Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM vừa có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế – xã hội và thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội. Tham dự và phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cần có cơ chế đột phá, chính sách mới để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, phát huy tinh thần “đi trước, đón đầu” trong thời gian tới.
Cần phân cấp mạnh hơn cho TP.HCM để TP phát triển nhanh, bền vững, phát huy tinh thần “đi trước, đón đầu”. Ảnh: S.G.G.P
Tăng điều tiết ngân sách cho TP.HCM lên 26%
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, sau đại dịch Covid-19, TP.HCM phục hồi với kết quả lớn thể hiện tiềm năng, tiềm lực lớn. Đây chính là lý do TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Tuy nhiên TP vẫn còn không ít vấn đề ràng buộc sự phát triển chưa được tháo gỡ. Đó là hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ, an sinh có vấn đề, lạm phát tăng cao – ảnh hưởng đến đời sống của người dân nói chung và công chức, viên chức, công nhân nói riêng. Đặc biệt, nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu. Với yêu cầu của Trung ương giao, của phát triển thời đại, của một TP hơn 10 triệu dân thì nhân lực hiện không đáp ứng được. TP đang thiếu cán bộ ngang tầm nhiệm vụ từ cấp sở đến quận, huyện.
Từ thực tế này, ông Nghĩa cho rằng, TP.HCM cần có cơ chế tự chủ cao hơn, ứng dụng khoa học mạnh mẽ hơn. Cần 6 yếu tố đột phá không tách rời để TP thành đầu tàu tăng trưởng, lôi kéo phát triển của cả nước. Đó là tài chính ngân sách, nguồn lực đất đai, nhà ở, hội nhập kinh tế – thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, bộ máy tổ chức nhân sự. Trong đó, tài chính ngân sách phải có mức độ tự chủ cao hơn mặt bằng pháp lý và cơ chế hiện hữu. Tránh đưa ra biện pháp trung dung vì trung dung thì không thể làm được gì.
“TP xin cơ chế nếu Trung ương cho thì phải cho đúng độ tự chủ và đột phá, bởi không đúng độ mọi việc không chín được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Góp ý cho Nghị quyết 54, ông Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM – đề xuất Trung ương nên tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách năm 2023, 2024, 2025 cho TP ở mức 23% thay vì 21% như hiện nay, các giai đoạn sau là 26%; trong đó 2% gia tăng dùng đầu tư cho khoa học công nghệ, GD-ĐT.
“Cần đầu tư, xây dựng TP.HCM thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, từ đó lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ”, ông Quân nói.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu chia sẻ những khó khăn mà TP.HCM đang đối diện, đặc biệt là vốn để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và cho rằng TP cần tính toán tái cơ cấu nền kinh tế. Có những cơ chế TP xin nhiều lần nhưng không được thì nên xin cái khác…
Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSNDTC – góp ý, cái gì xã hội làm được thì để cho xã hội làm; nếu dựa vào ngân sách, TP.HCM không phát triển nổi. Do đó, TP.HCM nên thực hiện xã hội hóa đầu tư, lúc này Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, không can thiệp vào nhiều. Mặt khác, TP.HCM nên xin mở rộng độ dư nợ vay cho TP. Đây là kênh để huy động nguồn lực xã hội. TP.HCM cần rà lại, chọn lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, từ đó đề xuất cơ chế chính sách. Xin cơ chế là để phát triển…
Nên phân cấp mạnh hơn cho TP.HCM
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, TP.HCM đã mạnh mẽ vượt qua đại dịch Covid-19, dù trước đó đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng trưởng âm nhưng nay đà tăng trưởng phục hồi tốt.
“15/19 chỉ tiêu đã hoàn thành, đây là ý chí mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP đóng góp cùng cả nước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2022”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TP đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng của TP đối với phía Nam và cả nước đang suy giảm dần, nhất là 2 năm qua suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng của đại dịch. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng bất cập so với yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế. Nghẽn thủ tục hành chính. Chỉ số cạnh tranh địa phương hầu như không tiến bộ trong các năm qua. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp…
TP.HCM: Mong được thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023 Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ đầu năm đến nay, kinh tế TP tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực đạt và vượt so với trước khi có dịch Covid-19. Từ đó tạo tâm lý và sự tin tưởng để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 9,97% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 350 ngàn tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ. Đối với thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội, qua 5 năm thực hiện TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế TP liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% giai đoạn 2011-2015. Để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững, Chủ tịch UBND TP kiến nghị cho phép TP tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết năm 2023; Quốc hội bổ sung cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; cơ chế xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP.Thủ Đức; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo… |
Theo Chủ tịch nước, TP cần tiếp tục theo đuổi một cách có chiến lược, bài bản và hiệu quả mô hình nền kinh tế sáng tạo. TP phải là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước. Để khắc phục rào cản, hạn chế, cần thực hiện cải cách cả chính sách và hệ thống công vụ rộng hơn để tạo ra những thay đổi rõ nét về môi trường kinh doanh; cải thiện cơ chế chính sách và hạ tầng liên quan nền tảng số, đổi mới sáng tạo; tiếp tục đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực chất lượng cao…
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với những kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 của Quốc hội đã đạt được thì hiện nay cơ chế năng động sáng tạo, đi trước đón đầu cho TP với các thí điểm chưa được thực hiện đồng bộ, cho nên sự kìm hãm phát triển còn lớn.
Chủ tịch nước tán thành ý kiến của các đại biểu ủng hộ nên có một cơ chế mới cho TP.HCM với nội dung thiết thực hơn, có sức sống mãnh liệt hơn. Theo đó, cần có cơ chế đột phá, chính sách mới, kể cả xem xét những cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh mẽ hơn để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, phát huy tinh thần “đi trước, đón đầu” trong thời gian tới.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)