Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cơ chế điều hành giá xăng dầu mới

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết định giảm giá bán dầu diesel 450 đồng/lít và chuyển mặt hàng này sang kinh doanh theo cơ chế thị trường kể từ ngày 16.9.2008. Điều đó có nghĩa là, giá xăng dầu sẽ không còn do Bộ Tài chính, Bộ Công thương quyết định như trước, mà do các doanh nghiệp quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định trên là phù hợp với định hướng điều hành giá cả trong cơ chế thị trường, tức là Nhà nước không trực tiếp quyết định giá xăng dầu, mà chỉ thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát và can thiệp bằng chính sách thuế; doanh nghiệp quyết định giá, lời ăn, lỗ chịu; Nhà nước không bù lỗ. Quyết định trên cũng phù hợp với diễn biến giá xăng dầu trong nước và trên thế giới hiện nay; có tác dụng “cởi trói” cho các doanh nghiệp chủ động nhập khẩu, dự trữ lưu thông, hoạch toán chi phí, chi hoa hồng cho đại lý bán lẻ, quyết định giá bán… Người tiêu dùng trong một chừng mực nào đó sẽ trực tiếp chịu hoặc hưởng giá xăng dầu tùy theo sự biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, việc chuyển các mặt hàng xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường cần phải gắn chặt với việc giám sát kiểm tra, hoàn thiện cơ chế chính sách.  Bởi tình trạng lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền về giá, quy định giá không hợp lý để chiếm lĩnh thị trường gây thiệt hại đến lợi ích của các doanh nghiệp khác, người tiêu dùng… dễ xảy ra. Lý do là mức độ độc quyền của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn cao, tình trạng gian lận, không minh bạch về chi phí vẫn tồn tại…

Mức độ độc quyền được thể hiện ở chỗ, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu còn ít và hoàn toàn là doanh nghiệp nhà nước, không có doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia (như doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tình trạng gian lận về chất lượng xăng dầu, về cân đo đong đếm hoặc các chỉ số kỹ thuật liên quan đến môi trường xảy ra phổ biến trong thời gian qua gây xôn xao dư luận. Tình trạng hạch toán chi phí, kiểm toán, báo cáo thiếu minh bạch còn diễn ra khá phổ biến và tinh vi.

Quy định của pháp luật hiện hành là Nghị định 55 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Công thương về đăng ký giá bán, tổ chức bán theo giá đã đăng ký, niêm yết đúng khối lượng, chất lượng. Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ giám sát liên bộ về giá xăng dầu. Tổ này có trách nhiệm theo dõi việc điều chỉnh giá xăng dầu do các doanh nghiệp đầu mối xây dựng, đăng ký, đề xuất; tiếp nhận việc đăng ký giá xăng dầu trước thời điểm ba ngày (tính theo ngày làm việc); kiểm tra, phát hiện những yếu tố bất hợp lý để kiến nghị với lãnh đạo hai bộ; nếu lãnh đạo liên bộ không chấp thuận thì thông báo cho các doanh nghiệp không chấp thuận đó một ngày trước thời điểm doanh nghiệp đề nghị; nếu sau 3 ngày mà Tổ giám sát không có ý kiến phản hồi thì doanh nghiệp có quyền điều chỉnh giá bán như đã đăng ký. Đây là công việc cần thiết để bảo đảm sự giám sát, kiểm tra của Nhà nước khi chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới.

Ngọc Minh (Theo TNO)

Bình luận (0)