, cả nước có 156 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có: 48 trường ĐH; 43 trường CĐ và CĐ nghề. Tuy nhiên, chương trình đào tạo du lịch đến nay vẫn chưa được thống nhất. Thiếu hệ thống giáo trình cốt lõi, tài liệu tham khảo khá phong phú nhưng chất lượng hạn chế. Trong khi đó, không thể sử dụng giáo trình nước ngoài để giảng dạy chính thức vì nội dung, tên môn học, hệ số tín chỉ… có sự khác biệt lớn với Việt Nam.

 

YẾN ANH/ NLĐ
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)